Mới đây, văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), có trụ sở ở Singapore, đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực ASEAN+3, bao gồm các quốc gia thuộc khối Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo đó, báo cáo cho biết, khu vực ASEAN+3 vẫn sẽ tiếp tục duy trì khả năng phục hồi tích cực vào năm 2022, với mức tăng trưởng kinh tế được dự báo khoảng 4,9%, bất chấp những thách thức mới từ đại dịch Covid-19 và nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo cho rằng, hầu hết các nền kinh tế thuộc ASEAN+3 trong năm 2022 sẽ tăng trưởng thấp hơn so với dự báo hồi tháng 10/2021. Nguyên nhân đến từ tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và đi kèm với đó là việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để kiểm soát lây nhiễm tại các nước.
Đối với các nền kinh tế "+3" bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, báo cáo ước tính, tăng trưởng GDP 2022 của 3 nền kinh tế này sẽ lần lượt ở mức 5,5%, 2,9% và 3%. Trong đó, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với dự báo trước đó vào hồi tháng 10/2021, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng tư nhân và đầu tư kinh doanh.
Đối với các quốc gia thuộc khu vực ASEAN, các chuyên gia AMRO dự kiến tăng trưởng kinh tế của khu vực này sẽ đạt 5,2% trong năm 2022.
Đáng chú ý, trong các nước ASEAN, Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực, với mức 7,5% trong năm 2022. Mức dự báo này đã đưa Việt Nam vượt qua Malaysia (6,0%), Campuchia (5,2%), Singapore (4%) và Thái Lan (3,6%),... để đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Dự báo tăng trưởng GDP 2022 khu vực ASEAN+3. Nguồn: AMRO.
Về rủi ro sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này, báo cáo cho biết, yếu tố đầu tiên cần phải chú ý đó là diễn biến khó lường của đại dịch, sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới.
Bên cạnh đó, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng của các nước phát triển sẽ ngày càng tạo áp lực lên chi phí vận chuyển toàn cầu, dẫn đến việc xuất khẩu của các thị trường khu vực ASEAN+3 sẽ gặp khó khăn.
Trong khi đó, lạm phát toàn cầu gia tăng dường như sẽ thúc đẩy các nền kinh tế phát triển phải thu hẹp lại những biện pháp hỗ trợ tiền tệ khổng lồ sớm hơn (có thể trong nửa cuối năm 2022) hoặc nhiều hơn so với dự báo trước đó.
AMRO cho rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã "đạt đỉnh" trong quý 4/2021 và sẽ được giảm bớt trong năm 2022.
Cụ thể, dự báo lạm phát giá tiêu dùng năm 2022 cao hơn một chút đối với các nền kinh tế ASEAN+3 (không bao gồm Myanmar), khoảng 2,9%. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, lạm phát vẫn ở mức tương đối thấp so với các khu vực khác trên thế giới. Nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao chủ yếu là do áp lực chi phí cao hơn đối với thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu thô, trong bối cảnh giá cả toàn cầu tăng.
https://cafef.vn/tang-truong-kinh-te-2022-cua-viet-nam-duoc-du-bao-se-vuot-singapore-indonesia-dung-dau-dong-nam-a-20220128111258892.chnTheo Giang Anh
Doanh nghiệp và Tiếp thị