Như chứng khoán, tài sản số cũng là một trong những kênh đầu tư nổi bật nhất năm 2021 với lợi nhuận gần như "không tưởng" so với các phương thức đầu tư truyền thống. Hầu hết loại tiền số, từ Bitcoin đến những đồng coin trò đùa như Dogecoin, đều đạt mức giá cao kỷ lục trong năm 2021 và mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, không có kênh đầu tư nào lợi nhuận cao mà rủi ro thấp. Đan xen giữa những đợt tăng phi mã là những đợt lao dốc không phanh, khiến nhà đầu tư như ngồi trên "chuyến tàu lượn siêu tốc" nối dài trong cả năm.
Tháng 5/2021, khoảng một nửa giá trị của toàn bộ thị trường đã bị xóa sổ chỉ trong một tuần. Rồi đến tháng 9, các loại hình tài sản số đã chứng kiến sự siết chặt từ Trung Quốc để hạ đà leo thang, khi đất nước tỷ dân này cấm tất cả giao dịch. Dù vậy, đến cuối tháng 11, Bitcoin vẫn tiến lên mức đỉnh hơn 69.000 USD, để rồi chỉ hai tháng sau, đồng tiền số này mất phân nửa giá trị.
Trong những con sóng đó, nhiều nhà đầu tư kiếm được tiền, nhưng không ít người trắng tay. Nguyễn Nam, hay Minh Khang, những nhà đầu tư được xem là F0 của thị trường này là một ví dụ.
Nguyễn Nam, 26 tuổi, nhân viên một ngân hàng thương mại tại Hà Nội. Cậu biết tới tiền số cách đây hơn một năm, nhưng chỉ thực sự tìm hiểu sâu từ đầu tháng 12 năm ngoái. Những người bạn đại học làm giàu từ đầu tư tiền số và mua bán NFT, những tấm gương trên mạng xã hội kiếm hàng triệu USD thôi thúc Nam dấn thân.
"Những người bạn năm đó thậm chí học kém hơn mình, nhưng giờ họ đã có một khối tài sản lớn nhờ đầu tư vào tài sản số, tại sao mình lại không thể", Nam suy nghĩ.
Nghĩ là làm, Nam lân la trên mạng xã hội, tham gia các hội nhóm về đầu tư, tìm hiểu về các khái niệm thị trường. Cậu cũng bắt đầu chuyển dần tài sản từ các kênh đầu tư truyền thống sang tiền số. Trong giai đoạn thị trường đỏ lửa, những người bạn khuyên Nam nên chọn cách tiếp cận an toàn, tương tự chứng khoán, là đầu tư những token trong top đầu - những "bluechip" của thị trường tiền số. Biên độ tăng có thể không cao, nếu cầm dài hạn thì khả năng thua lỗ cũng thấp.
Tư tưởng "tuổi trẻ còn cơ hội làm lại", Nam chấp nhận rủi ro có thể mất hết số tiền bỏ ra, đổi lại cậu muốn mức lợi nhuận bằng lần, thậm chí hàng chục, hàng trăm lần. Điều này gần như bất khả thi với các kênh đầu tư truyền thống, nhưng lại có thể trên thị trường tiền số. Trong đó, thông dụng nhất là đầu tư vào những dự án từ khi mới "chớm nở", hoặc vừa giao dịch trên các sàn phi tập trung, với kỳ vọng token sẽ tăng phi mã khi được thị trường "FOMO", tức khi các nhà đầu tư cùng chung tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội.
Với một thị trường "vàng thau lẫn lộn", mỗi ngày có hàng trăm dự án ra đời, không thiếu cơ hội để Nam thử. Nhưng Nam nhanh chóng bị dội gáo nước lạnh vì những cạm bẫy không ngờ tới. Cậu theo dõi sát sao một dự án GameFi đang được cộng đồng chú ý, kỳ vọng kiếm lời khi token được giao dịch trên PancakeSwap - một sàn giao dịch tiền số phi tập trung. Tuy nhiên, vì FOMO, Nam tìm nhầm địa chỉ một coin giả.
Token này đặt tên giống hệt dự án mà cậu theo dõi, được một số tài khoản Telegram quảng cáo ngay trước giờ "list sàn" để lừa nhà đầu tư. Thấy lệnh mua vào liên tục, Nam sốt ruột. Không kiểm tra lại địa chỉ token, cậu bỏ ngay 2.000 USD đua lệnh, chỉ sau 10 phút đã lãi hơn 50%. Nhưng vấn đề xảy ra khi Nam tìm cách hoán đổi (swap) sang USDT để chốt lời, lệnh bán đã không được chấp nhận. Thử nhiều lần không được, lúc này Nam mới biết đã bị lừa.
