Được mô tả là các doanh nghiệp quá lớn để sụp đổ (too-big-to-fail), những doanh nghiệp này có tác động to lớn tới thị trường bất động sản Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tình trạng suy thoái chưa có dấu hiệu kết thúc, Trung Quốc đang tính tới các giải pháp để hỗ trợ những doanh nghiệp này.
Nguồn tin cho biết Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc đã nói với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán hồi tuần trước về việc hỗ trợ củng cố bảng cân đối kế toán của một số doanh nghiệp bất động sản “quan trọng với hệ thống”. Để đủ điều kiện, những công ty này cần có báo cáo tài chính đáng tin cậy và không có vi phạm nghiêm trọng, bao gồm cả không thể trả nợ trái phiếu.
Nguồn tin từ chối nêu tên cho biết các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý có thể lập danh sách về cái gọi là các nhà phát triển bất động sản “chất lượng” dựa trên các tiêu chí và sự tuân thủ của họ với các quy định. Việc hỗ trợ có thể là vốn, các khoản vay, cho phép thành lập quỹ tín thác đầu tư bất động sản và thúc đẩy các hoạt động mua lại.
Chỉ thị mới nhất nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản mạnh nhất trong lúc thị trường sa lầy vào suy thoái kỷ lục và khủng hoảng thanh khoản ngày càng sâu sắc. Đồng nghĩa với đó, Trung Quốc sẵn sàng để cho những doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn sụp đổ.
Trước đó, trái phiếu bằng đồng USD của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã tăng mạnh sau khi nước này phát tín hiệu "cứu bất động sản". Kể từ 31/10 tới nay, mức tăng đã lên tới 69%. Các chính sách hỗ trợ, được thực hiện từ tháng 11/2022 đã phát huy hiệu quả. Bản thân Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng mô tả bất động sản là “trụ cột” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Dữ liệu của Bloomberg thì cho thấy Trung Quốc có hơn 100 doanh nghiệp bất động sản được niêm yết trên sàn chứng khoán với giá trị thị trường ít nhất đạt 1 tỷ USD có đánh giá kiểm toán không đủ tiêu chuẩn để được hỗ trợ. Tuy nhiên, tên của những doanh nghiệp này sẽ không được công bố, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Nhà chức trách Trung Quốc chưa lên tiếng về những thông tin này.
Dù có những tín hiệu lạc quan nhưng sóng gió có lẽ vẫn chưa qua đối với thị trường bất động sản ở quốc gia tỷ dân. Ngay cả với những biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, doanh số bán nhà của Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm trong tháng 12, giảm 31% so với một năm trước đó. Thực trạng này một lần nữa cho thấy những thách thức trong việc đảo ngược tình trạng suy thoái khi mà số ca mắc Covid-19 tăng vọt do chính sách mở cửa trở lại.
Trước đó, các biện pháp quản lý thị trường bất động sản mạnh mẽ của Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao lâm vào tình trạng vỡ nợ như China Evergrande Group và Sunac China Holdings Ltd. Những doanh nghiệp này đã nhiều lần lỡ hạn thanh toán trái phiếu, bao gồm cả những thời hạn mới do chính họ đặt ra.
Tham khảo: Bloomberg