Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất trong khu vực ASEAN. Thậm chí, Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng đối với Facebook, là đầu tàu có doanh thu lớn nhất ở Đông Nam Á, theo một báo cáo tài chính của Facebook được công bố gần đây. Năm 2021, các ông lớn như Google, YouTube, Facebook... đã nộp 1.314 tỉ đồng tiền thuế. Theo đánh giá của một số chuyên gia, số thuế thu được chưa tương xứng với doanh thu, cũng như tiềm năng của thương mại điện tử và đặc biệt là vấn đề thương mại xuyên biên giới.
Thương mại điện tử Việt Nam nổi lên như “miếng bánh béo bở” tại khu vực Đông Nam Á
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, theo quy định hiện hành, ngành Thuế đang thực hiện thu thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài), với số thu trung bình trên 1.000 tỉ đồng/năm.
Tổng cục Thuế cho hay, hiện có 15 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam. Với hàng tỉ USD doanh thu mỗi năm, số tiền thuế từ 15 tập đoàn này khoảng 1.000 tỉ đồng/năm, nhưng họ không trực tiếp chi trả, mà các nhà thầu, đại lý phải nộp thuế, kê khai nộp thuế nhà thầu thông qua tổ chức chi trả tại Việt Nam.
“Thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến hết tháng 10.2021 các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là hơn 4.263 tỉ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như: Facebook là hơn 1.641 tỉ đồng; Google là hơn 1.573 tỉ đồng; Microsoft là hơn 560 tỉ đồng. Năm 2020 số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới đạt trên 1.143 tỉ đồng”- bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết.
Tính từ đầu năm đến ngày 3.12.2021, số thuế thu được từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook... là 1.314 tỉ đồng, trong đó một số tập đoàn lớn như Facebook là 521 tỉ đồng; Google là 490 tỉ đồng; Microsoft là 164 tỉ đồng.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 trở thành cơ hội “vàng” cho các sàn giao dịch thương mại điện tử như mạng xã hội Facebook, YouTube, Google, Tiktok... khi con người buộc phải thay đổi thói quen từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, sự phát triển của thương mại điện tử lại đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý của nhà nước, đặc biệt là vấn đề kiểm soát thuế.
Điều làm các nhà quản lý đau đầu nhất là việc các giao dịch thương mại điện tử diễn ra trên “không gian mạng” nên khó xác định đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế và giá trị để tính thuế.
Thêm vào đó, các giao dịch mua bán thường không sử dụng hóa đơn, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua hệ thống thanh toán quốc tế.
Hơn nữa, sự phát triển của các hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ đã phá vỡ các nguyên tắc đánh thuế trước đây. Căn cứ đánh thuế theo cơ sở thường trú đã không còn phù hợp khi thương mại điện tử cho phép bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào có khả năng tiến hành hoạt động kinh doanh thường xuyên ở nước ngoài thông qua các trang website, máy chủ và nhà cung cấp dịch vụ internet mà không cần mở các chi nhánh kinh doanh. Các doanh nghiệp vẫn tiến hành hoạt động kinh doanh “bình thường”, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tại nước ngoài.
Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất thế giới. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á duy trì mức tăng trưởng ấn tượng (đạt 62 tỉ USD vào năm 2020) và dự kiến cán mốc tăng trưởng 172 tỉ USD vào năm 2025 (Google, Temasek và Bain & Company, Báo cáo KTS Đông Nam Á, 2020).
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất trong khu vực ASEAN.
Việt Nam cùng với Thái Lan đang dẫn đầu thế giới về việc sử dụng chức năng trò chuyện trong bán lẻ trực tuyến. Nhận định này được Facebook đưa ra sau khi tiến hành thống kê lượng tin nhắn được trao đổi giữa doanh nghiệp và khách hàng. Thậm chí, Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng đối với Facebook, là đầu tàu có doanh thu lớn nhất ở Đông Nam Á, theo một báo cáo tài chính của Facebook được công bố gần đây.
Theo báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends 2021, dự báo năm 2021, mức doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt khoảng 955 triệu USD, trong đó đến 80% doanh thu khổng lồ này rơi vào túi Google, Facebook...
“Siết chặt” trốn thuế trên giao dịch thương mại điện tử
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - nhận định: “Ngoài các sàn thương mại có thể được quản lý thì đối với hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử trên không gian mạng như Facbook, Zalo... chúng ta có theo dõi nhưng số thuế thu được chưa tương xứng với doanh thu, cũng như tiềm năng của thương mại điện tử và đặc biệt là vấn đề thương mại xuyên biên giới”.
Bàn về các thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng để trốn thuế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, các đối tượng thường chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó có thể kiểm soát được. Nhiều các trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, theo đó việc nắm bắt và phản ánh rất khó thực hiện. Việc này đang là những vấn đề làm cho việc kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế không được chính xác và thực chất đây là hành vi trốn thuế. Trong kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới, còn tồn tại nhiều lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng trốn thuế như việc chia nhỏ đơn hàng thành các khoản mua nhỏ, dưới một mức quy định nào đó để không phải chịu thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng…
Giải pháp nào chặn đứt hành vi trốn thuế?
