vĐồng tin tức tài chính 365

Biến thể tàng hình BA.2 – hậu duệ của Omicron có thực sự nguy hiểm?

2022-01-27 03:14

Với xuất hiện của biến thể mới, các nhà khoa học đã phân chia biến thể Omicron (B.1.1.529) thành 2 dòng gồm BA.1 là phiên bản gốc và BA.2 là phiên bản mới. Biến thể BA.2 được cho là có khả năng “tàng hình” tốt hơn so với biến thể Omicron gốc vì có những đặc điểm di truyền đặc biệt khiến nó khó bị theo dõi. Một số nhà khoa học lo ngại rằng BA.2 cũng có thể dễ lây lan hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ về biến thể này, trong đó có câu hỏi liệu nó có né tránh vaccine tốt hơn hay gây bệnh nặng hơn hay không.

Biến thể tàng hình BA.2 – hậu duệ của Omicron có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 1.

Một chuyên viên đang nghiên cứu mẫu bệnh Covid-19. Ảnh: Reuters

BA.2 đã lan tới những khu vực nào?

Kể từ giữa tháng 11/2021, hơn 30 quốc gia đã đăng tải thông tin gần 15.000 trường hợp giải trình tự gen của BA.2 lên GISAID – một nền tảng chia sẻ dữ liệu gen virus cúm và virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19). 96 trong số các trường hợp nói trên đến từ Mỹ, tính đến ngày 25/1. Tiến sĩ S. Wesley Long, một nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Houston Methodist ở Texas cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy biến thể này nổi trội ở Mỹ”. BA.2 xuất hiện nhiều hơn ở châu Á và châu Âu. Tại Đan Mạch, biến thể mới chiếm 45% tổng số ca mắc Covid-19 vào giữa tháng 1/2022, tăng 20% so với 2 tuần trước đó, Bộ Y tế Đan Mạch cho biết.

Biến thể này có gì đặc biệt?

BA.2 có rất nhiều đột biến. Khoảng 20 đột biến trong số này nằm trên protein gai – bộ phận mà virus sử dụng để thâm nhập vào tế bào người. Protein gai của BA.2 có cấu tạo gần giống như Omicron, nhưng nó cũng có những thay đổi di truyền không được tìm thấy trong phiên bản đầu.

Tiến sĩ Jeremy Luban, nhà virus học tại Trường Y Đại học Massachusetts cho biết vẫn chưa rõ mức độ quan trọng của những đột biến đó. Hiện, BA.2 được coi là biến thể phụ của Omicron. Nhưng giới chuyên gia y tế hàng đầu có thể đặt cho chúng tên riêng sử dụng chữ cái Hy Lạp nếu chúng được liệt vào danh sách “biến thể đáng quan tâm” trên toàn cầu. Sự lây lan nhanh chóng của BA.2 ở một số khu vực làm gia tăng lo ngại biến thể này có thể sớm trở thành mối đe dọa. Tiến sĩ S. Wesley Long cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một số dấu hiệu cho thấy biến thể mới dễ lây lan hơn Omicron vì thế nó có thể cạnh tranh với biến thế ban đầu ở một số nơi. Nhưng vẫn chưa rõ tại sao lại như vậy”.

Phân tích ban đầu của các nhà khoa học ở Đan Mạch cho thấy, không có sự khác biệt về tỷ lệ nhập viện do nhiễm biến thể BA.2 và biến thể Omicron. Giới khoa học vẫn đang xem xét khả năng lây nhiễm của BA.2 cũng như hiệu quả của các loại vaccine trong việc chống lại biến thể này.

Các bác sỹ cũng chưa rõ liệu người từng mắc Covid-19 do nhiễm biến thể Omicron có thể tái phát bệnh sau khi nhiễm BA.2 hay không. Song họ hy vọng, việc từng nhiễm biến thể Omicron có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh Covid-19 khi bị tái nhiễm. Tuy vậy, Omicron vẫn không phải là “vaccine tự nhiên”. Các nhà khoa học sẽ tiến hành nhiều xét nghiệm để xem xét liệu kháng thể được tạo ra sau khi bệnh nhân nhiễm Omicron có thể vô hiệu hóa BA.2 trong phòng thí nghiệm hay không.

Tại sao BA.2 lại được gọi là “biến thể tàng hình”?

Theo Washington Post, một số nhà khoa học đã đặt cho BA.2 biệt danh “biến thể Omicron tàng hình” nhưng điều này không đồng nghĩa với việc virus không bị phát hiện. Vấn đề nằm ở chỗ nó rất khó phân loại.

Biến thể Omicron ban đầu có những đặc tính cụ thể về gen di truyền. Nó có sự mất gen trong protein gai dẫn đến cái được gọi là “lỗi mục tiêu gen S hay bỏ qua gen S” cho phép nhân viên y tế nhanh chóng phân biệt nó với Delta bằng cách sử dụng xét nghiệm PCR. Nhưng BA.2 không có những đặc tính di truyền đó. Vì thế trong các xét nghiệm, việc phát hiện và phân loại nó là một biến thể phụ của Omicron trở nên khó khăn hơn, chưa kể, rất khó phân biệt nó với biến thể Delta.

John Sellick, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giáo sư y khoa tại Đại học Buffalo cho rằng, tên gọi “Omicron tàng hình” có thể giúp ích cho các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm nhưng không tạo ra quá nhiều thay đổi về mặt lâm sàng, tức là không thay đổi kết quả xét nghiệm dương tính hoặc việc điều trị của bệnh nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron là “biến thể đáng quan tâm” và không loại trừ khả năng xếp BA.2 vào nhóm này. Tuy nhiên do sự lây lan nhanh chóng của BA.2 tại một số quốc gia, WHO cho biết, cần phải ưu tiên thực hiện các cuộc điều tra về BA.2. Còn Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã chỉ định BA.2 là “biến thể đang được theo dõi”, viện dẫn số ca nhiễm biến thể này ngày càng gia tăng tại Anh và nhiều quốc gia khác./.

Hồng Anh

VOV

Xem thêm: nhc.79051619162102202-meih-yugn-us-cuht-oc-norcimo-auc-eud-uah-2ab-hnih-gnat-eht-neib/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Biến thể tàng hình BA.2 – hậu duệ của Omicron có thực sự nguy hiểm?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools