Một hộ dân ở huyện Kỳ Anh bị cơ quan chức năng phát hiện giết mổ gia súc tại nhà - Ảnh: HÀ ANH
Ngày 29-12, đoàn kiểm tra liên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp và kiểm soát giết mổ động vật của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phát hiện 3 trường hợp giết mổ gia súc tại nhà gồm: ông N.T.T. (ngụ thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng), ông N.Đ.B. và H.V.T. (cùng ngụ thôn Tiến Thành, xã Kỳ Khang).
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Ngay sau đó, UBND huyện Kỳ Anh đã ban hành các quyết định xử phạt 21 triệu đồng đối với ba trường hợp (mỗi trường hợp 7 triệu đồng) về hành vi "giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước cho phép".
Trước đó, vào giữa tháng 12-2022, Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cũng quyết định xử phạt hành chính đối với bà N.T.C. (ngụ tại xã Ích Hậu) và ông N.Q.T. (ngụ tại xã Tân Lộc) số tiền 14 triệu đồng về hành vi "giết mổ động vật tại địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép".
Được biết, bà C. và ông T. bị xử phạt vì có hành vi giết mổ heo tại nhà riêng.
Sáng 1-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hùng - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) - cho biết hiện nay việc quản lý giết mổ động vật được thực hiện theo quy định của pháp luật, các hành vi xử lý giết mổ được quy định theo nghị định 90 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Theo quy định, tất cả hoạt động liên quan đến giết mổ động vật để kinh doanh, buôn bán phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ tập trung được cấp phép để kiểm soát. Những hành vi giết mổ trái quy định, giết mổ tại nhà đều được kiểm tra để xử lý, trong đó có những trường hợp vừa qua bị cơ quan chức năng xử phạt.
"Việc kiểm soát tốt hoạt động giết mổ hạn chế được việc phát tán lây lan dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Đặc biệt thời điểm giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân càng được chú trọng" - ông Hùng nói.
Một số người dân lo lắng rằng họ giết mổ gia súc không nhằm mục đích kinh doanh mà sử dụng trong tiệc tùng trong gia đình liệu có bị xử phạt?
Ông Hùng cho rằng đối với những người làm nghề giết mổ, buôn bán chuyên nghiệp thì cần giám sát chặt chẽ, các điểm giết mổ không đảm bảo các quy định cần xử lý nghiêm. Đối với người dân, khi giết mổ gia súc đơn lẻ cũng cần tuân thủ các quy định, đến các cơ sở giết mổ tập trung để được cơ quan chức năng kiểm soát.
"Cần phải làm rõ hành vi giết mổ gia súc tại nhà dân. Nếu người dân chung đụng cũng là hành vi mua bán với nhau, còn giết mổ gia súc để phục vụ riêng cho gia đình cũng nên báo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn kiểm soát. Tùy vào từng tình huống, đối với người dân giết mổ gia súc tại nhà, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng xem xét, hướng dẫn và xử lý nghiêm túc theo quy định" - ông Hùng phân tích.
Cũng theo ông Hùng, nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan, hạn chế ảnh hưởng môi trường trong khu dân cư, nhất là dịp Tết Nguyên đán, ngành chức năng luôn khuyến cáo người dân đưa gia súc đến các cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát, không khuyến khích giết mổ gia súc tại nhà.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, định hướng đến năm 2030, tỉnh này sẽ có 58 cơ sở giết mổ. Sở sẽ chấn chỉnh, di dời các cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.
Xem thêm: mth.58051542110103202-ahn-iat-oeh-om-teig-iv-hnah-tahp-ux-ceiv-ev-ig-ion-hnit-ah/nv.ertiout