Ngư dân chạy vỏ lãi dọc theo các miệng cống Kiên Giang để săn cá đồng "lạc" ra biển
Tết đến rồi, ông muốn kiếm ít con cá đồng bự bự "rộng" vô khạp để lai rai ba ngày xuân với bạn bè...
Tiện tay, ông Sáu Thuận (Nông Văn Thuận, 60 tuổi, ở phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang) dùng cây sào dài đập mạnh xuống nước. Cá nghe tiếng động lớn, giật mình chạy bừa đâm đầu vào bẫy lưới ông giăng sẵn.
Lưới giăng dính bạo lắm. Có khi tay lưới dính cả chục ký cá đồng lạc ra biển. Mà cá bự bự hông à. Cá nhỏ đều lọt hết.
Ngư dân Ngô Văn Lạc
Ngư trường sôi động cuối năm
Ngơi tay 5 phút đợi cá mắc lưới, ông Sáu Thuận gác cây sào lên chiếc vỏ lãi cười nói: Khoảng tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hằng năm là thời gian "vàng" để ông và nhiều ngư dân ở phường Vĩnh Hiệp chạy vỏ lãi dọc theo các miệng cống (từ ấp Vàm Răng - Hòn Đất đến Tắc Cậu) giăng lưới đón cá đồng "lạc" ra biển.
Săn cá đồng mùa này là hết sẩy vì ông Sáu Thuận cho rằng những ngày này ở hầu hết cánh đồng An Giang, Hậu Giang và một số địa phương như Gò Quao, Hòn Đất, Giồng Riềng (Kiên Giang) bà con sắc (bơm) nước xuống vụ lúa đông xuân. Cá rô, cá trê, cá lóc, cá rô phi, mè vinh, cá chốt, cá mú... nằm đồng bấy lâu nay cũng xuôi kênh, xuôi sông Cái Bé, Cái Lớn ra các miệng cống ngăn mặn rất nhiều.
"Năm nào tui và các anh ở đây cũng chờ đến bận giáp Tết này để bắt cá. Anh em tụi tui chuẩn bị lỉnh kỉnh hơn 10 tay lưới chứ đâu có ít. Người này vừa cuốn lên là người kia lại thả lưới xuống bắt cá liên tục, tui nhìn còn ham mà", ông Sáu Thuận khoái chí.
Dọc theo khu lấn biển Kiên Giang, ngư dân sử dụng nhiều hình thức đánh bắt cá khác nhau: có người chài, người câu cá về bán hay cải thiện bữa ăn gia đình. Nhưng hút mắt nhất và sôi động cả ngư trường đêm ngày nhất, có lẽ chúng tôi vẫn ấn tượng với ông Sáu Thuận và nhiều ngư dân khác ở địa phương tụm ba, tụm năm mau lẹ thả lưới (mỗi tay dài 200-700m) săn luồng cá đồng "say" nước mặn.
Một mẻ cá đồng vừa đánh bắt ở vùng nước mặn
Săn cá kiểu "mì ăn liền"
Nói nào ngay, ông Sáu Thuận nói cái nghề "ông cậu bà mợ" ở đâu cũng na ná nhau và cũng sử dụng các loại ngư cụ câu lưới để đánh cá. Nhưng với khu biển bồi Kiên Giang thì khác. Bà con có cách đánh bắt cá rất riêng. Đó là họ sử dụng nhiều "chiêu độc" và bủa lưới giăng câu theo kiểu nhanh như chớp.
20 năm trong nghề, giờ chỉ cần nhắm hướng gió bấc thổi và nước biển dâng cao hay thấp, ông Sáu Thuận sẽ biết ngay cách giăng lưới gần bờ hay khơi xa.
Ông Sáu Thuận rành con cá đồng ra biển như rành sáu câu vọng cổ, nói: "Ở đồng, ở sông, cá có nhiều chỗ vựa. Chúng hay ở những mé chà, rễ cây cặp mé kênh nên thả lưới xong rồi ngâm hơi lâu là dính. Ở biển trống trơn, bốn bề nước mênh mông nên tụi tui đánh bắt kiểu mì ăn liền. Thả nhanh rồi cuốn lưới gấp trong vòng khoảng 10 phút, cá có là dính liền tay, tui khỏi đợi chờ mất công".
Bắt cá nhanh nhưng ngư dân ở đây còn phải dùng đa dạng lưới: có người dùng lưới một màn bắt cá sặc, cá chốt; có người lại dùng lưới ba màn để bắt cá rô, cá trê, mè vinh. Triều cường dâng, màu nước đục ngầu phù sa dần chuyển mình trong vắt, họ sẽ giăng lưới ba màn bắt cá rô phi, cá đối, cá nâu, cá úc, cá phèn.
Ở cặp mé bờ kè khu lấn biển, ngư dân sẽ giăng lưới hình cánh cung. Còn giữa trùng khơi, nước chảy xiết sẽ giăng lưới tròn - lưới này phần lớn được người dân tự đóng chì loại lớn và nặng để lưới chìm nhanh, giữ độ bung rộng vây cá. Giăng lưới xong rồi, các ngư dân khác sẽ dùng sào đập mạnh xuống nước hoặc kìm chặt máy, lên ga lớn, vỏ lãi lượn đảo vài vòng như những tay xiếc điệu nghệ lênh đênh trên biển để đuổi cá vào lưới.
