Hiện tượng livestream bán hàng (bán hàng trực tuyến theo thời gian thực, còn được gọi là "thương mại trực tiếp") đã bùng nổ ở Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát và đang phát triển ở các quốc gia khác.
Nhiều nhà phân tích và người trong giới nhận định xu hướng này vẫn sẽ tồn tại nhưng việc dựa vào người nổi tiếng và lượt người xem là không đủ thu hút khách hàng trong thời gian tới.
Anh Xin Youzhi, một người livestream bán hàng nổi tiếng có 95,6 triệu người theo dõi trên ứng dụng video Kuaishou, nói với đài CNBC (Mỹ) rằng một thách thức lớn của ngành công nghiệp 2.000 tỉ nhân dân tệ (312,5 tỉ USD) này là tốc độ tăng trưởng tuy ấn tượng nhưng hiện chủ yếu dựa vào số lượng hàng bán ra hơn là tập trung vào chất lượng sản phẩm.
Austin Li. Ảnh: Weibo
Một số người Trung Quốc livestream bán hàng trên ứng dụng thương mại điện tử Taobao của hãng Alibaba. Ảnh: Reuters
Xin hiện điều hành công ty riêng, Xinxuan Group, với đội ngũ 1.400 nhân viên, đảm nhận những công việc như sàng lọc hàng hóa, phát triển sản phẩm và đào tạo người livestream chuyên nghiệp. Xin hy vọng một ngày nào đó công ty có thể có 1.000 nhà thiết kế sản phẩm của riêng mình.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, xu hướng livestream bán hàng ở Trung Quốc chịu sự thống trị bởi những người nổi tiếng trên mạng, như Austin Li, 29 tuổi.
Anh này nổi tiếng nhờ bán son môi và từng lập kỷ lục khi kiếm được số tiền tương đương 1,8 tỉ USD trong một buổi livestream kéo dài liên tục 12,5 giờ trên trang mua sắm trực tuyến Taobao của hãng Alibaba.
Trong khi đó, theo Công ty Hongrendianji, một người livestream tên Viya đã mang lại số lượng giao dịch trị giá khoảng 1,3 tỉ USD trong một sự kiện.
Ngay cả khi làm việc với nhân vật nổi tiếng trên mạng có thể mang lại doanh số khổng lồ, nhiều công ty đang quyết định đào tạo nhân viên của riêng họ để thực hiện các buổi livestream bán hàng.
Viya. Ảnh: campaignasia.com
"Hợp tác với người livestream nổi tiếng không phải là cách duy nhất và thỉnh thoảng điều này có thể là hướng đi không hay, nhất là khi công ty đang theo đuổi lợi nhuận. Lý do là người livetream nổi tiếng không có sự trung thành với thương hiệu trong lúc lại có sức mạnh mặc cả thù lao" - Jialu Shan, chuyên gia tại Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (Thụy Sĩ), giải thích.
Sử dụng nhân viên nội bộ để thực hiện các buổi livestream bán hàng còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vì những người có ảnh hưởng thường tính phí hoa hồng và khoảng 20%-30% hàng hóa sẽ bị trả lại.
Các số liệu ban đầu về doanh số từ livestream bán hàng không cho thấy rõ các thương hiệu hưởng lợi bao nhiêu từ việc đầu tư vào người nổi tiếng.
Xiaofeng Wang, một nhà phân tích chính tại Công ty Forrester, cho rằng biết số lượt xem hoặc số lượng giao dịch "không còn đủ để đánh giá mức độ thành công của buổi livestream". Cũng theo chuyên gia này, nhiều thương hiệu thực sự nhận thấy rằng chỉ riêng 1 buổi livestream sẽ không mang lại lợi nhuận.
Sự xuất hiện của nhiều nền tảng thương mại điện tử và việc Bắc Kinh trấn áp hành vi độc quyền của các công ty công nghệ internet mang lại cho doanh nghiệp thêm lựa chọn. Ngày càng có nhiều công ty xây dựng đội ngũ nhân viên để livestream bán hàng trên nhiều nền tảng khác nhau, từ Alibaba cho đến ứng dụng video Douyin của Công ty ByteDance.
Một số chuyên gia dự báo thị trường livestream có thể tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn nhưng đòi hỏi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, những thay đổi lớn và cả sự tiêu chuẩn hóa.
Chẳng hạn như người livestream cần cho người tiêu dùng biết nguồn gốc của sản phẩm hoặc cách chúng được tạo ra. Kiến thức và sự kết nối với chuỗi cung ứng sản xuất sẽ giúp người livestream trở nên chuyên nghiệp hơn.
Theo Phương Võ
Người lao động
Xem thêm: nhc.56542338103102202-uad-ned-oht-couq-gnurt-o-gnah-nab-maertsevil/nv.zibefac