Phiên giao dịch hôm nay ngày 25/01, thị trường chứng khoán buổi sáng đang từ sắc đỏ đảo chiều sang xanh và tăng rất mạnh ở nửa sau phiên chiều. Đóng cửa, Vn-Index tăng 39,87 điểm lên 1.479,58 điểm, thanh khoản đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng.
Đóng góp vào sự hưng phấn của thị trường hôm nay chủ yếu nhờ nhóm VN-30 và các cổ phiếu ngân hàng với hơn chục mã tăng trên 3%.
Cụ thể, trong số 27 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên 3 sàn thì chỉ có 2 mã giảm giá, 2 mã tham chiếu còn lại 24 mã tăng, trong đó NVB của NCB, LPB của LienVietPostBank và TPB của TPBank dẫn đầu với mức tăng từ hơn 5% đến hơn 8%. Riêng LPB tăng kịch trần.
LPB không chỉ tăng cao về chỉ số với 7% lên kịch trần mà còn mạnh về thanh khoản khi là 1 trong 2 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất hôm nay, cùng với STB của Sacombank. Mã này tăng từ đầu phiên sau khi có tin VNPost muốn bán hơn 122 triệu cổ phiếu LPB với giá tối thiểu 28.930 đồng/cổ phiếu, cao hơn tới 30% giá hiện hành.
Nhóm tăng mạnh trên 4% trong phiên nay có BID của BIDV, VPB của VPBank, MSB của Ngân hàng Hàng Hải và STB của Sacombank, trong đó STB dẫn đầu thanh khoản toàn dòng bank với hơn 24 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Các cổ phiếu có thanh khoản tốt khác như CTG của VietinBank, SHB của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, TCB của Techcombank, TPB của TPBank, OCB của Ngân hàng Phương Đông, VCB của Vietcombank, EIB của Eximbank, PGB của PGBank, HDB của HDBank, VIB của Ngân hàng Quốc tế cũng tăng trên 3%.
Mã tăng ít nhất là ABB cũng được 0,9%, tiếp đó là SGB của Saigonbank với 1,1%. Chỉ có 2 mã đứng giá tham chiếu là BAB của Bac A Bank và NAB của Nam A Bank, hai mã giảm là VAB của VietABank và KLB của Kienlongank. Tất cả nhóm 6 mã này đều là cổ phiếu giao dịch trên UPCoM.
Diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng phiên 25/1
Cổ phiếu ngân hàng hút sự chú ý của nhà đầu tư khi đây được đánh giá là nhóm tiềm năng cho năm 2022, đặc biệt sau khi sụt giảm và tạo nền khá chắc ở 6 tháng cuối năm 2021. Trong một buổi Talkshow do CafeF tổ chức mới đây về cổ phiếu ngân hàng, bà Trần Thị Khánh Hiền - GĐ Khối Phân tích VNDirect cho biết, thời gian qua, thị trường đã phản ánh những lo ngại của nhà đầu tư với nhóm ngân hàng.
"Về mặt định giá, hiện định giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn khoảng 15% của đỉnh năm 2021. Vừa qua, khi dòng tiền tập trung quá nhiều vào bất động sản, cổ phiếu vừa và nhỏ khiến định giá nhóm này lên rất cao, thì điều này lại đưa định giá ngân hàng trở nên hợp lý, hiện P/B khoảng 2 lần. Tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng niêm yết là khoảng 18-20%. Nếu so với các ngân hàng khu vực thì ngân hàng Việt Nam khá hấp dẫn, do đó dư địa ngân hàng Việt Nam được định giá lại, có dư địa tăng trưởng còn khá lớn" - bà Hiền nhận xét.
Ông Trần Danh Lương, thành viên HĐQT độc lập của ABBank thì đánh giá, "thị trường sớm muộn gì cũng nhận ra ưu điểm của cổ phiếu ngành ngân hàng xét trên các mặt như tính ổn định, tính minh bạch do hoạt động ngân hàng tuân theo các chuẩn mực quốc tế và được kiểm soát chặt chẽ. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế và khi nền kinh tế Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng thì ngành ngân hàng có nhiều cơ hội phát triển".
https://cafef.vn/co-phieu-ngan-hang-dong-loat-tang-manh-lpb-tang-kich-kich-tran-20220125142154099.chnTheo H. Kim
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.60770555152102202-nart-hcik-gnat-bpl-hnam-gnat-taol-gnod-gnah-nagn-ueihp-oc/nv.zibefac