Sáng ngày 3-1, Quận ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam quận 1, TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Tham dự lễ có các cán bộ lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các chiến sĩ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu thân 1968.
Bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1 phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Tại buổi họp mặt, bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1 đã phát biểu ôn lại chiến thắng hào hùng của dân tộc ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Bà Châu xúc động nói: "Hôm nay, trong buổi họp mặt này, có những đồng chí đã từng trực tiếp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đại diện gia đình của các liệt sĩ đã nằm xuống với đất mẹ, những đồng chí đã phải để lại một phần cơ thể nơi chiến trường khốc liệt. Đảng bộ, chính quyền quận 1 xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với những đóng góp công sức và cả máu xương để cùng viết nên thiên anh hùng ca Xuân Mậu Thân 1968 đầy tự hào".
Cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa nhân chứng lịch sử tham gia cuộc Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với đại diện thế hệ trẻ quận 1. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Theo bà Châu, đây là dịp để cùng ôn lại truyền thống, tri ân các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các gia đình và nhân dân đã từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Qua đó, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. "Thế hệ hôm nay sẽ tiếp bước cha anh gánh vác sứ mệnh lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới” - bà Châu chia sẻ.
Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Lai (hay còn gọi Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.Som) là cán bộ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ, được giao nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch, tại cơ quan đầu não như Dinh Độc Lập (Phủ Đầu Rồng). Đóng vai nhà thầu khoán trong Dinh Độc Lập, dùng tên giao dịch là Mai Hồng Quế, tại đây anh hùng Trần Văn Lai đã thu thập được bản đồ, họa tiết thiết kế xây dựng các công trình cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn phục vụ yêu cầu hoạt động của biệt động Sài Gòn.
Tại buổi họp mặt, đại diện thế hệ trẻ quận 1, em Trần Trọng Nhân (14 tuổi), cháu nội của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT) Trần Văn Lai chia sẻ, cách đây 5 năm, em vinh dự được thực hiện công việc hướng dẫn, giới thiệu cho khách tham quan du lịch về ý nghĩa lịch sử của những kỷ vật thời ông nội hoạt động trong lòng địch để lại ở căn nhà 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM - nơi đặt hộp thư bí mật và hầm nổi của lực lượng biệt động Sài Gòn.
"Khi thuyết minh ý nghĩa về những kỷ vật của ông nội và các cô chú biệt động Sài Gòn, đặt biệt là trong cuộc nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, em cảm thấy rất tự hào. Em luôn tự nhủ với lòng sẽ cố gắng đền đáp công lao của các chiến sĩ, các anh hùng đã hy sinh để giành độc lập hôm nay" - Trọng Nhân bày tỏ.