Lý do là vì lúc đó các doanh nhân đều cố gắng lo cho công nhân của mình. Vaccine thì thiếu, thuốc điều trị chưa có, họ tìm mọi cách để công nhân của mình được tiêm vaccine, nếu có ai dương tính thì ra sức lo cho được điều trị.
Cố nhiên, lời thổ lộ của doanh nhân nói trên là tin được. Bởi thực ra các doanh nhân nghĩ rằng bảo đảm an toàn cho công nhân của mình là trách nhiệm hàng đầu. Họ thậm chí còn phải lo cho cả những người thân của công nhân đã từng gắn bó với họ, không kể ngắn dài.
Tuy nhiên, bên cạnh việc lo cho người lao động của mình, các doanh nhân còn tích cực hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ các cấp chính quyền phòng chống dịch, chăm lo cho hoàn cảnh yếu thế, khó khăn trong xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã kịp thời mua hàng tấn lương thực, thực phẩm để đưa đến tận tay những hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, không ít doanh nhân xông pha vào tâm dịch, bất chấp những nguy hiểm về sức khỏe để chung tay trong phòng chống dịch. Chưa hết, họ đã hỗ trợ cộng đồng bằng rất nhiều hình thức sáng tạo như mô hình “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “ATM ôxy”, “Siêu thị mini 0 đồng”…
Ngoài đóng góp tài chính, sinh phẩm, vật tư y tế… cho Nhà nước chống dịch, các doanh nhân còn dành nhà kho, xưởng sản xuất để chính quyền thành lập bệnh viện dã chiến, khu cách ly.
Một báo cáo tổng hợp cho hay: Số tiền các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước, các chính phủ tài trợ cho công tác chống dịch của Việt Nam lên đến 20.000 tỉ đồng. Nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nhân đã góp phần lớn cho công tác phòng chống dịch. Nhưng dĩ nhiên, đo đếm sự hy sinh của doanh nhân nói riêng, nhân dân nói chung trong cuộc chiến chống COVID-19 bằng tiền, thậm chí tiền tỉ, nhiều khi cũng không chính xác.
Vì bên cạnh trách nhiệm xã hội thì gần 1 triệu doanh nhân và nhân dân còn dành trọn cả tình người cho kiếp nhân sinh. Chính sự chia lửa của doanh nhân với người dân, với đất nước thể hiện mạnh mẽ truyền thống nhân văn, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Nó cũng truyền cảm hứng cho cộng đồng về tinh thần đoàn kết, yêu thương, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua thử thách.
Như một doanh nhân phát biểu, “cứ làm xong một chương trình thiện nguyện thì tôi tiếp tục muốn làm thêm hoạt động khác vì chứng kiến nhiều hoàn cảnh đang rất khó khăn do dịch bệnh. Từ đó, tôi mong muốn lan tỏa được tinh thần tương thân tương ái để có thể giúp đỡ thêm được nhiều mảnh đời kém may mắn”.