Làm sản phẩm chỉ xơ dừa - Ảnh: HÙNG ANH
Giữa trưa, trời đang nắng chang chang bỗng âm u, chuyển mưa. Anh Tư Bình (Trần Văn Bình, ấp Vĩnh Khánh, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) lao ra khoảng sân rộng đang phơi đầy ắp chỉ xơ dừa vàng óng, la lớn: "Ê! Coi chừng trời mưa nghen, mớ nào khô rồi thì gom đậy kín, để mắc mưa ướt, mất công phơi lại, cực thân".
"Xóm chỉ vàng"
Đứng nhìn mấy chị nhân công đang nhanh tay cào, gom đống chỉ xơ dừa đã phơi khô rồi phủ bạt ni lông che mưa, anh Bình nói: "Nghề này khỏe nhất là mùa nắng, sáng đem chỉ xơ dừa ra phơi, đến chiều là khô đạt chuẩn".
Anh Bình kể nghề làm chỉ xơ dừa xuất khẩu xuất hiện ở ấp Vĩnh Khánh từ sau năm 1990, đến nay đã trở thành nghề chủ lực giúp nhiều người hái ra tiền ở địa phương.
Theo ước tính của anh Bình, hiện tại ở xã An Thạnh có hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp, công ty sản xuất chỉ xơ dừa và các sản phẩm từ chỉ xơ dừa.
Chỉ xơ dừa sử dụng nguyên liệu là những chiếc vỏ dừa khô phế phẩm, nên khi các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa mọc lên thì kéo theo hàng trăm vựa thu mua dừa khô mở ra dọc hai bờ sông Thom để cung cấp vỏ dừa khô nguyên liệu cho nghề làm chỉ.
Nhiều cư dân ấp Vĩnh Khánh quả quyết người đầu tiên đem nghề chỉ xơ dừa về ấp là ông Sáu Nhu (Nguyễn Văn Nhu, sinh năm 1960). Trước năm 1990, ông Sáu Nhu chèo ghe đi mua bán gáo dừa, vỏ dừa từ Bến Tre sang Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang.
Những năm lặn lội mua bán các phế phẩm từ trái dừa, ông học được nghề làm chỉ xơ dừa từ những vỏ dừa khô bị quăng bỏ. Sau đó, sản phẩm bán được giá cao nhờ xuất khẩu.
Sau khi ông Sáu Nhu mở cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ăn nên làm ra, nhiều người trong xóm đến học hỏi rồi dần dà hình thành xóm chỉ xơ dừa Vĩnh Khánh.
Người ta kể hồi đầu tiên ông Sáu Nhu đến một công ty chuyên sản xuất, thu mua chỉ xơ dừa xuất khẩu ở thị xã Bến Tre xin học nghề và hợp tác cung cấp chỉ xơ dừa, nhưng bị nơi này thẳng thừng từ chối.
Dù tức trong bụng, ông Sáu Nhu vẫn dằn lòng xin được đi xem quy trình sản xuất chỉ xơ dừa để mở mang tầm mắt. Về nhà, ông đem những điều mắt thấy tai nghe ghi nhớ được trong đầu, thuê thợ vườn chế tạo, lắp ráp máy móc để đập vỏ dừa, kéo chỉ.
Lúc đó, ấp Vĩnh Khánh chưa có điện, tất cả máy móc của ông Sáu Nhu đều phải sử dụng động cơ dầu diesel. Riêng chiếc máy tước chỉ, ông Sáu lắp động cơ diesel D 15 thay mô tơ điện, vừa dễ sử dụng vừa dễ di chuyển khắp nơi, công suất đạt 500kg chỉ/ngày trong khi chi phí lắp ráp và hoạt động chỉ bằng 50% máy sử dụng điện.
Trong nhiều năm, các loại máy đập vỏ dừa, đánh chỉ, tước chỉ xơ dừa sử dụng dầu diesel do ông Sáu "sáng chế" được mọi người sử dụng rộng rãi. Đến khi điện lưới kéo về ấp, các loại máy chạy dầu "nghỉ hưu" và được thay thế bằng động cơ điện.
Anh Bình cho biết nghề làm chỉ xơ dừa gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên, vỏ dừa khô được cho vào máy đập, đánh tơi. Sau đó, cho vỏ dừa đã đập vào máy quay để đánh, tước lấy những sợi chỉ vàng óng từ xơ dừa.
Chỉ xơ dừa phải được phơi khô trước khi đóng thành kiện để cung ứng cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chỉ xơ dừa như thảm, nệm... để xuất khẩu. "Muốn có 1 tấn chỉ xơ dừa nguyên liệu, cần đến 8 thiên vỏ dừa khô (9.600 vỏ).
Tùy theo quy mô sản xuất, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi và nguồn nguyên liệu dồi dào, mỗi ngày một cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa có thể cho ra lò từ 5 đến 10 tấn chỉ khô.
Theo chỗ tui biết, mỗi năm làng nghề chỉ xơ dừa dọc sông Thom cung cấp hơn 40.000 tấn chỉ nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Nếu tính giá thấp nhất là 3.000 đồng/kg chỉ xơ dừa nguyên liệu, hằng năm những chiếc vỏ dừa khô phế phẩm mang lại cho "làng chỉ vàng" sông Thom hơn 120 tỉ đồng", anh Bình nói.
