EU cho biết căng thẳng giữa Trung Quốc và Litva đang ảnh hưởng đến các sản phẩm xuất khẩu khác của châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định đã thu thập bằng chứng về hành động của Trung Quốc. Trong đó có từ chối thông quan cho hàng hóa Litva, từ chối đơn xin nhập khẩu hàng hóa từ Litva và gây sức ép buộc các công ty châu Âu khác loại Litva ra khỏi chuỗi cung ứng khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
AP cho biết căng thẳng ngoại giao giữa hai nước xuất hiện sau khi Litva hồi tháng 11/2021 chấp thuận cho văn phòng đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) tại thủ đô Vilnius mang tên Đài Loan thay vì Đài Bắc như truyền thống.
Bắc Kinh đã trục xuất đại sứ Litva và triệu hồi đại sứ của mình về nước. Tháng trước, Litva đã đóng cửa đại sứ quán tại Bắc Kinh. Nước này cũng cáo buộc Trung Quốc chặn hàng hóa của họ tại biên giới.
"Đưa sự việc ra WTO không phải là quyết định vội vã của chúng tôi. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực giải quyết song phương thất bại, chúng tôi nhận thấy không còn cách nào khác là đề nghị WTO tham gia", Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết, "EU luôn hành động thống nhất và nhanh chóng với các hành vi vi phạm quy định của WTO, đe dọa sự toàn vẹn của thị trường chung. Chúng tôi cũng đồng thời sử dụng các biện pháp ngoại giao để tránh leo thang căng thẳng".
SCMP cho biết Bắc Kinh phủ nhận việc cấm vận và nói với quan chức EU rằng chính doanh nghiệp Trung Quốc quyết định không mua hàng từ những nước "tấn công chủ quyền của Trung Quốc". Trả lời về việc EU đưa vấn đề lên WTO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết tranh chấp với Litva "là vấn đề chính trị, không phải kinh tế". Ông khẳng định đây không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và EU.
Theo quy định giải quyết tranh chấp của WTO, EU đầu tiên sẽ phải "đề nghị tham vấn". Khối này sẽ chính thức yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về các biện pháp của Bắc Kinh để giải quyết vấn đề một cách thân thiện. Nếu sau 60 ngày không có kết quả, EU có thể đề nghị một hội đồng của WTO đứng ra giải quyết tranh chấp.
Hà Thu