Trong khi đó, tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất lại đang vào tình trạng đông đúc.
Có mặt tại các bến xe Giáp Bát và Gia Lâm chiều 28/1, khu vực bán vé của hai bến này chỉ có vài nhân viên nhà xe. Ở hành lang dẫn ra bãi để xe, tài xế và phụ xe nhiều hơn cả hành khách. Tại Bến xe Giáp Bát, một xe khách tuyến Hà Nội - Ninh Bình có vài ba khách, cả lái và phụ xe đều đang ngồi ngóng khách.
Anh Nguyễn Văn Đức, một lái xe tại bến xe Giáp Bát cho hay: "Tôi lái xe khách nhiều năm nhưng chưa có năm nào bến xe vắng như vậy vào ngày cận Tết". Buổi sáng, xe anh bắt được 5 khách từ Ninh Bình lên Hà Nội. Trong khi mọi năm từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, người dân nườm nượp về quê, nhà xe tất bật đưa khách lên và xếp đồ.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát thông tin, các tuyến xe khác đều gặp tình trạng tương tự như tuyến Hà Nội - Ninh Bình. Lượng khách dịp Tết Nhâm Dần chỉ bằng khoảng 30% so với các năm trước và bến đang có khoảng 400 lượt xe/ngày.
Tại Bến xe Nước Ngầm, do bến này chủ yếu là các tuyến đường dài đi các tỉnh miền Trung nên lượng hành khách đông hơn so với các bến khác, nhưng đại diện Bến xe Nước Ngầm cũng cho hay, lượng khách về bến trong tuần qua cũng giảm mạnh. Ghi nhận của phóng viên chiều 28/1, tại khu vực quầy bán vé hành khách cũng không đông đúc, đa phần người dân cho biết đang chờ xe để về quê tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh...
Đại diện lãnh đạo Bến xe Nước Ngầm cho hay, những ngày cao điểm gần đây, mỗi ngày có khoảng 100 xe xuất bến, bằng 50% so với thời điểm chưa có dịch.
Thống kê của Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, đợt cao điểm từ ngày 21/1 đến nay, khách qua Bến xe Mỹ Đình khoảng 4.000 lượt/ngày và 380 lượt xe/ngày; Bến xe Gia Lâm là 1.600 lượt khách và 220 lượt xe/ngày, đạt 50% tải trọng thiết kế.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, nói việc bến xe vắng khách được dự báo trước. Số ca COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm kéo theo tâm lý lo ngại của người dân khi di chuyển bằng xe khách. Hiện để phòng chống COVID-19, xe khách liên tỉnh không được chở quá 50% số ghế ngồi.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, sở dĩ các bến xe khách tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vắng khách không phải là do không có nhu cầu đi lại. Bởi hiện tại hành khách lựa chọn thuê xe cá nhân và xe limousine đưa đón tại chỗ nên các bến xe vắng khách là điều đã được dự đoán.
Trong khi đó, tại ga Hà Nội, ghi nhận của phóng viên lúc 15h cũng rất vắng vẻ, khu vực bán vé, nhà chờ khách chỉ có lác đác vài khách đang chờ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco) thông tin, để phục vụ nhu cầu đi lại Tết Nguyên đán 2022, Haraco sử dụng 5 đôi tàu Bắc -Nam chạy chính và 5 đôi dự bị. Đến nay, doanh nghiệp mới bán được 60% trong tổng số 40.000 chỗ, trong khi vé sau Tết bán được 40%. Đa số khách chọn đi từ Tp. Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quy Nhơn, lượng người đặt vé ra Hà Nội rất ít.
Về phòng chống dịch COVID-19, đại diện Haraco cho hay, các chuyến tàu xuất phát từ đây đều chú ý tới việc phòng chống COVID-19. Công ty đã chuẩn bị đầy đủ kịch bản để nếu trên tàu có F0 thì nguy cơ lây lan là thấp nhất. Các khoang đều có nước rửa tay sát khuẩn, nhân viên lau thường xuyên khu vực dễ lây nhiễm.
Trái ngược với đường sắt, đường bộ, hành khách di chuyển bằng đường hàng không những ngày này tăng vợt. Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, theo kế hoạch bay, dự kiến trong ngày 28/1, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khai thác 743 chuyến với khoảng 72 nghìn khách.
Hành khách chờ chuyến bay tại Tân Sơn Nhất.
Đây là ngày đông khách nhất từ trước tới nay trong giai đoạn cao điểm Tết. Khung giờ cao điểm nhất từ 6-8h, dự kiến ga quốc nội đi có 39 chuyến; trong đó, sảnh A dự kiến 19 chuyến với gần 3.700 khách. Sảnh B 20 chuyến với 4.540 khách. Từ 10-12h trưa, dự kiến có 19 chuyến. Khung giờ đông tiếp theo là từ 14-16h, dự kiến có 36 chuyến. Trong ngày hôm qua 27/1 (tức 25 tháng Chạp), sân bay Tân Sơn Nhất có 706 chuyến bay với khoảng 65,3 nghìn khách.
Để thuận lợi cho hành khách đi lại bằng đường hàng không qua sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã sắp xếp các lối đi riêng theo từng hãng hàng không. Đối với hành khách của hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco đi sẽ vào từ lối cửa D2 (Vietnam Airlines làm thủ tục tại đảo A/B/C/D; Pacific Airlines tại đảo E; Vasco tại đảo F).
Hành khách của Vietravel Airlines, Bamboo Airways đi vào cửa D3 (Vietravel Airlines làm thủ tục tại đảo G; Bamboo Airways tại đảo F, H). Hành khách của Vietjet Air đi vào cửa D6 - D8, làm thủ tục tại đảo I/J/K.
Trong khi đó đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, sản lượng vận chuyển qua sân bay Nội Bài đang có chiều hướng tăng dần vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Có những ngày sản lượng cất hạ cánh đạt khoảng 385 lượt chuyến/ngày (khoảng 120 chuyến bay quốc tế, 265 chuyến bay quốc nội) và sản lượng hành khách đạt khoảng 36 nghìn lượt khách/ngày (2 nghìn khách quốc tế và 34 nghìn khách quốc nội). Trung bình các tuần trước đó đạt khoảng 270 lượt cất hạ cánh và 26 nghìn lượt khách.
Về đảm bảo an toàn khai thác, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay, Cảng đã rà soát, tính toán năng lực đáp ứng của 2 nhà ga hành khách vào các giai đoạn cao điểm, khung giờ cao điểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để nắm bắt đầy đủ, chính xác kế hoạch bay, bố trí vị trí đỗ tàu bay, mở tối đa hệ thống máy soi chiếu an ninh, mở lại khai thác sảnh E; linh hoạt điều chỉnh quầy thủ tục, sắp xếp cửa ra tàu bay, băng tải hành lý đảm bảo phù hợp với thực tế và nâng cao năng lực phục vụ hành khách…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44210356182102202-tet-nac-yagn-uih-uid-hcahk-ex-uat-neb-cud-gnod-gnohk-gnah/et-hnik/nv.vtv