Anh Trần Đạo Tuyên (nhân viên lái xe của Trung tâm cấp cứu 115) cấp cứu cứu người - Ảnh: TỰ TRUNG
"Cứ nghe tiếng chuông là chạy..."
Những ngày dịch bệnh khốc liệt nhất với anh Trần Đạo Tuyên - nhân viên lái xe của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM - là những hồi ức theo anh cả cuộc đời. Từ trong đáy mắt, anh hồi tưởng về ngày phải cấp cứu xuyên suốt 17 tiếng/ngày, "cơm cũng không kịp ăn, cứ nghe tiếng chuông là chạy"
Ra tuyến đầu, ba mẹ khuyên anh Tuyên nghỉ việc vì sợ anh phơi nhiễm, nhưng anh quyết tâm "cứ khi thôi, dính dịch thì chữa, không chữa được thì thôi". Với sự nhất quyết đó, ba mẹ anh chỉ biết ôm mặt khóc mà khuyên con bảo trọng.
Cái "thì thôi" với anh Tuyên khi ra tuyến đầu nó nhẹ nhàng như thế nhưng khi thấy người khác tử vong vì COVID-19, anh lại đầy trăn trở.
Anh kể có lần bệnh nhân gọi cấp cứu, anh cùng đồng đội đến nơi, bệnh nhân nguy kịch nằm trên lầu, người nhà đều bị nhiễm. Các anh phải cố gắng luồn lách qua cầu thang chật hẹp để kịp thời cấp cứu, nhưng rồi "khi chỉ vừa đưa lên băng ca thì… người ta mất".
"Lúc đó tôi không biết làm gì ngoài việc an ủi người nhà nạn nhân. Thấy người chết trước mắt mà mình không làm gì được" - anh Tuyên tâm sự đó là những kỷ niệm buồn nhất cuộc đời mình.
Tham gia chống dịch rồi anh Tuyên bị phơi nhiễm, lúc đó anh giấu cả gia đình âm thầm chữa bệnh vì sợ ba mẹ, vợ con lo lắng. 13 ngày chữa trị, anh khỏe hẳn rồi lại bắt tay với công việc của "người vận chuyển bệnh nhân COVID-19".
Anh cho biết thời điểm đó, lực lượng cấp cứu rất mỏng, nhân viên lái xe hầu như không ngủ đủ giấc mà phải chạy cấp cứu liên tục. Mệt mỏi, áp lực nhưng anh hạnh phúc lắm. "Những ngày đó cảm xúc lẫn lộn, tôi cứu được nhiều người, chuyển họ đến bệnh viện kịp lúc, tôi vui lắm", anh Tuyên tâm sự.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - an ủi chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ anh Phan Thành Minh Nhựt hy sinh khi lái xe cấp cứu) - Ảnh: TỰ TRUNG
Vì mong muốn giành giật từng giây từng phút cho bệnh nhân giữa lằn ranh sinh tử, anh Phan Thành Minh Nhựt - 46 tuổi, tài xế cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - đã va chạm xe ben và vĩnh viễn ra đi.
Rơi nước mắt tại buổi họp mặt, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - vợ anh Nhựt - nghẹn ngào không nói nên lời. "Anh nói với tôi anh đi tình nguyện, tôi khuyên anh ở nhà nhưng anh đam mê quá nên tôi ủng hộ và động viên anh", chị Tuyền kể.
Nhưng rồi điều không may lại đến, anh gặp tai nạn qua đời, nghe tin chồng gặp nạn chị Tuyền ngã nhào. Hỏi chị có hối hận khi ủng hộ chồng đi chống dịch, chị bảo không nhưng chị buồn lắm. Hai vợ chồng chị có 4 người con, hai bé 7 tuổi và 5 tuổi lại vô tư, cứ hỏi mẹ "sao ba đi lâu thế chưa về".
Trước đây, anh Nhựt là trụ cột chính trong gia đình, chị Tuyền chỉ ở nhà nội trợ và chăm con. Nhưng khi anh mất, tương lai của gia đình chị bỗng trở nên mù mịt.
"Tôi lo lắng học phí, tiền ăn của các con không biết sau này như thế nào", chị Tuyền nói và cho biết qua Tết sẽ tìm kiếm công việc để lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Nghiêng mình cảm ơn
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tri ân - Ảnh: TỰ TRUNG
Lắng nghe câu chuyện mà những người tham gia vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19 kể lại, ông Nguyễn Văn Nên - bí thư Thành ủy TP.HCM - xúc động đề nghị tất cả mọi người dành những giây phút lắng đọng nhất để tri ân lực lượng vận chuyển bệnh nhân và tưởng nhớ những người đã mất.
Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, lực lượng tham gia vận chuyển bệnh nhân đã làm nhiều việc phi thường để cứu người. Nhiều mô hình vận chuyển cấp cứu đã liên tiếp ra đời để kịp thời hỗ trợ người dân.
"Chúng ta nghe kể về những kỷ niệm của người vận chuyển. Kỷ niệm sâu sắc nhất của họ là chở được nhiều người, nghe thoáng qua thì tưởng bình thường nhưng mỗi lần chở là mỗi lần cứu người. Chở được nhiều người đồng nghĩa cứu được nhiều người" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng trong dịch, với đạo đức nghề nghiệp, với lương tâm và bổn phận làm người, các chiến sĩ lái xe đã không hề do dự, né tránh để ra tuyến đầu.
"Có người làm thay cả chức năng bác sĩ, tư vấn tâm lý hoặc làm thân nhân để chăm sóc sẻ chia hỗ trợ người bệnh lúc bệnh nhân cô đơn, hoang mang nhất" - ông Nên nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao quà tri ân lực lượng tham gia vận chuyển nạn nhân COVID-19 - Ảnh: TỰ TRUNG
Có nhiều người không may bị phơi nhiễm, sau khi điều trị đã tiếp tục trở lại ngồi sau tay lái, cùng lực lượng đi mọi nẻo đường để cấp cứu người dân. Đó là những người bình thường nhưng có suy nghĩ và hành động phi thường.
Tại buổi họp mặt, ông Nên cũng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát danh sách lực lượng tình nguyện để có hình thức tri ân phù hợp trong thời gian tới, không để sót ai.
"Khi chúng ta đã tìm lại những giây phút bình yên, khi tiếng còi xe cấp cứu không còn là nỗi ám ảnh thì chúng ta càng phải nhớ những người đã giúp ta vượt qua những ngày tháng cam go.
Với tất cả sự ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc, tôi xin nghiêng mình trước những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ lái xe cứu người vượt qua đại dịch" - người đứng đầu Thành ủy TP nói và cho biết Đảng bộ và nhân dân TP.HCM trân trọng tri ân tất cả các chiến sĩ lái xe kiên cường quả cảm.
Phát biểu tại buổi họp mặt, bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM - cho biết từ tháng 6 đến tháng 10-2021, trung bình mỗi ngày trung tâm nhận được 4.000 cuộc gọi cấp cứu, gấp 30 lần ngày thường. Các cuộc gọi đều trong tâm trạng hoang mang, hoảng loạn, thậm chí tuyệt vọng của người dân, đôi khi nhân viên muốn gục ngã.
Đến khi dịch bệnh đỉnh điểm, lực lượng cấp cứu ngoại viện gần như không ngủ nhưng vẫn không đáp ứng kịp, sự thiếu hụt nhân lực đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Ngành y tế đã phân công một số bác sĩ, điều dưỡng chi viện cho lực lượng 115 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nhân lực lẫn phương tiện.
Trung tâm cấp cứu 115 đã đăng tuyển tình nguyện viện, rất nhiều tình nguyện viên trên khắp cả nước đã đăng ký ra tuyến đầu. Bên cạnh đó là sự chung tay của các công ty vận tải của TP.HCM và các tỉnh thành bạn. Từ đó, nhiều mô hình cấp cứu ra đời.
Bác sĩ Long cho rằng những bác tài là những con thoi không mỏi đưa người đến bệnh viện. Đã có những giọt nước mắt xen lẫn những giọt mồ hôi rơi trên áo, ướt đẫm những bộ đồ bảo hộ. Họ đã thức trắng thâu đêm, ghì chặt vô lăng, giữ chặt người bệnh thoát khỏi bàn tay tử thần.
"Có lẽ những khoảnh khắc sinh tử đã giúp cho ý chí con người mạnh mẽ hơn, họ đã vượt qua mọi khó khăn và thách thức, đã cùng nhau đưa người dân TP.HCM đứng dậy sau những đợt bạo bệnh" - bác sĩ Long xúc động.
TTO - Sáng 23-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác của TP.HCM đã đến tỉnh Đồng Nai trao quà cho công nhân và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Xem thêm: mth.61021912103102202-91-divoc-nahn-hneb-neyuhc-nav-iougn-gnuhn-na-irt-hnim-gneihgn/nv.ertiout