Lái xe đường dài vốn là thử thách với các tài xế, di chuyển về quê dịp Tết Nguyên đán bằng xe máy đòi hỏi người lái xe cần có những kinh nghiệm và nguyên tắc nhất định. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng xe cá nhân thay vì phương tiện công cộng cũng gia tăng.
Bảo dưỡng xe trước ngày khởi hành
Khác với điều khiển xe máy khu vực đô thị, điều khiển xe quãng đường dài liên tục yêu cầu chiếc xe hoạt động hết tốc lực. Do đó, trước khi khởi hành, chủ xe cần bảo dưỡng, thay thế một số bộ phận cần thiết.
Nếu không có kinh nghiệm, chủ xe cần đưa ra tại đại lý để kiểm tra và thay thế các bộ phận cần thiết. Ảnh: TN
Để xe được đảm bảo chạy tốt nhất, chủ xe có thể tự kiểm tra "xế cưng" tại nhà nếu có kinh nghiệm và đủ trang bị. Trong đó, một số hạng mục cần thiết được bổ sung như thay dầu động cơ, thay má phanh, kiểm tra và thay thế đèn chiếu sáng...
Đáng chú ý, lốp xe là bộ phận nên được ưu tiên kiểm tra, quan sát bằng mắt thường xem bề mặt lốp có dính dị vật hay không, độ mòn của lốp đã đến giới hạn chưa. Trong trường hợp lốp quá mòn hay xuất hiện các vết nứt, cần thay thế lốp mới để hạn chế tình trạng lốp mất độ bám với mặt đường. Bên cạnh đó, áp suất lốp cũng là yếu tố nên được kiểm tra, mức áp suất lốp khuyến nghị thường được dán ở gắp sau hoặc phía trong hộc chứa đồ.
Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết mang theo
Mặc dù xe đã được kiểm tra, bảo dưỡng xe trước nhưng nên mang những dụng cụ cần thiết nếu cần phải sửa chữa. Thông thường, một hành trình dài về quê có thể xảy ra một số tình huống xe bị hư hỏng nhưng không có các trạm sửa chữa xe. Vì vậy, chủ xe cần chuẩn bị sẵn sàng một số vật dụng, cũng như quân tư trang, nước uống hay đồ ăn cần thiết, như thế sẽ giúp chuyến đi được phòng bị tốt hơn.
Trước ngày khởi hành, người đi xe cần ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ để mang đến tinh thần thoải mái. Người lái cũng cần chuẩn bị trước những đồ dùng mang theo như balo, áo khoác, găng tay..., việc để sẵn sẽ giúp tránh được tình trạng bỏ sót đồ cũng như tâm lý bất an khi điều khiển xe.
Cách thức di chuyển
Tùy theo quãng đường và thời tiết của từng vùng miền, chủ xe cần điều chỉnh thời gian xuất phát và tốc độ di chuyển. Ví dụ như với thời tiết lạnh và sương mù ở miền Bắc, khi di chuyển chúng ta cần dời lại thời gian xuất phát, có thể di chuyển bắt đầu lúc 8 giờ sáng, khi sương mù đã biến mất.
Các lái xe cũng cần lưu ý luật giao thông đường bộ. Ảnh: TN
Người lái cũng cần chủ động nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian chạy để lấy lại sự tỉnh táo cũng như cho phương tiện được nghỉ ngơi.
Không có con số cụ thể về thời gian nghỉ, tuy nhiên nên tạm dừng lái xe sau khoảng 2-3 giờ chạy. Với tốc độ di chuyển trung bình khoảng 40 km/h, nên dừng nghỉ sau mỗi 100-150 km chạy xe.
Tuy nhiên việc dừng xe quá nhiều lần hay quá lâu cũng gây ra tình trạng uể oải, mệt mỏi cho người điều khiển phương tiện. Nên kết hợp việc nghỉ ngơi trong quá trình xe đổ xăng, hầu hết xe máy phổ thông đều có khả năng đi được hơn 100 km với một bình xăng đầy.
Tuân thủ luật lệ giao thông
Hành trình về quê là quãng đường khá dài và không phải chúng ta nắm được địa hình trên những cung đường đó, vì vậy phải tìm hiểu quãng đường mình di chuyển trước và tuân thủ luật lệ giao thông. Ví dụ như: tuân thủ tốc độ, sử dụng đèn pha, đèn cốt đúng cách. Điều này không chỉ giúp bản thân người lái an toàn mà còn giúp các phương tiện xung quanh di chuyển dễ dàng.