Bà Nguyễn Thị Châu, thợ phơi chỉ, cho biết ở "làng chỉ vàng" sông Thom, đàn ông có sức vóc thì vận hành máy đập vỏ dừa, máy đánh sợi, tách chỉ, đóng kiện chỉ xơ dừa thành phẩm.
Riêng thợ phơi chỉ xơ dừa phần lớn là phụ nữ, bởi đây là nghề nhẹ nhàng với công việc chủ yếu là cào, trở cho chỉ mau khô.
"Phơi khô 1 tấn chỉ nhận tiền công 270.000 đồng. Mùa nắng, mỗi ngày một nhân công có thể phơi khô 1,5 tấn chỉ xơ dừa. Mùa mưa vất vả hơn, nhiều khi 2-3 ngày mới phơi khô 1 tấn chỉ", bà Châu nói.
Một sân phơi chỉ xơ dừa ở Vĩnh Khánh - Ảnh: Hùng Anh
Chuyện "dòng sông đen" thành sông sạch
Nhưng "xóm chỉ vàng" sông Thom cũng từng có thời gian dài trả giá cho sự giàu có. Trở lại quá khứ, từ trước năm 2010, khi "xóm chỉ vàng" làm ăn phát đạt, cư dân sinh sống bên dòng sông Thom đã la làng vì tình trạng ô nhiễm rất nghiêm trọng kéo dài do mụn dừa - phế phẩm trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa.
"Trong nhiều năm, nước sông Thom trở nên đen ngòm, bốc mùi hôi do hằng ngày phải hứng chịu hàng trăm tấn mụn dừa từ các cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa đổ xuống.
Các cơ quan hữu trách liên tục kiểm tra và xử phạt, nhưng chủ cơ sở chấp nhận đóng tiền phạt để đổ mụn dừa xuống sông vì tiền phạt nhẹ hều và họ không có cách nào để giải quyết mụn dừa" - anh Võ Văn Hùng, cư dân xã An Thạnh, nhớ lại.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, khoảng 3,3 thiên vỏ dừa khô (4.000 vỏ) sau khi tách lấy chỉ sẽ cho ra 1 tấn mụn dừa phế thải.
Mỗi năm, các cơ sở, doanh nghiệp chỉ xơ dừa Bến Tre thải ra môi trường hơn 140.000 tấn mụn dừa (hơn 50% từ chợ dừa sông Thom), gây ô nhiễm nghiêm trọng, khiến các cơ quan hữu trách rất đau đầu.
Gần đây, chính quyền và các cơ quan hữu trách của Bến Tre đã có nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp biến mụn dừa phế thải vô giá trị trở thành sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.
Đó là việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật loại bỏ các chất có hại trong mụn dừa, biến mụn dừa thành các sản phẩm đất sạch, giá thể thay thế đất, phân hữu cơ chất lượng cao... phục vụ các làng hoa kiểng, nhân giống cây trồng ở Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) và xuất khẩu.
Theo ông Đặng Văn Cử (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre), mụn dừa là chất phế thải có giá trị 0 đồng/kg nhưng khi trở thành nguyên liệu sản xuất thì được thu mua với giá 2.300 đồng/kg.
Lúc mụn dừa được xử lý trở thành đất sạch, làm khô và ép thành viên đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì có giá bán 4.200 đồng/kg.
Sản phẩm đất sạch sau khi phối trộn thêm các vi sinh vật hữu ích, các loại khoáng vi lượng và đa lượng, các vật liệu hữu cơ chất lượng cao thì trở thành phân bón hữu cơ cao cấp. Sản phẩm này được cung ứng cho các khu nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, trồng rau an toàn, trồng hoa kiểng... với giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Khi mụn dừa không còn gây ô nhiễm, dòng sông Thom lại trở nên trong lành. Anh Hùng cho biết chợ nổi sông Thom chỉ mua bán một mặt hàng là trái dừa khô, từ vỏ dừa đến gáo dừa đều được tận dụng nên hầu như không còn rác thải từ nghề chế biến dừa xả xuống dòng sông như những năm trước.
Người dân Bến Tre chịu ơn cây dừa biết bao nhiêu...
"Những chiếc tàu du lịch hoạt động trên chợ nổi sông Thom đều có giỏ đựng rác, du khách ý thức giữ vệ sinh, không ném rác xuống sông. Riêng cư dân sống dọc hai bờ sông, rất nhiều người bị ám ảnh chuyện con sông một thời nước đen kịt bốc mùi hôi hám, chẳng còn ai xả rác xuống sông vì trên bờ có xe đi lấy rác", anh Hùng tâm sự.
Ở các vựa thu mua, chế biến dừa khô dọc đôi bờ sông Thom, tôi thấy thợ lột vỏ, cạy cơm, gọt dừa, người nào cũng có chiếc bình lạnh đựng nước uống. Tôi cứ đinh ninh thợ hằng ngày lăn lóc cùng trái dừa thì nước giải khát trong bình phải là nước dừa.
Xem thêm: mth.18694505020103202-ob-tav-aud-ov-ut-uhp-it-hnaht-iouc-yk-ert-neb-ion-aud-ohc-oad-cod/nv.ertiout