Huyện Hàm Thuận Nam, nơi tập trung diện tích thanh long lớn nhất Bình Thuận, những ngày này không chỉ có màu xanh của tàu thanh long. Chỉ vài năm trước, ít ai dám tin rằng giữa bạt ngàn vườn thanh long trải dài hàng cây số tại xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) lại xuất hiện trang trại trồng nho hữu cơ với quy mô hơn chục ha. Người đưa ra ý tưởng và hiện thực hoá mong muốn phá thế độc canh cây thanh long, ngay trên vùng đất được xem là "thủ phủ" của loại cây này chính là bà Phạm Thị Tuyết Mai – chủ đầu tư trang trại Bình An.
"Trên thế giới và cả Việt Nam từ lâu đã có trồng nho tuy nhiên còn hạn chế về nhiều loại nho tốt. Riêng ở Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu nho ngon và cao cấp để cung ứng cho thị trường trong nước. Chúng tôi với niềm đam mê và khát vọng làm được trái nho ngon ngang tầm thế giới trên mảnh đất Việt Nam để đem đến người tiêu dùng trong nước có trái nho tươi trồng tại vườn với chất lượng như nho ngoại nhập" – đây chính là lí do mà chủ trang trại Bình An đã cất công trong nhiều năm liền đi các nước để tìm ra những giống nho chất lượng cao, có thể thích nghi với điều kiện canh tác trong nước.
Vườn nho trĩu quả của trang trại Bình An
Để hiện thực hoá ý tưởng, sau nhiều năm tìm tòi ở các nước châu Âu, năm 2017 trang trại Bình An đã nhập 26 giống nho thương mại của Italia về tìm hiểu và xây dựng quy trình canh tác. Qua trồng thử nghiệm có 4 giống nho thích nghị với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Thuận, đó là nho đen có hạt của Ý, nho vàng, nho đỏ không hạt của Mỹ và nho xanh không hạt của Nhật. Hiện, các giống nho được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu này đã thu hoạch được những lứa đầu tiên, với năng suất đạt khoảng hơn 80% so với nho được trồng ở nơi xuất xứ. Chất lượng các quả nho giòn, ngọt, gần như tương đương với trái nhập khẩu. "Cây nho ở đây được chăm bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, được dùng sữa và trứng gà lên men để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra lịch trình chăm sóc, kiểm soát cây nho còn được ứng dụng công nghệ BlockChain giúp quản lí nghiêm ngặt từ quả trên vườn đến quả nho trên tay của khách hàng" - bà Phạm Thị Tuyết Mai cho biết.
Sau khi thử nghiệm thành công, trang trại Bình An hiện tại mỗi năm đã sản xuất được 100 tấn nho hữu cơ, với năng suất gấp 6 - 7 lần so với cách thức sản xuất truyền thống. "Chúng tôi có ý tưởng sẽ nhân rộng mô hình trồng nho hữu cơ cho nhiều nông dân địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng diện tích trồng nho lên 50 ha, tăng sản lượng nho ra thị trường nhiều nhất có thể để nhiều người tiêu dùng có thể tiếp cận với giá cạnh tranh" - bà Phạm Thị Tuyết Mai cho biết thêm.
Trang trại kỳ vọng các giống nho nhập khẩu được trồng trong nước sẽ giúp phá thế độc canh cây thanh long
Hiện tại, các giống nho nhập khẩu của trang trại Bình An cung cấp chủ yếu cho các siêu thị, cửa hàng tại TP HCM. Nhờ chi phí vận chuyển thấp hơn so với nho nhập khẩu từ nước ngoài nên giá thành của các giống nho ở đây cũng thấp hơn đáng kể, chỉ bằng 1/3 đến 1/2 tuỳ chủng loại nho. Ngoài hơn 10 ha diện tích canh tác giống nho hữu cơ, trang trại này cũng đang canh tác hơn 60ha thanh long và 2ha dưa lưới nhà màn, cũng được trồng theo chuẩn Global GAP (chuẩn nông nghiệp sạch toàn cầu).
"Trang trại Bình An là một trong những đơn vị tiên phong trong đổi mới cây trồng trên địa bàn huyện. Với các giống nho hữu cơ mà trang trại triển khai ban đầu cho kết quả tốt, lượng trái đạt. Đây có thể là hướng đi gợi mở cho nhiều người nông dân, tổ chức trang trại khác" – ông Trần Văn Lanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp Hàm Thuận Nam, nói.
Những năm gần đây, trái thanh long xuất khẩu luôn đánh đu, bấp bênh với bản đồ giá trồi sụt. Các chuyên gia cho rằng, thanh long không còn là cây làm giàu như trước, vì số lượng đã nhiều đến mức gần như bão hoà cung cầu. Các mô hình mới, như trồng nho tiêu chuẩn hữu cơ, là một trong nhiều hướng đi gợi mở thêm cho người nông dân phá thế độc canh tại "thủ phủ thanh long" Bình Thuận.
Xem thêm: mth.19485520082102202-gnol-hnaht-uhp-uht-auig-oac-ehgn-gnoc-ohn-gnort/et-hnik/nv.moc.dln