Cô Phạm Thị Thùy Loan chờ phụ huynh và học sinh đến nhận quà Tết - Ảnh: FBNV
Ban giám hiệu các trường không tổ chức trao quà Tết cho các em tại buổi lễ hay sinh hoạt lớp, không chụp hình học sinh khó khăn nhận quà.
Tuổi Trẻ Online ghi lại chia sẻ của cô Phạm Thị Thùy Loan - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) về những thay đổi đầy ý nhị và tâm lý trong cách thức trao quà, học bổng cho học.
Khoảng 6-7 năm về trước, việc trao quà, trao học hổng cho học sinh khó khăn vẫn được thực hiện trang trọng trong các dịp lễ tết như Khai giảng, Tết Nguyên đán, bế giảng, chào cờ...
Sau này, Sở GD-ĐT Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị tránh việc nhắc từ "nghèo", tránh để các em mặc cảm.
Các trường đã linh hoạt thay thế bằng những từ như học sinh "vượt khó học tốt", "chương trình xuân yêu thương"... nhưng thầy cô vẫn thấy có học trò lên nhận với tâm trạng không vui.
Ở tuổi này, các em dễ mặc cảm dù trong mỗi lần trao quà đều định hướng nội dung các em như tấm gương về học tập để các bạn khác cùng chia sẻ và biết trân trọng các bạn của mình, trân trọng cuộc sống của mình mà cố gắng hơn.
Nhưng tôi hiểu các em học sinh ở độ tuổi này khá tò mò và không phải em nào cũng nhận thức được ý nghĩa tích cực mà đôi khi các em lại sử dụng hình ảnh đó để phân biệt đối xử với các bạn khó khăn.
Có lần tôi tình cờ đọc được một bình luận của học sinh trên fb các em ấy nói chuyện với nhau về một bạn trong lớp. Một em nói "nhìn bạn ấy nhận quà cứ tội tội".
Năm đó tôi phụ trách chi hội khuyến học của nhà trường, chăm lo cho học sinh khó khăn nên tôi đề xuất dừng việc trao quà trước toàn trường mà tổ chức tại phòng Hội đồng chỉ có Ban giám hiệu cùng với các em học sinh nhận quà.
Luôn cố gắng tổ chức trong không khí thân mật nhất, trò chuyện với các em, động viên các em rồi tặng quà. Từ đó, tôi thấy học sinh được nhận vui hơn, gần gũi thầy cô hơn, các em thấy ấm áp hơn.
Tiếp tục làm, tiếp tục thay đổi, 3 năm trở lại đây, nhà trường đã thống nhất không tổ chức buổi riêng mà tổ chức vào cuối buổi các em đi học và không chụp ảnh các em kể cả khi các em sẵn sàng.
Việc chụp ảnh trong các đợt trao thưởng và tặng quà không ngoài mục đích lan toả phong trào, kêu gọi được sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp các em và là một hình thức để lưu thông tin các hoạt động trong năm phục vụ lưu trữ và báo cáo. Nhưng nhà trường đã chấp nhận lựa chọn việc không báo cáo và lưu trữ hoạt động bằng hình ảnh ở mảng này, mà chú tâm vào tâm lý, tình cảm, quyền lợi của các em học sinh.
Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp, các em học sinh không đi học trực tiếp, quá trình tìm hiểu thông tin về các em trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn,... nhà trường thấy đa số ba mẹ lao động cả ngày, khó có thời gian sắp xếp 1-2 tiếng để đưa các con đến nhận quà vì đang dịch, nhiều cha mẹ cũng sẽ không để các em tự đi lại. Vì vậy ban giám hiệu và 1 thầy cô trong bộ phận văn phòng ngồi chờ phụ huynh và học sinh lên nhận.
Phụ huynh và học sinh tranh thủ đến được giờ nào thì nhận giờ đó, nhận quà và lời chúc Tết tực tiếp từ nhà trường. 60 phần quà được đến tận tay các em đơn giản như thế nhưng bằng tất cả sự yêu thương và trân trọng.
TTO - Tết đang ghé qua từng điểm trường giữa những ngọn đồi nơi rẻo cao Nam Trà My (Quảng Nam), mang theo tiếng cười của đám trẻ xua tan cái lạnh giá những ngày cuối đông.
Xem thêm: mth.24512729062102202-nahn-av-ohc-coh-iab-av-tet-auq/nv.ertiout