Ngày 24/1, các bang Texas, Indiana và Washington của Mỹ cùng với Thủ đô Washington D.C đã khởi kiện công ty Google thuộc tập đoàn công nghệ Alphabet với cáo buộc đánh lừa để truy vết địa điểm, theo đó vi phạm quyền riêng tư của người dùng.
Văn phòng người đứng đầu cơ quan tư pháp Washington D.C Karl Racine ra tuyên bố cho biết: "Google khiến người dùng lầm tưởng rằng việc thay đổi tài khoản và cài đặt thiết bị sẽ cho phép họ bảo vệ quyền riêng tư và kiểm soát các dữ liệu cá nhân mà công ty này có thể tiếp cận."
Tuyên bố nêu rõ: "Trên thực tế, Google tiếp tục theo vết người dùng một cách có hệ thống và hưởng lợi từ dữ liệu của khách hàng." Tuyên bố khẳng định hành vi này "vi phạm rõ ràng quyền riêng tư của người dùng."
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Texas, Ken Paxton, cáo buộc Google tiếp tục truy vết vị trí ngay cả khi người dùng tìm cách chặn điều này.
Google có chế độ cài đặt "lịch sử vị trí" và thông báo người dùng rằng nếu họ tắt cài đặt này thì các vị trí sẽ không được lưu trữ.
Tuy nhiên, theo giới chức bang Texas, Google vẫn "tiếp tục theo dõi vị trí người dùng thông qua các cài đặt và phương pháp khác mà hãng này không công bố thỏa đáng."
Về phần mình, người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Washington, Bob Ferguson, cho biết năm 2020, Google đã thu lời gần 150 tỷ USD từ quảng cáo.
Tuyên bố nêu rõ: "Dữ liệu vị trí là chìa khóa cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của Google. Vì vậy, họ có lý do tài chính để thuyết phục người dùng không chặn quyền truy cập dữ liệu này.
Tháng 5/2020, bang Arizona của Mỹ cũng đã khởi kiện Google liên quan việc thu thập dữ liệu vị trí của người dùng. Vụ kiện này chưa được xử.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Google, ông Jose Castaneda cho rằng các cáo buộc trên không đúng sự thật và dựa trên những đánh giá đã lỗi thời về các đài đặt của Google.
Người phát ngôn này nhấn mạnh Google "luôn đưa các yếu tố quyền riêng tư vào các sản phẩm của mình và cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ về dữ liệu vị trí".
Đào Vũ (Theo Bnews, Vietnamplus)