Bà Lê Bích Liên, chủ tịch UBND phường 9, quận 5 (TP.HCM), cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh việc tranh chấp giữa tiểu thương và ban quản lý An Đông Plaza sáng 24-3.
Theo bà Liên, từ tháng 2-2023 đến nay, thương nhân và ban quản lý An Đông Plaza đã có nhiều lần trao đổi về mức phí thuê quầy sạp. Tuy nhiên, số tiểu thương treo bảng phản đối giá thuê chiếm phần nhỏ trong tổng số hàng nghìn sạp đang hoạt động tại An Đông Plaza.
"Thời điểm kinh tế khó khăn, buôn bán ế ẩm nên công ty và thương nhân cần xem xét lại các đề nghị của nhau, tính toán thế nào cho hợp lý. Nếu để ồn ào kéo dài, tình hình kinh doanh không ổn định, cả hai phía đều bị thiệt hại", bà Liên nhận định.
Theo đại diện UBND phường 9, đây là tranh chấp dân sự, nếu không trái quy định, chính quyền không can thiệp. Tuy nhiên, phường thường xuyên phát loa để yêu cầu thương nhân tránh tập trung đông người, gây rối trật tự, trường hợp nào vi phạm chính quyền sẽ xử lý.
Trước đó, có hàng nghìn sạp ở An Đông Plaza đòi đóng cửa, miễn phí thuê năm 2023 và giảm 30% cho các năm tiếp theo vì sức mua yếu.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại An Đông Plaza chiều 23-3, cả tòa nhà rơi vào trầm lắng, tối đèn khi gần như toàn bộ các sạp đều đóng cửa.
Theo bà P.H. - một tiểu thương bán đồ trẻ em tại trung tâm, sức mua hiện giảm khoảng 70% so với trước dịch, có khi hơn cả tuần lễ cũng không có khách ghé mua.
"Một tháng tôi phải chi gần 20 triệu đồng để thuê sạp, điện đóm, chưa kể tiền thuê nhân viên, giờ lỗ quá đành tìm cách lấy công làm lời, giảm bớt nhân viên rồi chủ cũng phải ra bán", bà H. nói.
Là một trong số ít sạp còn sáng đèn, bà N.T.T. (53 tuổi, chuyên bán sỉ quần áo) chia sẻ đã kinh doanh 12 năm tại chợ nhưng sức mua giờ chỉ bằng 1/10 so với trước dịch.
"Từ thuê 2 sạp hàng, 1 làm kho, 1 để bán, giờ tôi cắt giảm chỉ thuê 1 quầy nhỏ vừa bán vừa làm kho. Đơn vị cho thuê giảm thuế phí thì tiểu thương mới sống được".
Ngày 24-3, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã nhiều lần liên hệ ban giám đốc An Đông Plaza với mong muốn trao đổi thêm các nội dung liên quan đến giá thuê quầy sạp. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này không phản hồi, không gặp.
Trước đó, trong buổi trả lời các bức xúc của thương nhân, bà Trần Thị Thanh Thúy - giám đốc An Đông Plaza - cho biết từ năm 2022 đến nay công ty đã hỗ trợ tiểu thương miễn phí giá thuê sạp. Tối 21-3, công ty đã thông báo mức giảm cho từng sạp cụ thể. Tuy nhiên, các tiểu thương vẫn chưa hiểu rõ vấn đề nên đóng cửa hàng loạt.
Do đó, bà Thúy khuyên tiểu thương bình tĩnh, xem xét thấu đáo và mở cửa lại. Riêng với đề xuất miễn phí thuê sạp năm nay và giảm 30% từ năm sau trên giá gốc 2016, bà cho biết sẽ trình hội đồng quản trị và có thông báo gửi tới tiểu thương sau.
Năm 2014, ban quản lý An Đông Plaza cũng từng tăng giá thuê sạp lên gấp 8 lần so với giai đoạn 10 năm trước khiến nhiều thương nhân phản đối. Sau đó, hai bên đã cùng nhau thỏa thuận lại mức giá hợp lý.
An Đông Plaza do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông Plaza quản lý (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Tòa nhà được xây dựng từ năm 2004, cao 22 tầng nhưng chỉ có 5 tầng kinh doanh giày dép, mỹ phẩm, vàng bạc, đồ trang trí với khoảng 2.700 sạp.
Theo tiểu thương, mỗi sạp ở đây đang có giá thuê 1,3 - 2,5 tỉ đồng cho 5 năm.
TTO - Ngày 23-10, hàng loạt tiểu thương tại Trung tâm thương mại An Đông Plaza tiếp tục tụ tập phản đối chính sách nâng giá thuê mặt bằng, đồng thời giảm thời gian thuê của ban quản lý trung tâm.