Sáng 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương. Đây là Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương nhằm tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tại hội nghị, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ cụ thể.
Xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ
Trong 11 nhóm nhiệm vụ, nội dung đầu tiên được Chính phủ nhấn mạnh là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống.
Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam …); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết, cấp bách.
Tập trung ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.
Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý. Có giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.
Thứ 2, tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch.
Chủ động phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh mới có thể xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Thứ 3, tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Chú trọng và phát huy hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Tăng cường theo dõi, đánh giá, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương.
Đẩy mạnh thoái vốn tại DNNN
Vấn đề thứ 4 trong Dự thảo, Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và các quy định liên quan cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ 5, đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai quyết liệt giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Khẩn trương thực hiện cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước theo lộ trình, tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
Thứ 6, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn.
Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm. Tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023.
Thứ 7, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Giải quyết hiệu quả, cơ bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai tự chủ đại học hiệu quả, đi vào thực chất.
Thứ 8, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Nâng cao năng lực hệ thống, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị của tất cả các tuyến.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, giá dịch vụ y tế. Quan tâm thúc đẩy phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế khu vực ngoài Nhà nước. Hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thứ 9, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Thứ 10, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Triển khai hiệu quả chương trình đối ngoại cấp cao năm 2023. Nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Cuối cùng, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, góp phần truyền cảm hứng, tạo niềm tin, đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.