Chính phủ thực hiện giảm thuế để kích cầu tiêu dùng - Ảnh: T.TRUNG
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, và triển khai nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, chương trình sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025.
Bao gồm tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại nghị quyết số 23/2021/QH15, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Hỗ trợ việc làm, thuê mua nhà xã hội
Các đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với 5 nhóm giải pháp. Giải pháp đầu tiên là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh, trong đó mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển, duy trì hoạt động liên tục ổn định sản xuất và dịch vụ. Nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh các cấp, chất lượng nguồn nhân lực y tế, sản xuất vắc xin trong nước.
Giải pháp thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, gồm hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động, với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng và người lao động làm việc trong doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng.
Thực hiện chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo việc làm với tổng nguồn vay tối đa là 10.000 tỉ đồng. Cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng sửa chữa nhà với nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỉ đồng.
Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với quy mô tối đa 3.000 tỉ đồng. Thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em" với tổng nguồn 1.000 tỉ đồng.
Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với tổng nguồn tối đa là 9.000 tỉ đồng.
Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch với tổng nguồn là 1.400 tỉ đồng.
Thực hiện cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỉ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay ưu đãi. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm với các khoản vay là 6%/năm, có tổng nguồn vốn là 3.000 tỉ đồng.
Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nghị quyết sẽ thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Cụ thể, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) và giảm 20% mức tỉ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn, trừ một số dịch vụ.
Giảm nhiều mức thuế, tiền thuê đất
Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, tính vào chi phí được trừ khi xác định chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp cho hoạt động phòng, chống dịch.
Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 với đối tượng mà Nhà nước cho thuê đất trực tiếp. Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Tiếp tục rà soát, giảm các loại phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
Hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực nhất định. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1%; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay...
Đối với nhóm đầu tư phát triển hạ tầng, nghị quyết của Chính phủ nêu rõ sẽ tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, gồm tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Đồng thời, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
TTO - Mức giảm thuế VAT đã được thực hiện từ năm 2021 là tương đối nhiều rồi. Ở mức 2% dự kiến thực hiện trong năm 2022, theo tính toán, cũng giảm tới 49.000 tỉ đồng, sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Vì sao có mức giảm như vậy?