Philip Noel Johnson sinh năm 1964 ở Atlanta, trong gia đình nghèo đông con, cha bỏ đi. Cả gia đình sống nhờ tiền trợ cấp trong khu nhà ở xã hội tồi tàn. Johnson lên 8 thì nối gót cha, sống phiêu bạt từ New York đến Pennsylvania.
Sau này, tại New Yorrk, Johnson được một người dì cưu mang. Johnson thông minh và tỉ mỉ, đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi SAT, học ngành tội phạm học với mong muốn trở thành cảnh sát.
Nhưng để có được một công việc cảnh sát là khó khăn với Johnson. Anh đảm nhận nhiều công việc lặt vặt khi tiếp tục nộp đơn vào nhiều cảnh sát ở miền Nam. Nhiều năm trôi qua, Johnson bực bội khi đơn bị từ chối.
Johnson sau đó làm bảo vệ xe bọc thép tại Công ty Loomis Fargo, kiếm được 7 USD một giờ. Làm 10 năm, Johnson trở nên cay đắng khi nhận ra thiếu phúc lợi trong công việc và hơn hết là tiền lương thấp.
Đồng nghiệp nhìn nhận anh như người nóng nảy, tiêu cực, cô đơn nhưng thông minh và tỉ mỉ. Johnson sau đó làm chuyện "động trời": Trộm xe bọc thép chở tiền của chính công ty đang làm việc.
Khoảng 19h thứ bảy, ngày 29/3/1997, trụ sở công ty trống vắng ngoại trừ hai lính canh khác, James Brown và Dan Smith. Johnson rút khẩu súng lục ổ quay do công ty trang bị về phía đồng nghiệp, tước vũ khí, còng tay và cùm họ trên sàn.
Tiếp theo, anh ta vào một chiếc xe tải chất đầy tiền mặt, xóa đoạn băng ghi hình khỏi hệ thống giám sát... Sau đó, anh ta bình tĩnh lái xe rời khỏi kho tiền với 18,8 triệu USD (gần 35 triệu USD ngày nay) ở phía sau. Vụ cướp của Johnson trở thành vụ cướp lớn nhất lịch sử Mỹ tính đến thời điểm đó, xét về giá trị.
Johnson đưa hai đồng nghiệp đi cùng, hướng dẫn cả hai nằm trên đống tiền và giữ im lặng. Johnson thận trọng về những gì sẽ lấy. Tiền xu, séc, tiền lẻ và các cọc tiền đã đánh dấu bị bỏ lại. Phần lớn tiền mặt đến từ tiền gửi trong ngày từ các nhà hàng thức ăn nhanh, tạp hóa và cửa hàng tiện lợi, vì vậy tất cả không được đánh dấu và không theo trình tự, khiến cho việc theo dõi việc tiêu tiền sau đó là không thể.
Johnson đã đánh cắp gần nửa tấn tiền mặt nhưng không thể đem gửi ngân hàng vì khi đó, tất cả các khoản tiền gửi trên 10.000 USD phải được báo cáo bởi tổ chức tài chính chấp nhận số tiền đó. Johnson cần nơi nào đó an toàn, khô ráo và chắc chắn, rộng rãi.
Điểm dừng chân đầu tiên là ngôi nhà ba phòng ngủ của mình cách nơi làm việc khoảng một km. Tại đó, anh ta còng tay đồng nghiệp Brown trong tủ quần áo và lái đi với Smith, đồng nghiệp thứ hai, vẫn nằm trong xe. Hai người đi hàng giờ đồng hồ, cuối cùng dừng lại ở một khu vực nhiều cây cối gần Asheville, North Carolina. Tại đây, Johnson còng tay Smith vào cây và hứa sẽ báo cho chính quyền về vị trí này trong vòng 48 giờ.
Cả hai đồng nghiệp này đều được anh ta cung cấp thức ăn nhẹ và nước uống. Johnson lái xe đi tiếp, cất giữ phần lớn số tiền 18,8 triệu USD trong nhà kho ở Mountain Home, North Carolina.
