Kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND TP.HCM thống nhất chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.
Điểm nghẽn phối hợp
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề vì sao chủ đề năm 2022 là cải thiện môi trường đầu tư nhưng công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp của TP nổi lên như điểm nghẽn rất lớn, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công việc. Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện phối hợp nội bộ chậm trễ giữa các sở, ngành được đặt ra, nhưng dường như chưa có sự chuyển biến rõ rệt.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo TP.HCM đi thị sát đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử đoạn trên cao NGUYÊN VŨ |
Bởi trước đó, trong phiên họp KT-XH thường kỳ tháng 8.2022, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ nêu thực tế: “Hiện nay đụng việc gì chúng ta cũng hỏi ý kiến rất nhiều, rất mất thời gian”. Còn Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thì cho rằng cần phải nâng chất lượng tham gia ý kiến, tránh tình trạng đơn vị chủ trì vẫn rối như tơ vò khi nhận ý kiến chung chung của sở, ngành khác. Việc hỏi ý kiến theo kiểu “vơ đũa cả nắm” xuất phát từ tâm lý của cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, chứ không hẳn vì vượt thẩm quyền. Hệ quả, chính người dân, doanh nghiệp (DN) lãnh hậu quả khi hồ sơ không được giải quyết đúng hẹn, cơ hội bị bỏ lỡ.
Trong các lĩnh vực có nhiều hồ sơ trễ hẹn thì đất đai luôn dẫn đầu. Năm 2022, có hơn 500.000 hồ sơ đất đai được giải quyết, nhưng có tới 14.000 hồ sơ trễ hẹn, tỷ lệ 2,7%; riêng TP.Thủ Đức lên tới 6%. Tỷ lệ này cao hơn nhiều lần so với tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn chung toàn TP là 0,2%.
Khơi thông nguồn vốn xã hội
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong năm 2023 sẽ tập trung triển khai 2 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH vùng Đông Nam bộ và phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM. Trong quý 1/2023, TP.HCM hoàn thành đề xuất nâng trần đầu tư công, ban hành bộ tiêu chí thu hút vốn FDI, cùng các đề án thu hút đầu tư xã hội, chính sách phát huy kiều hối, kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa DN nhà nước, khai thác tài sản công, bán đấu giá nhà đất công, bán đấu giá quỹ đất dọc đường sắt đô thị và Vành đai 3...
Nêu giải pháp khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nói rằng sẽ ứng dụng phần mềm quản lý 3 khâu: tiếp nhận, thụ lý và liên thông hồ sơ; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời cán bộ trì trệ làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ. “Số lượng cán bộ, công chức ngành tài nguyên, môi trường rất nhiều và bố trí đến cơ sở, nếu không tăng cường giáo dục, bồi dưỡng thì cán bộ, công chức dễ bị cám dỗ, dẫn đến tiêu cực”, ông Thắng nói. Năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ nhà đất dưới 3%.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định năm 2023 sẽ ứng dụng công nghệ, đánh giá cán bộ sát hơn, thực hiện định kỳ hằng quý, hằng năm để thúc đẩy công việc. Các sở, ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình, việc nào trong thẩm quyền thì giải quyết ngay, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND TP.HCM xử lý hoặc đề xuất T.Ư tháo gỡ. “Từng đơn vị rà soát công việc còn tồn đọng của người dân, DN và của nhau để phân nhóm, phân công, xác định tiến độ giải quyết”, ông Mãi yêu cầu.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân, nếu cơ quan được hỏi mà không trả lời trong thời hạn, thì cơ quan chủ trì báo cáo UBND TP.HCM để có biện pháp xử lý phù hợp.
Tăng trưởng kinh tế để đảm bảo an sinh
Năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp TP.HCM chọn cải thiện môi trường đầu tư là một thành tố trong chủ đề năm. Lựa chọn đó phần nào thể hiện mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của 2 năm trước không đạt, vì cả lý do khách quan do dịch bệnh Covid-19 lẫn chủ quan từ những hạn chế nội tại.
Kinh tế phục hồi ngoạn mục sau 2 năm đại dịch
Trong báo cáo KT-XH vừa công bố, Cục Thống kê TP.HCM đánh giá năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với TP.HCM, vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19 vừa tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Từ mức giảm sâu của năm 2021, GRDP năm 2022 tăng 9,03%, cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 1,1 triệu tỉ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Đặc biệt, TP.HCM thu ngân sách ước đạt 457.510 tỉ đồng, vượt 18,4% dự toán. Năm 2023, TP.HCM được T.Ư giao thu ngân sách 469.000 tỉ đồng.
Trong năm 2022, TP.HCM có hơn 44.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 470.000 tỉ đồng. Dù số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tăng hơn 42% nhưng số vốn đăng ký giảm gần 5%. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM cũng chỉ có 893 dự án cấp mới, với tổng vốn đăng ký chỉ đạt 601 triệu USD, tăng 41% về số giấy phép và giảm 12,5% về vốn đăng ký so với năm 2021. 2 chỉ số trên lý giải môi trường đầu tư của TP.HCM chưa đủ sức hấp dẫn “đại bàng về làm tổ” như kỳ vọng.
Điểm trừ của TP.HCM trong năm 2022 chính là tỷ lệ giải ngân đầu tư công hằng tháng luôn nằm trong nhóm cuối bảng, tỷ lệ đến ngày 31.12.2022 ước đạt 76%. Giải ngân thấp, TP.HCM xin T.Ư giảm 16.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, từ 54.000 tỉ đồng xuống còn gần 38.000 tỉ đồng.
Năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 95% trở lên, góp phần dẫn dắt nền kinh tế. Để giải bài toán này, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết các đơn vị có liên quan đến giải quyết thủ tục đầu tư công phải rút ngắn 30% thời gian so với quy định hiện hành. Căn cứ tiến độ giải ngân chi tiết của dự án, các đơn vị chủ động hướng dẫn chủ đầu tư để rút ngắn thời gian, tránh lãng phí nguồn lực, giảm tối đa thời gian trao đổi chuyên môn qua lại giữa các đơn vị bằng chế độ lập biên bản họp.
TP.HCM tiếp tục duy trì hoạt động của 3 tổ công tác (vốn lớn, vốn ODA, vướng mắc bồi thường); điều hành linh hoạt kế hoạch vốn đầu tư công, điều hòa nội bộ, bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đối với dự án có cấu phần bồi thường, các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác di dời hạ tầng kỹ thuật của từng dự án nhằm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thi công.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nêu kinh nghiệm thực tế cho thấy khi cơ chế thông thoáng, chính sách phù hợp, hạ tầng tương đối đồng bộ, đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm thì người dân sẽ ủng hộ, góp phần hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trên thực tế, kết quả kiểm tra, giám sát đã phát hiện một số nơi còn tồn đọng hồ sơ, thậm chí ngay tại bàn làm việc của cán bộ, công chức phụ trách. “Chúng ta có thể ngại, băn khoăn, lo lắng trước khi đặt bút ký nhưng với cương vị, danh dự buộc chúng ta phải làm khi đã đủ thủ tục hết rồi, chứ không thể chần chừ, do dự”, ông Nên lưu ý.
Nói thêm về mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 từ 7,5 - 8%, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá đây là mức cao nhưng không có chọn lựa khác, bởi lẽ có phát triển mới có nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội. Và để đạt chỉ tiêu này đòi hỏi giải pháp, cơ chế, cách làm đi theo, đảm bảo sự đồng bộ, đoàn kết đồng lòng.