Trong năm qua, với việc xuất bản tiểu thuyết bằng tiếng Anh The Mountains Sing, tôi đã có cơ hội được đặt chân đến hơn 20 thành phố ở Mỹ và châu Âu để giao lưu với bạn đọc. Mỗi lần chuyến bay hạ cánh, tôi đều ước rằng điểm đến của tôi là quê hương Việt Nam.
Càng đi xa, mong ước cháy bỏng của tôi là được trở về. Những ngày giáp Tết này, mong ước đó càng mãnh liệt hơn.
Từ thành phố Bishkek (Kyrgyzstan), tôi vào mạng tìm vé máy bay về TP.HCM. Tết càng đến gần, lòng tôi càng cồn cào nỗi nhớ quê hương, nhớ cha mẹ. Ba tuần trước, khi tìm mãi không có chuyến bay, tôi đã gọi điện về nhà. Qua điện thoại, cha mẹ ân cần nói với tôi rằng mọi việc ở nhà bình an, cha mẹ đã có hai anh tôi bên cạnh, vì thế tôi cứ yên tâm.
"Khi nào dịch ổn, con về là có Tết", cha tôi nói với tôi như thế. Tôi đã thấy khóe mắt mình cay.
Tôi đã nhất trí với cả gia đình là tháng 3 hoặc tháng 4, khi việc đi lại thuận tiện hơn, tôi sẽ về nhưng rồi những hình ảnh, tin tức từ quê hương cứ làm tôi xao xuyến. Giờ này nếu ở nhà, tôi sẽ cùng mẹ tôi nấu nướng, sửa soạn nhà cửa, bày biện bàn thờ tổ tiên để đón Tết.
Tôi sẽ cùng cha tôi ra chợ chọn những chậu hoa nhiều nụ, dáng đẹp để đem may mắn về với gia đình. Tôi sẽ đi thăm bạn bè, người thân. Và tôi sẽ lang thang trên phố, hít căng lồng ngực bầu không khí nhộn nhịp, ngập tràn năng lượng mà tôi luôn cảm thấy ở quê hương trước thềm mùa xuân mới.
Kết quả tìm chuyến bay của tôi hiện lên. Có vé cho tuần này dù giá vẫn cao ngất ngưởng, và tôi sẽ cần bay rất nhiều chặng, đi gần hai ngày mới về được đến nhà. Tôi ngồi đó, lặng người. Công việc và gia đình tôi cần tôi ở Bishkek lúc này.
Chồng tôi và tôi vừa mới chuyển sang đất nước vùng Trung Á này để sống và làm việc trong vài năm tới và chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải thu xếp. Thêm vào đó, nếu về bây giờ, tôi sẽ không yên tâm ăn Tết với cha mẹ vì sẽ canh cánh nỗi lo sẽ đem COVID-19 về nhà. Cha mẹ tôi đã lớn tuổi và cần sự an toàn tuyệt đối.
Trong nhiều triệu người Việt xa quê hương, tôi chắc rằng có rất nhiều người đang băn khoăn giống tôi: về hay không dịp Tết. Đó là một quyết định hết sức khó khăn bởi vì phần đông chúng tôi đã xa nhà hai năm nay, khi Việt Nam đóng cửa các đường bay quốc tế.
Quyết định nối lại các đường bay, tăng thêm các chuyến bay, cho phép cách ly ở nhà là những món quà quý cho chúng tôi, nhưng tiếc rằng chúng đến khá muộn để cho nhiều người trong chúng tôi kịp về trước thềm năm mới.
Kyrgyzstan nơi tôi sinh sống hiện nay không có nhiều người Việt. Là một đất nước nổi tiếng với những dãy núi hùng vĩ và trùng điệp, nơi này không ban tặng cho chúng tôi những cành đào, cành mai vào tháng giêng mà chỉ có một bầu không khí mùa đông lạnh giá nơi tuyết phủ trắng những rặng núi.
Tôi đã đến gặp anh Huy, chủ nhà hàng Việt Nam duy nhất ở thủ đô Bishkek. Tôi hỏi về những loại thức ăn anh sẽ nấu vào dịp Tết và anh bùi ngùi nói với tôi rằng năm nay không thể gói bánh chưng hay bánh tét vì những nguyên liệu như lá dong hoặc lá chuối không thể tìm thấy ở đây.
Những năm trước, anh đã nhập khẩu những nguyên liệu này từ Nga nhưng năm nay bạo loạn ở Kazakhstan khiến hàng hóa không thể lưu thông.
Cũng như anh Huy và nhiều người Việt xa quê khác, hai năm nay tôi chưa được ăn một cái Tết trọn vẹn, đủ đầy. Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình may mắn bởi vẫn còn sức khỏe, vẫn còn công việc và vẫn còn quê hương để trở về.
Và tôi đau đáu mong chờ một cái Tết thực sự. Lúc đó, đại dịch kết thúc, mọi người không còn phải sống trong sợ hãi, mọi quốc gia mở cửa biên giới, mọi gia đình được đoàn tụ và những đứa con xa xứ được ùa về trong vòng tay của Mẹ Tổ quốc.
Sáng ngày 11-10, chuyến bay đầu tiên từ TP.HCM đến Thanh Hoá sau nhiều tháng hàng không gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh đã mang đến cho hành khách những kỷ niệm khó quên.
Xem thêm: mth.47831826062102202-ev-ort-coud-al-gnob-yahc-cou-gnom/nv.ertiout