Johnson giữ đúng lời hứa với Smith khi gọi điện báo chính quyền "có một người đàn ông bị còng tay vào cây". Song Johnson không biết chỉ trong vài giờ, Smith đã có thể mở khóa còng tay bằng con dao nhíp và tự báo cảnh sát.
Các cảnh sát địa phương và đặc vụ FBI đã tràn vào nhà Johnson, giải cứu cho Brown. Bằng chứng thu thập được tại nhà Johnson khiến các nhà điều tra tin rằng, vụ cướp đã được lên kế hoạch trong ít nhất 4 năm.
Chính quyền đã treo thưởng 500.000 USD cho thông tin về số tiền bị đánh cắp và cuộc săn lùng Johnson bắt đầu nóng bỏng ở Asheville, Bắc Carolina, nơi chiếc xe tải xuất hiện trong bãi đậu xe của Lực lượng Vệ binh Quốc gia vào buổi sáng sau vụ cướp.
FBI tin rằng Johnson đã mua vé trên chuyến xe buýt Greyhound đến Mexico. Sử dụng giấy tờ tùy thân giả, dường như anh ta đã trượt qua biên giới và gần như biến mất. FBI tìm thấy bằng chứng cho thấy Johnson đã ở vài đêm ở Mexico.
Cuộc sống chui lủi của Johnson kéo dài 5 tháng và kết thúc sáng 30/8 khi đang trà trộn vào đám khách du lịch trên xe buýt để sang Mexico. Tại cửa khẩu biên giới, sĩ quan hải quan Mexico nhìn vào thanh niên đứng trước mặt mình và đặt một câu hỏi đơn giản đã nói hàng chục nghìn lần: Mục đích chuyến thăm Mexico của bạn là gì?
"Đi thăm bạn bè", người đàn ông trả lời, biểu cảm mặt và giọng nói run rẩy của anh ta khiến sĩ quan này nghi ngờ. Không hài lòng với câu trả lời của anh ta, sĩ quan này ép vị khách du lịch cung cấp thêm thông tin, đồng thời cũng bốc máy báo động cho đồng nghiệp về trường hợp đáng ngờ.
Vị khách bối rối này chính là Johnson. Anh ta bị bắt và giao nộp cho FBI, khi đang mang theo 10.714 USD tiền mặt (65.000 USD khác đã được gửi vào 8 tài khoản ngân hàng Mexico) cũng như một số thẻ căn cước và giấy khai sinh giả. Trong số 19 triệu USD bị đánh cắp, tất cả đã được tìm thấy trong một cơ sở lưu trữ tư nhân ở Bắc Carolina.
Ngày 20/1/1999, Johnson nhận tội Bắt cóc, Rửa tiền và Can thiệp thương mại giữa các tiểu bang bằng bạo lực và bị kết án 25 năm tù.
"Tôi chỉ cần 1-2 triệu USD cho bản thân mình. 20% số tiền để giúp đỡ người nghèo ở Trung Mỹ và tôi sẽ trả lại 80% cho Loomis Fargo nếu họ thay đổi cách đối xử với nhân viên của mình", Johnson sau đó nói về nguyên nhân cướp.
Trong khi đó, Loomis Fargo tiếp tục trải qua một năm kinh doanh đầy sóng gió. Sau khi Johnson đánh cắp 18,8 triệu USD từ công ty vào tháng 3, sáu tháng sau một nhân viên khác đã đánh cắp thêm 17,3 triệu USD khác từ kho tiền ở Bắc Carolina.
Trong vòng nửa năm, Loomis Fargo đã phải hứng chịu hai vụ cướp tiền mặt lớn nhất trong lịch sử Mỹ và trớ trêu thay đều do chính nhân viên của công ty gây ra, để phản đối chế độ đãi ngộ tệ hại.
Philip Johnson được trả tự do vào tháng 10/2019 sau 21 năm ngồi tù.
Hải Thư (Theo ATI, Jackson Ville Mag, LATimes)
Xem thêm: lmth.7035554-dsu-ueirt-02-nag-ohc-peht-cob-ex-pouc-neiv-nahn-yt-gnoc-tehg-uht/ten.sserpxenv