Ba chiếc nanh hổ mà ông N. chào bán tại hẻm đường Lý Thường Kiệt (quận 11, TP.HCM) - Ảnh cắt từ video clip
Ông H. - bán một số vật dụng cũ ở lề đường Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) - cho hay nanh hổ là hàng cấm nên có giá cao: "Nó trừ tà, phong thủy làm ăn được…”. Một người đàn ông khác ở gần đó lấy ra vài chiếc nanh, báo giá cao nhất là 33 triệu đồng.
Chào hàng "độc" trên vỉa hè
Tại một con hẻm trên đường Lý Thường Kiệt (quận 11), một người phụ nữ bày bán móng gấu và nanh heo trên vỉa hè. Thấy có khách hỏi, bà này lấy một chiếc nanh ra giới thiệu là nanh hổ "giả", còn nanh hổ thật loại kích thước lớn có giá trên 20 triệu đồng/cái.
"Chị bán cũng nhiều mối, mới giao cho một ông ở Bình Dương cái nanh hổ đẹp loại nhất giá 28 triệu", bà này nói và cho số điện thoại của ông N. để liên hệ xem "hàng".
Người phụ nữ bày bán móng gấu và nanh heo tại hẻm đường Lý Thường Kiệt (quận 11, TP.HCM) giới thiệu một chiếc nanh hổ được làm giả từ xương - Ảnh cắt từ video clip
Cũng tại hẻm trên, ông N. mang theo 3 cái nanh đến khẳng định đây là nanh của hổ tự nhiên không phải hổ nuôi, trong đó chiếc nanh có kích thước lớn nhất có giá 18 triệu đồng: "Hàng hoang dã, hàng của tui là hàng ở rừng Nam Cát Tiên đi về, với lại hàng ở bên Lào đem về, anh cứ yên tâm phần đó".
Ông N. chào bán nanh hổ tại hẻm đường Lý Thường Kiệt (quận 11) - Ảnh cắt từ video clip
Nói về "tác dụng" của nanh hổ, ông N. bảo: "Nó cũng có tác dụng chứ, điển hình năm nay năm Dần, may mắn đến cho mình, nếu xui xẻo có đeo cái này cũng qua đi. Tôi bán người ta không có điều kiện đeo thôi, chứ người ta cũng thích dữ lắm".
Ông còn bảo khách mua nanh hổ của ông có thể đưa đến tiệm vàng để "kiểm định". "Đưa tới tiệm vàng hô đây không phải là thật anh cứ trả về tôi, tôi gửi tiền lại y cho anh không mất một ngàn nào", ông tuyên bố chắc nịch.
Tại hẻm đường Lý Thường Kiệt (quận 11) vào sáng 16-1, ông N. lấy điện thoại mở một số hình ảnh trong đó có hình ảnh một bộ tay chân gấu - Ảnh cắt từ video clip
Rao bán rầm rộ trên mạng và đủ trò "bịp"
Không chỉ lề đường, nanh, móng, da… hổ còn được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, thậm chí có những nhóm được tạo ra có hàng trăm, hàng ngàn thành viên để mua bán nhiều mặt hàng "độc" từ hổ và nhiều động vật hoang dã khác.
Khi phóng viên liên hệ, người phụ nữ tên N. báo giá chiếc nanh hổ dài 8cm là 12 triệu đồng, ví bọc lớp da hổ có giá gần 1 triệu đồng/cái… Bà N. khẳng định nanh hổ là đồ thật của con hổ nuôi. "Hàng rừng cũng chỉ có số lượng thôi làm sao mà họ săn bắt liên tục mà có hàng rừng chuẩn được", bà N. nói.
Còn bà Y. chốt giá một cặp nanh hổ dài 11cm là 38 triệu đồng và cho hay nanh trên của con hổ nặng 200kg được nuôi đã nhiều năm. "Riêng vợ chồng chị đeo nanh móng ngà tụi chị buôn bán rất là phát đạt luôn. Chị không biết sao, nó tạo khí chất ngút trời rồi mình buôn bán chị thấy cũng ok hơn", bà Y. nói.
Một số tay buôn hàng "độc" tiết lộ vì là hàng từ động vật quý hiếm nên nanh, móng, da hổ… cùng bộ phận cơ thể của nhiều động vật rừng khác thường có giá cao ngất ngưởng. Cũng vì vậy, các mặt hàng trên được làm giả, chế tác một cách tinh vi y chang hàng thật khiến người mua dễ bị "sập bẫy".
Bên cạnh đó, một số người sưu tầm hàng "độc" còn kháo nhau về chiêu trò của những tay buôn hàng "bịp" tức chuyên lừa đảo lấy tiền đặt cọc mà không giao "hàng". Hoặc ngay cả người bán cũng có thể bị người mua lừa tráo hàng giả khi đưa hàng thật cho khách xem.
Nanh hổ, móng hổ và ví da hổ rao bán trên mạng xã hội
Ông Nguyễn Hữu Hưng (phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM)
Hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển động vật hoang dã kể cả sản phẩm, bộ phận cơ thể của động vật hoang dã không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp tùy mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.
Các sản phẩm, bộ phận cơ thể của động vật hoang dã khi cơ quan, lực lượng chức năng phát hiện xử lý cần qua giám định để biết là hàng thật hay hàng giả.
Mới đây, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã tiếp nhận xử lý vụ việc tàng trữ da hổ. Vụ việc trên do cơ quan công an phát hiện và qua giám định thì đây là da hổ thật, do không đủ khởi tố đã chuyển qua xem xét đề nghị xử phạt hành chính.
Người dân không nên mua và tiêu thụ các sản phẩm, bộ phận cơ thể của động vật hoang dã vì điều này vi phạm các quy định bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam và của quốc tế.
PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm Đại học Quốc gia TP.HCM)
Nắm bắt tâm lý của một số người thích sở hữu hàng "độc lạ", một số tay buôn đã đồn thổi về nanh, móng, da... hổ có thể trừ tà, mang điều may mắn, tiền tài, "uy lực"… cho chủ nhân. Theo tôi, đây chỉ là lời đồn thổi để dân buôn bán làm ăn và trục lợi.
Người dân nên tìm hiểu kỹ thông tin về các mặt hàng trên cũng như các vấn đề pháp lý liên quan, không nên nghe theo các lời "đồn thổi" cũng như không nên tiếp tay cho việc tận diệt động vật hoang dã thông qua việc mua bán và sử dụng các sản phẩm, bộ phận trên cơ thể của chúng.
Một chiếc nanh hổ được người bán ra giá 33 triệu đồng - Ảnh cắt từ video clip
TTO - Ông Ngô Văn Quân, chủ tịch UBND xã Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên), bị công an bắt vì tàng trữ, giết mổ hổ để nấu cao.
Xem thêm: mth.5471335082102202-tet-nac-yagn-oh-ad-gnom-hnan-nab-oahc-ut-ov/nv.ertiout