Ngày 24-1, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng nghị của VKS, bác kháng cáo của nguyên đơn dân sự và giữ nguyên phán quyết của án sơ thẩm, tuyên các ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1957), Văn Công Đường (sinh năm 1956) và Đặng Văn Chiến (sinh năm 1968) không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Những hợp đồng mua bán lúa mì
Phần luận tội, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại. Tuy nhiên, HĐXX đưa ra 10 nhận định đồng tình với án sơ thẩm về 51 điểm bác quan điểm buộc tội của VKS.
Ở giai đoạn phúc thẩm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc triệu tập người liên quan, người làm chứng… đến phiên tòa để làm rõ mọi vấn đề gặp nhiều khó khăn. Do đó, hồ sơ kéo dài cả năm, đến nay mới xét xử.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Sinh và ông Chiến có mặt, còn ông Đường do đang mắc bệnh hiểm nghèo nên xin xét xử vắng mặt.
Hội đồng xét xử phúc thẩm. Ảnh: LS
Vụ án khởi tố năm 2016, xuất phát từ đơn tố giác năm 2014 của Công ty TNHH Khâm Thiên. Công ty này có quan hệ kinh doanh mua bán lúa mì với Công ty TNHH Thái Nguyên 1 do ông Sinh làm chủ từ năm 2012. Giữa hai công ty đã ký kết, thực hiện được nhiều hợp đồng mua bán lúa mì với nhau.
Thông qua việc thực hiện các hợp đồng liên kết liên doanh lúa mì, Công ty Khâm Thiên đã đưa 6.452.690 kg lúa mì Úc, trị giá gần 57 tỉ đồng vào silo số 4, số 5 của Công ty Thái Nguyên 1.
Công ty Thái Nguyên 1 đã thanh toán cho Công ty Khâm Thiên gần 19 tỉ đồng. Tương ứng với số lúa mì mà Công ty Khâm Thiên đã xuất bán cho Công ty Thái Nguyên 1 là 2.239.076 kg. Số lúa mì còn lại trong kho là 4.213.444 kg lúa mì Úc, trị giá gần 38 tỉ đồng, ông Sinh đã chỉ đạo ông Đường (trưởng phòng kinh doanh) lấy đem bán, thu được 35 tỉ đồng.
Ngày 16-10-2013, khi đối tác kiểm tra hàng hóa thì phát hiện niêm phong bị phá nên lập biên bản nhưng ông Chiến là thủ kho không chịu ký vào biên bản...
Cáo trạng xác định giá trị số lúa mì còn lại (gần 38 tỉ đồng) chính là số tiền mà các ông đã công nhiên chiếm đoạt.
Cáo trạng không đúng thực tế khách quan
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai nhận định hồ sơ vụ án thể hiện có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Ngoài ra, trong bối cảnh các bị cáo đang kêu oan, CQĐT không triệu tập các bị cáo và các luật sư cùng tham gia khám nghiệm và thực nghiệm hiện trường, không mời người chứng kiến bắt buộc theo quy định của BLTTHS.
Hiện trường vụ án đã bị xáo trộn, các mẫu vật đã được thu hết và lưu hồ sơ nên không thể khám nghiệm lại hiện trường. Vì các vi phạm này, HĐXX không sử dụng kết quả điều tra làm chứng cứ buộc tội.
Về hành vi phạm tội, HĐXX xác định kết luận của cáo trạng có các vấn đề không đúng thực tế khách quan. Không đủ chứng cứ xác định thời gian, địa điểm, phương thức, phương tiện thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Trong quá trình điều tra, ngày bị chiếm đoạt được CQĐT và VKS xác định nhiều lần với nhiều thời điểm phạm tội khác nhau. Lý do của việc thay đổi này là sau mỗi lần tòa yêu cầu điều tra bổ sung đều phát sinh những tình tiết khiến việc xác định ngày phạm tội của lần điều tra trước đó không đúng.
