Báo cáo "10 xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2022" của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor chỉ rõ rằng, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở châu Á chuyển sang sử dụng mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ Internet khác… trong thời kỳ dịch COVID-19. Trang Nikkei Asia gọi họ là những "người cao tuổi kỹ thuật số ".
Theo Euromonitor, khoảng một nửa số người được hỏi từ 60 tuổi trở lên sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sử dụng Twitter nhiều lần trong ngày, so với 28% ở châu Âu và 36% ở Bắc Mỹ.
Thậm chí số người cao tuổi châu Á sở hữu riêng một cặp kính thực tế ảo còn cao hơn cả tỷ lệ tại Bắc Mỹ và châu Âu, điều sẽ giúp họ khám phá vũ trụ ảo Metaverse. Có vẻ những người cao tuổi ở châu Á am hiểu về công nghệ hơn so với ở các châu lục khác.
Ngày càng có nhiều người cao tuổi ở châu Á chuyển sang sử dụng mạng xã hội.
Tại Singapore, Chính phủ nước này đã xây dựng riêng một chương trình có tên Seniors Go Digital, giúp người cao tuổi biết sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số với mục tiêu đem đến một cuộc sống đầy đủ thông tin, tiện ích.
Tại Trung Quốc, từ tháng 10/2021, nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao của Alibaba bắt đầu đưa "định dạng cấp cao" với cỡ chữ lớn hơn và công cụ tìm kiếm bằng giọng nói dành cho những người cao tuổi không quen mua hàng qua Internet. Nền kinh tế người cao tuổi ở Trung Quốc hiện có giá trị gần 1.000 tỷ USD, lớn nhất thế giới.
"Mọi người hy vọng làn sóng công nghệ số sẽ tạo nên sự thay đổi năng động về cách thức mua sắm và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng cao tuổi. Các doanh nghiệp đang chạy đua để không đứng ngoài xu hướng mới", Giáo sư Nathan Vytialingam - Đại học Perdana, Malaysia nói.
Hiện 18% người cao tuổi tại khu vực châu Á cho biết họ có kế hoạch đăng ký thêm các chương trình streaming trong thời gian tới. Đây là một mảnh đất mới tiềm năng với các công ty cung cấp dịch vụ này hậu dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.9165927092102202-a-uahc-o-os-tauht-yk-iout-oac-iougn-gnos-nal/et-hnik/nv.vtv