Nhiều người bị hack Zalo sau khi bấm vào đường dẫn lạ, kẻ gian gửi tin nhắn mạo danh để lừa đảo mượn tiền và chiếm đoạt tiền của người thân quen trong danh bạ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Làm sao để bảo vệ mình, người thân trước loại tội phạm ngày càng tinh vi này?
Hiện đại và "hại điện"
Thời buổi người người giao dịch qua mạng, chuyển tiền bằng iBanking, thanh toán hóa đơn trực tuyến..., điện thoại không còn là một thiết bị đơn giản, mà chứa nhiều thông tin về thân thế lẫn tài sản của chủ nhân.
Dù hầu hết các ngân hàng, nền tảng thanh toán hay tài khoản mạng xã hội đều yêu cầu bảo mật hai lớp, mã OTP nhưng vẫn có những lỗ rò, nếu sim bị hack thì nguy đủ kiểu, tài sản khó giữ.
Và nhiều thủ đoạn cũ mới vẫn đang đánh vào sự cả tin và lòng tham của người dùng để chiếm đoạt tài sản.
Một trong những chiêu thức lừa đảo xuất hiện gần đây là mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện thoại giới thiệu chương trình "hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G", lừa người dùng cung cấp mã OTP, thông tin cá nhân... rồi chiếm được quyền kiểm soát sim.
Từ đó, kẻ gian lấy được mã OTP truy cập vào tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thay đổi mật khẩu... Sau đó là gì? Tiền trong tài khoản có thể bay, thậm chí kẻ gian có thể mạo danh nạn nhân vay tiền online.
Trong lúc bận rộn chuyển nhà ngày cận Tết, bạn tôi nhận được một cuộc gọi của ai đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, sau đó bạn cung cấp mã OTP theo yêu cầu và đã mất trọn tháng lương trong tài khoản có liên kết với số điện thoại.
Tôi cũng từng nhận ba cuộc gọi và hàng chục tin nhắn với các nội dung, như đề nghị hỗ trợ thay sim, nâng cấp sim. Tôi từ chối thực hiện bằng hình thức khai báo thông tin cá nhân (để được gửi sim mới về tận nhà) nhằm tránh rủi ro.
Tôi được biết, việc nâng cấp sim 3G lên 4G phải do chính chủ trực tiếp thực hiện tại các địa điểm chi nhánh, giao dịch của nhà mạng kèm với chứng minh thư. Vậy nên, tôi cảnh báo bạn bè và người thân cẩn trọng với những lời chào mời nâng cấp sim cùng yêu cầu cung cấp mật khẩu, OTP.
Cẩn thận không thừa
Mới đây, một chị nghệ sĩ tôi biết đã bị cướp điện thoại khi đang dọn dẹp nhà cửa. Sau cơn hoảng hốt vì bị tấn công chớp nhoáng, chị đã nhanh chóng liên hệ với nhà mạng để khóa mọi dịch vụ đối với số điện thoại (khóa cả hai chiều gọi đi và gọi đến).
Sau đó, chị gọi điện tới ngân hàng và các đơn vị cung cấp ví điện tử để khóa tài khoản khẩn cấp, khóa tính năng nhận mã OTP. Chị đã mang chứng minh thư trực tiếp đến trung tâm giao dịch của nhà mạng để làm ngay một SIM mới nhằm hủy chiếc SIM đang có trong tay kẻ gian.
Bước kế tiếp là đổi mật khẩu tất cả các tài khoản quan trọng: tài khoản ngân hàng, ví điện tử, email, Google Drive, iCloud, Facebook...
Từ sự cố này của bạn, tôi đã thử bật tính năng khóa PIN của sim phòng khi mình bị mất điện thoại. Làm vậy thì chỉ có chính bạn mới dùng được sim điện thoại, không ai khác có thể rút sim cắm sang máy khác để hack mật khẩu các tài khoản được gửi về số điện thoại.
Việc này không nên thực hiện thao tác ở nhà, vì nếu bạn lỡ tay nhập sai mã PIN ba lần, sim sẽ bị hủy ngay lập tức. Bạn cần ra chi nhánh giao dịch của các nhà mạng để đảm bảo bạn chọn đúng mã PIN trên sim vì mỗi một sim từ khi mua đã có mã PIN trên hệ thống.
Thông qua nhân viên của nhà mạng, bạn sẽ có được mã PIN đúng của sim mà mình đang sở hữu rồi thực hiện các bước để đổi mã PIN mà chỉ mình bạn biết theo cách vô cùng đơn giản.
Giữ cho cả người thân, bạn bè không bị lừa
Không click vào link lạ, không đăng ký thành viên hay nhận thư quảng cáo để xem tài liệu của một website lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn từ số điện thoại lạ, kể cả khi họ gọi từ số trông giống tổng đài nhà mạng - đó là cách bạn bè, người thân của tôi thường nhắc nhau.
Thực tế cho thấy, chỉ vì lỡ bấm vào link lạ, nhiều người cùng lúc mất tài khoản Facebook và Zalo. Và những người thân quen, mỗi người có thể mất hàng chục triệu khi kẻ gian giả danh nạn nhân để nhắn tin mượn tiền khắp mọi người.
Những thông tin cá nhân đừng chia sẻ qua tin nhắn hay hình ảnh trên mạng, chỉ nên email hoặc lưu dưới dạng note có mã khóa. Việc để lộ thông tin trên giấy tờ tùy thân tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại có thể khiến nhiều người bỗng trở thành con nợ lúc nào không hay.
TTO - Sau khi nhận cuộc gọi điện thoại từ một người lạ xưng là nhân viên một cơ quan tư pháp đang điều tra về vụ án lớn, một người phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) sợ hãi nên đã tin lời chuyển 13 tỉ đồng cho kẻ lừa đảo.