USDT (Tether coin) là một loại token được phát hành trên Blockchain Bitcoin, với mỗi đơn vị luôn mặc định có giá trị bằng 1 USD được dự trữ tại đơn vị phát hành. Đồng coin này được vận hành, chi tiêu và lưu trữ tương tự tất cả các loại tiền số khác, và thường được dùng như một loại tiền tệ trung gian của thị trường tiền số.
Coin giả chỉ là một trong vô vàn cạm bẫy trên kênh đầu tư được FOMO nhiều như tiền số. Theo báo cáo của Chainalysis, tội phạm tiền điện tử năm 2021 ghi nhận quy mô kỷ lục 14 tỷ USD. Giá trị của các giao dịch bất hợp pháp vào năm 2021 gần gấp đôi so với con số 7,8 tỷ USD của năm 2020.
Kim Grauer, trưởng nhóm nghiên cứu của Chainalysis, cho rằng sự tăng trưởng về quy mô các giao dịch lừa đảo là do sự bùng nổ trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) trên nền tảng blockchain.
Trong con số 14 tỷ USD, chỉ riêng các giao dịch lừa đảo trên thị trường tiền điện tử đã ghi nhận 7,8 tỷ USD, tăng 82% so với năm 2020. Trong đó, gần 3 triệu USD đến từ "rút thảm" (rug pull), thuật ngữ chỉ việc một nhóm phát triển tiền số tạo ra một dự án giả và sau đó bỏ trốn với tất cả số tiền có được của nhà đầu tư.
Việc tạo ra một đồng coin giả cũng là một cách thức lừa đảo liên quan tới "rug pull". Những token này được tạo ra hàng loạt chỉ vài phút trước khi đồng coin của dự án thật được giao dịch. Nếu không để ý kỹ, nhà đầu tư rất dễ bị nhầm lẫn. Những đồng coin này chỉ cho phép nhà đầu tư mua mà không thể bán, khiến những người như Nam, nếu đã bị lừa chỉ còn cách tự trách mình.
Theo Thành Đạt, người quản lý một cộng đồng tiền điện tử có quy mô hơn 10.000 thành viên, trong giai đoạn nửa cuối của năm 2021, sự FOMO của thị trường với các dự án tiền số lên tới đỉnh điểm. Điều này cũng kéo theo nhiều cạm bẫy. Khi token một dự án được giao dịch trên sàn phi tập trung, hàng chục đồng coin giả sẽ xuất hiện cùng thời điểm. Chỉ một sự nhầm lẫn nhỏ có thể kéo theo việc mất toàn bộ vốn đầu tư. Có nhiều người thử tham gia thị trường tiền số và mất toàn bộ vốn chỉ sau một giao dịch như vậy. Họ cũng không biết ai đã lấy tiền của mình.
Rút kinh nghiệm từ lần vấp ngã đầu tiên, lần xuống tiền tiếp theo được Nam quan sát kỹ hơn. Nhưng vì thận trọng, lần này Nam "đu đỉnh".
Những dự án mới được FOMO rất mạnh khi lên sàn nhưng cũng bị xả hàng nhanh không kém. Nam kiểm tra địa chỉ token chắc chắn rồi mới quyết định xuống tiền, nhưng vừa mua xong thì giá đảo chiều không phanh. Không bị mất trắng như lần đầu nhưng Nam cũng bị lỗ quá nửa.
Hai lần thất bại, cậu không còn mạo hiểm tham gia việc đua lệnh FOMO. Lần này, Nam tìm tới các nhóm chuyên đi "Private Sale", thuật ngữ để chỉ những đợt phát hành token sớm của một dự án. Mức giá của đợt chào bán này rẻ hơn nhiều khi chính thức lên sàn, nhưng điểm hạn chế là lượng token nhận được ban đầu chỉ 8-15%, phần còn lại thường được trả dần trong 9-12 tháng. Ngoài ra, việc phân phối token trong những đợt Private Sale sẽ phụ thuộc vào người đứng đầu của các nhóm.
Chấp nhận mất phí 10-15% số tiền để lấy suất tham gia, Nam kỳ vọng sẽ thu hồi vốn ngay khi nhận về lượng token đầu tiên, phần còn lại coi như "quà để dành". Nhưng trong giai đoạn thị trường đỏ lửa từ cuối tháng 11, "Private Sale" không còn là kênh hái ra tiền.
Vì bị phụ thuộc vào người đứng đầu của các nhóm, việc phân phối token thường chậm, coin về ví thì giá đã giảm mạnh. Hai dự án đầu tiên, Nam tham gia 1.000 USD cho mỗi dự án. Vì nhận coin chậm, một dự án cậu chốt lời chỉ hơn gấp đôi, một dự án được gần gấp ba, dù khi mới lên sàn, cả hai đồng coin đều tăng vài chục lần. Với số lượng chỉ 10%, số tiền Nam thu về mới bằng 30% vốn. Giá đồng coin sau đó ngày càng giảm, trong khi thời gian nhận đủ token còn tới 12 tháng, khoảng thời gian mà không chắc dự án có còn tồn tại được hay không.
