Người Hà Nội trò chuyện trong không gian trưng bày về thú chơi hoa đào, hoa thủy tiên ngày Tết - Ảnh: T.ĐIỂU
Đó là nhớ về tổ tiên, tôn kính ông bà cha mẹ, thầy cô...
Không gian triển lãm Tết xưa do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức tại Hà Nội có thể mang đến cho người xem nhiều khám phá thú vị về Tết xưa của ông bà, như các tập tục ngày Tết từ chốn cung đình nhiều lễ giáo cho tới người dân đơn sơ, thấy nét đẹp thư nhàn của người du xuân, trẩy hội giữa lúc đất trời đang bước vào một chu kỳ mới.
Từng có một truyền thống biếu quà Tết rất đẹp
Góc trưng bày những bản tấu, thư về việc các địa phương biếu quà Tết tới quan trên, triều đình mang lại sự ngạc nhiên thú vị cho người xem: người xưa biếu vua quan những thứ thật tình cảm như thúng cam, lạng trầm, kim táo, bánh thị, long nhãn... và tất cả đều được ghi chép minh bạch, lưu sổ sách.
Người xưa biếu quà để thể hiện tình cảm biết ơn chân thành với người có ơn với mình mà ngày thường thật khó có dịp đền đáp nhau.
Trong tư liệu được trưng bày có các bản tấu kê khai chi tiết như bộ Lễ kê khai các hạng trà, sâm do nha Kinh lược và các tỉnh Bắc Kỳ cung tiến; phó tổng trấn Bắc Thành cung tiến 1.500 quả cam; tổng trấn thành Gia Định cung tiến kim táo, bánh thị, long nhãn; Trần Văn Lâm kê khai các loại pháo cung tiến; trấn Quảng Bình cung tiến 32 lạng trầm hương; quan án sát Phủ Liễn gửi quà là một thúng cam vào Huế nhân dịp Tết...
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ rất thích thú với phần trưng bày các bản tấu này. "Hóa ra truyền thống biếu quà Tết của cha ông ta xưa đã được thực hiện như một giao đãi tình cảm thực thà, được làm rất đàng hoàng, minh bạch, không cá nhân" - ông Trịnh Lữ nói.
Họa sĩ Đỗ Phấn cũng cho rằng truyền thống tặng quà Tết là một truyền thống đẹp, để mọi người được thể hiện tình yêu thương, thân quý vào thời khắc thiêng liêng nhất của một năm, khi bắt đầu một chu trình sống mới.
Theo ông, ngoại trừ việc một số người lợi dụng chuyện tặng quà Tết để hối lộ, vụ lợi; truyền thống tặng quà Tết nên tiếp tục được nuôi giữ đúng với ý nghĩa đẹp của nó là để tỏ bày tình cảm chân thành và tạ ơn nhau.
Tưởng tượng con người mà không có Tết thì sẽ tẻ nhạt đến đâu, sẽ chỉ như những con vật khác, không có hành động mang tính văn hóa, văn minh. Con người biết ý thức về bản thân và thế giới bên ngoài thì mới ra được văn hóa, và ngày lễ Tết là một thứ văn hóa đẹp của loài người và chỉ con người mới có.
Dịch giả TRỊNH LỮ
Tết là thời gian cho tâm thanh lọc
Chia sẻ về Tết nay trong nếp nhà của một gia đình được đánh giá là gia đình trí thức yêu văn hóa của Hà Nội, dịch giả Trịnh Lữ cho biết thực ra gia đình ông không "cổ" trong việc giữ văn hóa Tết như người ta nghĩ.
Bố ông - họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương Trịnh Hữu Ngọc - là người Tây học nên gia đình chỉ giữ tinh thần của Tết, không câu nệ vào tập tục, hình thức.
"Tết với nhà tôi chỉ là gắng sống với nhịp của thiên nhiên, gắn kết mình vào cộng đồng, trời đất. Tết là quãng thời gian mà nhịp sống sinh sôi, như cây cối thay da đổi thịt, tâm mình cũng cần thanh lọc để đón nhận một chu kỳ mới của vũ trụ mà mình là một phần ở trong đó.
Và tất nhiên Tết phải thắp hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên, nhìn lại một năm qua. Vợ chồng con cái quây quần bên nhau mà ngày thường nhiều khi không phải lúc nào cũng có được" - họa sĩ Trịnh Lữ nói.
Ông cho biết Tết với riêng ông còn là dịp tự nghĩ về mình và nghĩ đến mọi người, là dịp để nhắc mình biết sống với lòng biết ơn bố mẹ cho mình ra đời, biết ơn trời đất nuôi nấng mình. Chỉ cần nghĩ như thế thôi, cái Tết với ông đã vô cùng hạnh phúc.
Giá trị vĩnh cửu của Tết không thay đổi
Nói về Tết xưa Tết nay, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng Tết nay đã thay đổi rất nhiều. Ông cho sự thay đổi đó là bình thường, đi theo sự phát triển kinh tế - xã hội của con người. Nhưng có những giá trị vĩnh cửu của Tết thì không thay đổi. Đ
ó là truyền thống ngày Tết nhớ đến ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Con cháu nhà nào cũng có bánh chưng bày lên bàn thờ Tết, thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên, rồi nhớ công ơn thầy cô...
Nhiều người lo lắng Tết nay con cháu kéo nhau đi du lịch, nhưng ông Huy cho điều đó không có gì đáng ngại. Với nhiều người, đi du lịch ngày Tết không có nghĩa là quên ông bà tổ tiên mà đó chính là cách họ gắn kết gia đình theo một cách mới, là quãng thời gian được dành trọn vẹn cho nhau mà ngày thường nhiều gia đình ít dịp có được.
Một giá trị vĩnh hằng của Tết theo ông Huy là truyền thống thưởng xuân, du xuân để đón lấy khí xuân của đất trời mà tự làm mới mình của người Việt.
TTO - Chỉ với hơn 100 tài liệu lưu trữ quý mà 'khô khan' nhưng được sắp đặt sống động qua tài nghệ thiết kế của họa sĩ, Tết xưa hiện lên đầy thú vị với những phong tục đẹp của ăn Tết, chơi Tết, du xuân thể hiện cốt cách, tinh thần dân tộc.
Xem thêm: mth.88384648062102202-uig-noc-yah-ueid-yan-tet-aux-tet/nv.ertiout