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, một người kinh doanh qua thương mại điện tử sẽ không thể ẩn danh quá lâu, cơ quan thuế sẽ tìm ra các "dấu vết" dựa vào số lần thanh toán, mức tiền thanh toán, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Thay vì đợi đến lúc bị cơ quan thuế yêu cầu truy thu, thì ngành thuế khuyến cáo cho các cá nhân kinh doanh qua thương mại điện tử nên kê khai và nộp thuế đầy đủ, bởi đây vừa là quyền và cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân.
Đề cập đến giải pháp quản lý thuế thương mại điện tử trong năm 2022, bà Lan Anh cho biết, theo Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục Thuế tham mưu với Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động này.
“Hiện nay Bộ Tài chính đã ký kết thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trên cơ sở thỏa thuận phối hợp công tác, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) và Bộ Công Thương sẽ triển khai chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước” - bà Lan Anh nói.
Ngoài ký kết thỏa thuận với Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế cũng đã tham mưu với Bộ Tài chính ký kết thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có nội dung về việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng; các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; các sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số và các sản phẩm, dịch vụ thông qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Đối với Bộ Công an, Bộ Tài chính đang xây dựng chương trình làm việc để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế, bao gồm các nội dung: dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới; kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để củng cố dữ liệu đăng ký thuế, đảm bảo xác định được chính xác các cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Riêng với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang xây dựng chương trình triển khai các quy định của Luật Quản lý số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc cung cấp thông tin cho công tác thanh tra, kiểm tra và cưỡng chế nợ thuế; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch vụ thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam…
Áp dụng trí tuệ nhân tạo AI phát hiện hành vi trốn thuế
Bàn về các giải pháp “Siết chặt” trốn thuế trong giao dịch thương mại điện tử, TS Vũ Thị Như Quỳnh (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) cho rằng: “Cần tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý thuế thương mại điện tử. Cụ thể, cần nghiên cứu, phát triển công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin cần thiết về các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, tiến hành phân loại đối tượng dựa trên mức độ nộp thuế. Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)... để xây dựng kho dữ liệu của cơ quan thuế trên cơ sở kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng, tích hợp thông tin từ các trang mạng xã hội, các website bán hàng, các sàn giao dịch trực tuyến để đảm bảo có đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý”.
Thêm vào đó, TS Vũ Thị Như Quỳnh cho rằng yếu tố nhân lực của cơ quan thuế đóng vai trò quan trọng. Cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức của bộ máy cơ quan quản lý thuế đối với thương mại điện tử đảm bảo việc phân bổ nguồn lực được thực hiện theo hướng tối ưu hơn để nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thậm chí, có thể nghiên cứu, thành lập một đơn vị chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, nhằm giảm bớt được sự khó khăn trong việc tiếp cận và xử lý thông tin, cũng như hạn chế được các hành vi trốn thuế. Trà My
Kinh nghiệm quốc tế trong việc siết chặt thuế thương mại điện tử
Tại Israel, để quản lý thuế thương mại điện tử, từ ngày 11.4.2016, nước này ban hành Thông tư quy định về việc đánh thuế lên doanh nghiệp không có cơ sở thường trú nhưng có tham gia vào các hoạt động trực tuyến tại Isarel. Quy định đã làm rõ việc các dịch vụ trực tuyến nào được cung cấp bởi các doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Israel cho khách hàng trong nước có thể thuộc diện chịu thuế nếu các hoạt động này thỏa mãn các điều kiện của SEP.
Các điều khoản cấu thành SEP bao gồm: (i) Ký kết hợp đồng trực tuyến: Một lượng lớn hợp đồng được ký kết trực tuyến giữa công ty nước ngoài và khách hàng tại Israel; (ii) Sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số: Công ty nước ngoài cung cấp các sản phẩm dịch vụ trực tuyến cho một lượng đáng kể khách hàng tại Israel; (iii) Trang web được bản địa hóa: Công ty nước ngoài sử dụng một website đã được bản địa hóa các tính năng nhắm vào các đối tượng tại thị trường Israel; (iv) Mô hình kinh doanh đa chiều: Doanh nghiệp tạo ra lượng doanh thu lớn liên quan trực tiếp đến các hoạt động trực tuyến được thực hiện bởi người dùng ở trong lãnh thổ Israel.
Tại Nhật Bản, một trong những khó khăn trong quản lý thuế thương mại điện tử là vấn đề tìm kiếm, quản lý thông tin về các chủ thể kinh doanh thương mại điện tử. Cơ quan thuế Nhật yêu cầu các ngân hàng cung cấp số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch thương mại điện tử, nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (tên, địa chỉ, thông tin cá nhân…). Trong một số trường hợp, cơ quan thuế thực hiện mua sắm thử để nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ, cũng như là cơ sở để xác định giá trị các hàng hóa, dịch vụ được cung cấp. Cơ quan thuế Hàn Quốc thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý thuế (Phòng quản lý thuế đối với thương mại điện tử), nhiệm vụ chính của bộ phận này là phân tích xu hướng của các ngành nghề liên quan đến thương mại điện tử và các nghi vấn về trốn thuế; thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau... Hương Nguyễn