Từ khát khao mãnh liệt những ngày đầu, Nam dần chán nản. Lợi nhuận thì chưa thấy đâu nhưng số vốn đầu tư của cậu ngày càng hụt dần.
Cũng ôm tham vọng giàu nhanh, nhưng Minh Khang chọn cách đầu tư hợp đồng tương lai (Future) trên các sàn giao dịch tập trung. Với đòn bẩy 20-100 lần, kết hợp với biên độ giao dịch cao của tiền số, lợi nhuận có thể rất lớn, dù rủi ro cũng không kém.
Hiểu đơn giản, nếu đồng coin cơ sở tăng 5%, với đòn bẩy 20 lần, hợp đồng tương lai sẽ đạt lợi nhuận 100%. Nếu dùng đòn bẩy cao hơn, lợi nhuận sẽ lớn hơn. Biến động 5-10% với thị trường truyền thống là điều không dễ, nhưng trên thị trường tiền số, điều này có thể diễn ra trong thời gian tính bằng giây.
Nửa đầu tháng 1 năm nay là khoảng thời gian mà Khang vui nhất. Cậu ăn gần trọn con sóng tăng của đồng NEAR, mở vị thế mua (long) từ mức giá 14 rồi đóng vị thế hơn 19 USD. Với đòn bẩy 20 lần, Khang lãi hơn 7 lần vốn gốc chỉ trong hai ngày. Trong 10 lần xuống tiền sau đó, chỉ có hai lần Khang phải cắt lỗ, còn 8 lần có lãi. Có lúc, Khang nghĩ thị trường giống như đang "cho tiền" nhà đầu tư.
Nhưng thị trường đỏ lửa trong nửa cuối của tháng 1 khiến thành quả của Khang dần tiêu tán. Đồng NEAR cứ giảm về ngưỡng hỗ trợ là Khang lại mở vị thế mua với kỳ vọng bắt đáy. Nhưng đà giảm không dứt, cậu vào lệnh liên tiếp từ vùng giá 15, rồi xuống 14, rồi 12, nhưng NEAR vẫn lao dốc, thậm chí về dưới 10. Những lần bắt đáy thành "bắt dao rơi".
Khang thua liên tiếp, nhiều lần cậu vì ôm kỳ vọng quá cao nên không đặt ngưỡng cắt lỗ dẫn tới cháy tài khoản. Lợi nhuận trong nửa đầu tháng 1 bốc hơi chỉ sau vài ngày. Mong gỡ lại, Khang bỏ thêm tiền vào chơi các đồng coin khác, kết quả gần 100 triệu lại "không cánh mà bay".
Thanh Tùng, một nhà đầu tư trên thị trường tiền số có hơn 4 năm kinh nghiệm cho rằng, việc trông chờ vào "vận may" và niềm tin để tìm kiếm sự thành công là điều không tưởng.
"Bạn có thể phụ thuộc vào may mắn một lần rồi hai lần, nhưng chắc chắn, vận may rồi sẽ kết thúc. Với một thị trường nhiều biến động như tiền số, chỉ một lần sẩy chân cũng đủ khiến toàn bộ thành quả tiêu tan", Tùng nói. Theo đó, việc trang bị kiến thức, để biết mình đang đầu tư vào thứ gì, và tính kỷ luật, theo Tùng là hai yếu tố quan trọng nhất.
Sau gần hai tháng tham gia, cả Nam và Khang mới "thấm" sự khốc liệt của thị trường.
Hơn một tháng "ăn ngủ cùng thị trường tiền số", Nam không còn giữ tham vọng giàu nhanh, giờ cậu chỉ mong thu lại đủ vốn, những lần bị lừa, những lần đu đỉnh đã bào mòn gần hết khoản tiết kiệm từ đầu năm.
Khang thì quyết định bỏ hẳn việc đầu tư các hợp đồng tương lai, một hình thức đầu tư quá khả năng với một F0 như cậu. Khang quyết định chuyển sang nắm giữ các đồng coin lớn, dù không thể lãi bằng lần trong thời gian ngắn nhưng ít ra cũng khó mất toàn bộ vốn.
"Không có kiến thức, nhiều khái niệm còn chưa hiểu rõ, nếu chỉ đến với thị trường này bằng 'vận may' thì lợi nhuận chỉ là tạm thời, sớm hay muộn cũng phải trả lại thị trường", Khang nói.
Minh Sơn