Về cấu thành tội phạm, dấu hiệu công nhiên thể hiện tính công khai của hành vi chiếm đoạt và hoàn cảnh, điều kiện tự nhiên là chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản cho dù người phạm tội không hề sử dụng thủ đoạn nào. Trong vụ án này, chưa chứng minh được ngày 16-10-2013, các bị cáo lấy bao nhiêu lúa mì từ silo 4 hay silo 5; việc tổ chức lấy lúa mì, tổ chức tiêu thụ lúa mì trong ngày đó diễn ra như thế nào; thời điểm chiếm đoạt, cáo trạng kết luận không thể hiện thông qua chứng cứ nào mà hoàn toàn suy đoán cho phù hợp với bản đối chiếu công nợ ngày 17-10-2013…
Từ đó, HĐXX sơ thẩm kết luận rằng không đủ căn cứ kết tội các bị cáo công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ của thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nữ thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết để đưa ra phán quyết như trên, HĐXX dựa trên hồ sơ cũng như tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Thẩm phán cũng bày tỏ sự quý trọng bản lĩnh của đồng nghiệp cấp sơ thẩm, tận tâm với hồ sơ án thụ lý. Về phần mình, thẩm phán chủ tọa cùng các thẩm phán thành viên HĐXX phúc thẩm chỉ nghĩ đã góp niềm vui nhỏ trong công việc chốn pháp đình. |
Không sử dụng lời khai không phù hợp chứng cứ khách quan
HĐXX phúc thẩm đưa ra 10 điểm nhận định để giữ nguyên phán quyết của HĐXX sơ thẩm, tuyên ông Sinh, ông Đường và ông Chiến không phạm tội.
Về việc áp dụng pháp luật nội dung trong điều tra truy tố, HĐXX cho rằng cáo trạng không nêu được hành vi khách quan của các bị cáo thực hiện có dấu hiệu đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, nếu chứng minh được các bị cáo có hành vi chiếm đoạt thì cũng không phải hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản.
HĐXX cũng đánh giá chứng cứ quan trọng nhất xác định khoản tiền hơn 37 tỉ đồng nêu trong đơn tố giác là nợ trong giao dịch dân sự hay tiền tương ứng giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Đáng chú ý, HĐXX nhận định bản cáo trạng không nêu nội dung tại thỏa thuận trong hợp đồng và phụ lục giữa hai công ty, dẫn đến phản ánh sai về thỏa thuận, về thời hạn thanh toán. Ngoài ra, cáo trạng có sự đánh đồng giao dịch giữa hai công ty chỉ thuần túy là hàng theo giao dịch gửi giữ mà không xác định được giữa hai bên còn tồn tại cả hàng đã bán theo hợp đồng mua bán.
HĐXX cũng bác kháng nghị, kháng cáo liên quan đến việc khám nghiệm hiện trường và thực nghiệm điều tra vì cùng quan điểm với cấp sơ thẩm là chưa thực hiện đúng BLTTHS.
Ngoài ra, HĐXX cũng bác kháng nghị liên quan đến việc sử dụng nguồn chứng cứ là lời khai của bị hại, bị cáo, người làm chứng và các đương sự khác của cấp sơ thẩm. HĐXX đánh giá rằng việc cấp sơ thẩm không sử dụng lời khai ban đầu (trước khi kêu oan) của các bị cáo làm căn cứ buộc tội, không sử dụng lời khai của những người tham gia tố tụng khác khi không phù hợp chứng cứ khách quan khác thu được trong hồ sơ vụ án là thực hiện đúng quy định của BLTTHS.•
Chúng tôi luôn tin vào công lý Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi nhận ra rằng việc khởi tố, truy tố, bắt tạm giam các ông có rất nhiều dấu hiệu oan. Cơ quan điều tra đã nhiều lần điều tra bổ sung, sau đó thay đổi tội danh từ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sang công nhiên chiếm đoạt tài sản. TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm đã tuyên cả ba ông đều không phạm tội. Thế nhưng, VKS kháng nghị hủy án để xét xử lại theo hướng buộc tội. Kháng nghị chỉ dựa vào lời khai còn nhiều mâu thuẫn của ba ông trong quá trình điều tra, mà những lời khai này được đưa ra khi cả ba đều đang chịu những áp lực từ việc bị tạm giam. Khi xét xử, tòa phải thẩm tra toàn bộ chứng cứ, trong đó có các lời khai. HĐXX đã chỉ ra những chứng cứ buộc tội không vững chắc của cơ quan điều tra và VKS. Vụ án này, hai công ty đã có những thỏa thuận với đầy đủ chứng từ, biên bản xác nhận công nợ, trích xuất hóa đơn, báo cáo thuế. Như vậy, số tiền mà cơ quan điều tra cáo buộc các người này đã chiếm đoạt thực ra là một khoản nợ chưa trả được, nếu có tranh chấp, phải do tòa án giải quyết. Việc khởi tố, truy tố họ là hình sự hóa tranh chấp kinh tế, thương mại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Khi HĐXX phúc thẩm tuyên bác kháng nghị, họ và tôi đều vui mừng. Trước đó, bản án sơ thẩm cũng rất thuyết phục, nay bản án của Tòa Cấp cao càng thuyết phục hơn. Chúng tôi luôn tin vào công lý… Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, THÀNH ĐẠT ghi |