Ở xứ biển Kiên Giang, cá đồng được nhiều người mê tít và bán rất có giá. Cá rô, cá trê, cá chốt, mè vinh, cá lóc thì ngư dân mang ra chợ TP Rạch Giá bán cũng được 30.000 - 120.000 đồng/ký (cá lớn, cá nhỏ tùy loại); cá phèn, cá úc, cá rô phi có giá bán 25.000 - 40.000 đồng/ký (tùy loại).
Được giá vậy nên vào vụ cá đồng "lạc" ra biển, cánh ngư dân như ông Lạc, ông Sáu Thuận hay ông Võ Văn Co (phường Vĩnh Hiệp) và cả chục người khác mỗi ngày chạy vỏ lãi trườn trên sóng biển săn cá, đút túi gọn từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Tết đến, họ còn tranh thủ kiếm mớ cá đồng ngon, "rộng" (nuôi tạm) trong khạp để khách đến nhà thì bắt ra nướng hay nấu canh chua, nấu cháo lai rai vui xuân.
Do giăng lưới chớp nhoáng nên cá dính đều còn sống và bán được giá - Ảnh: C.CÔNG
Sống khỏe để kiếm nghề cho con
Sống bằng nghề "ăn cá" đồng trên biển, cánh ngư dân ở đây ví von câu nửa đùa nửa thật: "Khô nước là khô tiền". Cách nói đó ở đâu, chứ chúng tôi thấy ngư dân ở vùng biển Kiên Giang săn cá theo mùa lại sống khỏe re.
Có gia đình còn nuôi con ăn học làm thợ, làm thầy thay đổi cuộc đời như gia đình ông Dương Văn Xếp (gần 70 tuổi, ở phường Vĩnh Thanh), người được xem là bậc thầy "sát cá" ở xứ biển Kiên Giang.
Thuộc diện nghèo rớt ở phường Vĩnh Thanh nên ông Xếp quyết "bán mạng mình" cho biển khơi đi bắt cá, bắt ốc, bắt cua... mưu sinh. Hết bắt cá đồng, ông Xếp quay sang "uýnh" cá biển. Mãn năm ông Xếp cứ quần quật lênh đênh trên biển nên người ông đen đúa nhưng rất mạnh khỏe.
Nửa chữ bẻ đôi hổng có, nhưng tính đường tương lai cho con, ông Xếp cũng suy tính kỹ và quyết cho con học lấy cái nghề. Con trai ông sẽ cho học thợ sửa máy, con gái thì cho học thợ may. Mà hồi trước, muốn cho con học lấy nghề may ông Xếp phải tốn gần 2 cây vàng (giá vàng thời điểm đó khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/chỉ vàng 4 số 9).
"Bị hồi đó tui khổ quá nên mần dữ lắm. Lênh đênh trên biển này cả ngày có thá gì tui đâu. Tằn tiện lắm tui mới nuôi nổi 4 đứa con. Giờ con cái tui đứa nào cũng có nghề hết rồi. Con gái thứ 4 của tui giờ mở ra 3 cửa tiệm may, tui nghĩ vậy mà mừng thầm trong bụng hoài", ông Xếp khoe.
Con cái ông Xếp giờ có nghề, lớn khôn lập gia đình hết, nhưng nghề đánh cá ở biển thì ông vẫn mần. Quen mùi biển rồi nên nghỉ ở nhà ông Xếp buồn chịu hổng nổi. "Ngày kiếm ba, bốn trăm bạc, vợ chồng tui sống khỏe. Con cái cũng nhẹ lo cho mình", ông Xếp nghĩ.
"Giờ cá mú ít thiệt, nhưng tui thấy vẫn sống khỏe. Nghề này có cực chút nhưng tui thấy ngoài anh Xếp còn nhiều hộ gia đình khác vẫn cho con cái đến trường ăn học. Có người còn cất nhà cất cửa tươm tất đàng hoàng, như thằng Thanh ở kế bên nhà tui á", bạn nghề của ông Xếp là ông Lạc vừa thiệt bụng nói, vừa gỡ con cá rô phi bự khoảng 1kg dính lưới, rồi chạy vỏ lãi dọc theo ánh hoàng hôn đang tắt dần phía khơi xa.
Mấy hôm nữa là Tết rồi, họ đang tranh thủ những mẻ lưới cuối năm...
"Chứng nhận lao động"
Trên đôi bàn tay của các ngư dân săn cá đồng ra biển ở Kiên Giang đầy vết sẹo. Có khi trên ngón tay, ngón chân của họ còn bị vị mặn của muối biển bào mòn làm cho hư móng, chai sần. Ấy mà những vết chai ấy, ông Lạc cho rằng chính là "chứng nhận lao động" của nghề và nhắc họ rằng nhờ có nó mà có cá, có gạo, có tiền trang trải cuộc sống gia đình.
TTO - Thế kỷ 21 rồi nhưng vùng biển Nam Trung Bộ vẫn còn nghề phóng lao săn cá biển như tổ tiên can trường ngày xưa với những màn truy kích cá đầy căng thẳng, ngoạn mục.
Xem thêm: mth.5174340172102202-tet-na-gnod-ac-nas/nv.ertiout