Thành viên nhóm Steam Nha Trang hướng dẫn học sinh trải nghiệm kính thiên văn - Ảnh: TTXVN
Trường tiểu học Khánh Nam, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Nhiều em học sinh vừa háo hức vừa lạ lẫm khi lần đầu nhìn thấy các loại kính thiên văn do nhóm Steam Nha Trang phối hợp Đài Thiên văn Nha Trang đưa đến.
Khi được hỏi đây là thiết bị gì, em Cao Thị Thu Nhi, học sinh lớp 5B, người dân tộc Raglai, xung phong trả lời là "thiết bị nhìn trời", trong khi bạn em lại bảo đó là "ống nhòm"…
"Em có học môn khoa học tự nhiên nhưng trong sách không có hình ảnh về các thiết bị như hôm nay, nên em mới trả lời sai. Đây là lần đầu tiên em được nhìn và tận tay sờ vào kính thiên văn, được ngắm nhìn bầu trời thông qua kính thiên văn", Thu Nhi chia sẻ.
Ông Tạ Văn Trinh, hiệu trưởng Trường tiểu học Khánh Nam, cho biết trường ở khu vực miền núi nên điều kiện để học sinh tham quan, trải nghiệm bên ngoài nhà trường rất ít và gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Do vậy, việc học sinh được khám phá khoa học thông qua buổi trải nghiệm dẫu ngắn ngủi nhưng truyền được cho các em sự thích thú, mong được khám phá nhiều hơn về bầu trời, vũ trụ.
"Tôi cho rằng chương trình rất ý nghĩa, bởi thông qua đây, học sinh thấy được thế giới xung quanh rất huyền bí, cần được khám phá. Từ đó tạo động lực cho các em tự tìm hiểu, khám phá trong học tập nhiều hơn và lan tỏa các kiến thức của mình cho người thân.
Từ chương trình này, chúng tôi mong muốn có thêm những chương trình khác như khám phá các địa danh nổi tiếng như: Viện Hải dương học, Hòn Chồng (thành phố Nha Trang)… nhằm khích lệ sự học và mong muốn trải nghiệm của các em, nhất là học sinh dân tộc thiểu số", ông Tạ Văn Trinh bày tỏ.
Học sinh Trường tiểu học Khánh Vĩnh ngắm bầu trời qua thiết bị thiên văn trong chương trình khoa học trải nghiệm do nhóm Steam Nha Trang tổ chức - Ảnh: TTXVN
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thảo - Giám đốc Đài Thiên văn Nha Trang - cho biết thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đài rất khó đón học sinh đến tham quan. Khi mang thiết bị thiên văn đến với học sinh miền núi, đoàn cũng đã tính toán các khâu vận chuyển để đảm bảo an toàn và mang đến cho các em trải nghiệm chân thực nhất.
"Thông điệp chúng tôi mang đến cho các con ở đây rất đơn giản: tạo cho các con có điều kiện ngắm các vật thể ở xa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ còn tiếp tục tổ chức các chương trình đưa kính thiên văn đến các trường học để các con tự mình trải nghiệm.
Trong điều kiện dịch COVID-19 kiểm soát tốt, chúng tôi sẽ mở cửa Đài thiên văn miễn phí định kỳ để học sinh có thể đến khám phá, trải nghiệm", Tiến sĩ Nguyễn Thị Thảo cho hay.
Tại TP Nha Trang, nhóm Steam Nha Trang tổ chức chương trình hướng dẫn học sinh pha chế nước rửa tay tại các trường. Sau chương trình, các em đã tự làm nên sản phẩm hoàn chỉnh.
Em Minh Châu, học sinh Trường THCS Võ Văn Ký, chia sẻ: lúc đầu khi chưa tiếp cận với phương pháp STEM, em rất bỡ ngỡ với việc pha chế, lo lắng sơ suất trong khi làm việc sẽ để lại nhiều hậu quả, nguy hiểm. Sau này, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, em đã tự tin thuyết trình và hoàn toàn có thể giúp các bạn khác làm được điều này dễ dàng.
Thầy Phạm Vũ Thanh An - giáo viên Trường THCS Võ Văn Ký, thành viên nhóm Steam Nha Trang - cho biết việc ứng dụng phương pháp giáo dục STEM đang được một số trường trong nước triển khai, nhằm giúp học sinh tư duy nhạy bén, học tập thích thú hơn. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
"Các thành viên trong nhóm có các ngành nghề khác nhau. Chúng tôi gặp nhau nhờ sự thay đổi của con cái khi các con tiếp cận với STEM. Chính các con đã truyền những tư duy mới mẻ cho chúng tôi. Từ đó, chúng tôi muốn lan tỏa đến các bậc phụ huynh khác nên phát triển nhóm. Chúng tôi thấy vui vì đã làm được điều nhỏ bé nhưng có ích đối với sự phát triển, tư duy của học sinh về sau này", thầy An chia sẻ.
TTO - Em học sinh miền núi phải dựng lán đón sóng 3G để học online trong bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Online đã được nhà mạng Viettel hỗ trợ sóng 4G đến tận nhà.
Xem thêm: mth.67000153152102202-iort-uab-magn-iun-neim-ort-coh-ohc-nel-nav-neiht-hnik-ohc/nv.ertiout