Kinh tế năm 2022 phục hồi ấn tượng
Chưa hết những tác động nặng nề của các đợt dịch Covid-19, năm 2022, kinh tế Việt Nam lại phải hứng thêm những cơn gió ngược từ sự bất ổn của kinh tế toàn cầu bởi xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng địa chính trị.
Nhờ việc kịp thời chuyển hướng sang phòng chống đại dịch linh hoạt, hiệu quả, hầu hết các hoạt động kinh tế của Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới. Và cũng nhờ nhanh chóng bao phủ vắc-xin mà Việt Nam đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế từ tháng 3/2022, tạo đà phục hồi kinh tế - xã hội trên cả nước.
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đạt được mục tiêu tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nội tại cũng như những thách thức từ bên ngoài. Kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và bứt phá mạnh mẽ trong những tháng còn lại.
Kinh tế Việt Nam như con tàu đang vượt sóng, vững vàng trước cơn gió ngược.
Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi trong bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế được duy trì bởi nhiều yếu tố quan trọng như ổn định chính trị, nền tảng vĩ mô vững chắc và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn của thương mại trong nước và quốc tế do ảnh hưởng bởi đại dịch. Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu dần khôi phục góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nhưng chi phí đầu vào cao vẫn kìm hãm sự phục hồi của ngành này.
Vào trung tuần tháng 9/2022, ADB đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. Tuy nhiên, theo số liệu mà cơ quan thống kê Việt Nam vừa công bố, tăng trưởng GDP cả năm qua đã đạt tới 8,02%. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Nói một cách hình tượng, kinh tế Việt Nam như con tàu đang vượt sóng, vững vàng trước cơn gió ngược.
Rủi ro từ bên ngoài và những thách thức nội tại
Năm 2022 là một năm có nhiều biến động trên thế giới. Căng thẳng địa chính trị gia tăng và việc các nền kinh tế tiên tiến thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát làm suy giảm nhu cầu hàng nhập khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Những yếu tố rủi ro bên ngoài này đang thách thức triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 và trong trung hạn.
Áp lực lạm phát đang đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu vào cơn suy thoái. Nhằm kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tiếp nâng lãi suất. Việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt ở các nền kinh tế tiên tiến có thể gây rủi ro cho sự ổn định tài chính toàn cầu. Quyết định nâng lãi suất của Fed khiến đồng USD mạnh lên và đồng tiền của nhiều quốc gia khác yếu đi, gia tăng nguy cơ dòng vốn ngoại bị rút ra.
Thắt chặt tiền tệ cũng làm cho tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc chậm lại. Những nền kinh tế này lại là thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu. Số liệu thống kê tháng 11 - 12/2022 cho thấy, lượng hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường đó giảm rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng dẫn đến không đủ việc làm cho người lao động.
Thêm vào đó, chính sách phòng chống dịch của Trung Quốc đã có những tác động tiêu cực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc không chỉ cản trở hàng xuất khẩu của Việt Nam sang nước này, mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước.
Ngoài các yếu tố rủi ro từ bên ngoài, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những thách thức nội tại, bao gồm việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, các vấn đề của thị trường tài chính và thị trường lao động. Nếu không có các giải pháp kịp thời và hiệu quả, những vấn đề nội tại này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.
Tháo gỡ những nút thắt và hỗ trợ doanh nghiệp
Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cho đến thời điểm này là rất đáng ghi nhận. Chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt cùng với việc triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ đối với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế, giáo dục đã góp phần quan trọng trong kiểm soát lạm phát dưới mức trần 4% trong năm 2022. Mặc dù vậy, thắt chặt tín dụng cũng làm khó cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Để kinh tế phục hồi, phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là khơi thông dòng tín dụng ngân hàng đối với các lĩnh vực được ưu tiên. Trước hết, đẩy nhanh giải pháp tiền tệ thông qua gói hỗ trợ lãi suất 2% trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và kêu gọi các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, dư địa để sử dụng giải pháp tiền tệ hiện tại không nhiều, vì áp lực lạm phát toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh lãi suất điều hành và các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động. Việc đưa lãi suất cho vay về mức thấp hơn có thể nói là không khả thi.
Vì vậy, chính sách tài khóa nên tiếp tục được thực hiện như miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp. Thời gian qua, việc triển khai chính sách tài khóa, miễn giảm thuế, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP đã cho thấy tác động tích cực đến các doanh nghiệp. Hơn nữa, chính sách tài khóa hiện còn nhiều dư địa, vì ngân sách nhà nước đang thặng dư.
Thị trường vốn ở Việt Nam chưa hoàn toàn bắt nhịp với thị trường tiền tệ, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu bộc lộ một số vấn đề bất cập trong quản lý, cần hoàn thiện các kênh huy động vốn này để ổn định thị trường và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Về thị trường lao động, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lao động tìm cách trở về quê, không những tạo áp lực rất lớn trong việc đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho nhóm lao động này ở các địa phương nơi họ trở về, mà còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng đủ lao động để duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh khi toàn bộ xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, cần tăng cường các biện pháp an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách và biện pháp cho nhóm người lao động trong lĩnh vực không chính thức.
Cơ hội và triển vọng năm 2023
Triển vọng kinh tế năm 2023 sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của kinh tế toàn cầu, với những hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài, rất khó đoán định. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt vào quý II/2023 và ít có khả năng kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại là tin tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dòng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ được khơi thông.
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước cùng với dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch của nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới sẽ thúc đẩy ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Với sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, cũng như vị trí địa lý thuận lợi và môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố hồi tháng 10/2022, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Với những nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, các doanh nghiệp công nghệ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả từ kinh tế số, xã hội số.
Đáng lưu ý, tiêu dùng và thương mại toàn cầu đang hướng tới những tiêu chuẩn gắn liền với các tiêu chí bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Xu hướng này vừa là một thách thức mới trong hội nhập kinh tế thế giới, nhưng cũng đang mở ra cho Việt Nam cơ hội phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trên thế giới cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có rất nhiều khuôn khổ, nền tảng hợp tác cũng như hỗ trợ tài chính và công nghệ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng sạch và phát triển bền vững. Nắm bắt cơ hội này, Việt Nam cũng như những quốc gia đang phát triển khác trong khu vực sẽ có thêm nguồn lực để chuyển đổi năng lượng sạch hướng tới một nền kinh tế ít phát thải các-bon và hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.