Tăng khuyến mãi, kích cầu mua sắm
Gần 54% doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch. Kết quả khảo sát do Vietnam Report thực hiện gần đây cho thấy, sự tăng trưởng của ngành bán lẻ đã đóng góp rất lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, nhiều nhóm hàng có sức mua và lượng khách hàng đến các điểm bán đã tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Nhu cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Do đó, đây được coi là thời điểm mua sắm sôi động nhất để kích cầu, các doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai nhiều chương trình.
Nguồn cung và giá xăng dầu ổn định đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, giữ giá cả và thực hiện nhiều hơn các chương trình khuyến mãi.
Ngành bán lẻ đang có nhiều điều kiện để tăng tốc trong mùa mua sắm sôi động nhất năm. Ảnh minh họa.
Tại một hệ thống bán hàng đã dành hơn 6.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết. Tất cả các điểm bán trên khắp cả nước cũng đều đã hoàn thành việc dự trữ hàng hoá tăng từ 30 - 50% so với thông thường. Việc sớm hoàn thành kế hoạch dự trữ nguồn hàng không chỉ giúp tránh nguy cơ khan hiếm hàng hóa, mà còn giúp đơn vị có thời gian rà soát chất lượng, tăng chương trình khuyến mãi để kích cầu.
Một doanh nghiệp cũng cho biết đã đồng loạt tung 12.000 sản phẩm Tết được giảm giá từ 10 - 50% ngay khi kỳ nghỉ Tết Dương lịch bắt đầu và chạy khuyến mại đến những ngày cuối cùng của năm âm lịch, doanh nghiệp kỳ vọng doanh số có thể tăng trưởng trên 20%.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh cho biết: "Mức tăng trưởng năm nay tập trung ở hàng thiết yếu. Vì có dự báo trước nên từ 6 tháng trước chúng tôi đàm phán với nhà cung cấp để có sự kết nối liên thông, giá cả ổn định".
Tái cơ cấu nhóm ngành hàng, ưu tiên giới thiệu sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, sắp xếp các đợt giảm giá riêng theo thứ tự ưu tiên mua sắm, đẩy mạnh bán hàng đa kênh, Lotte Mart Việt Nam cũng nhận định, sức mua đang tăng từng ngày.
"Chúng tôi cũng hy vọng Tết năm nay bức tranh tăng trưởng của chúng tôi sẽ tăng 30% so với năm trước. Hy vọng rằng 2023 có sự cải thiện và nhanh chóng trở về mức bình thường như những năm trước", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam cho hay.
Bà Huỳnh Thị Phương Vân - Quản lý cấp cao Truyền thông và Sự kiện, Siêu thị MM Mega Market cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng trên 20% và tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm. Chính vì vậy lượng hàng hoá chúng tôi chuẩn bị sẽ đầy đủ và phù hợp hơn với người tiêu dùng".
Các doanh nghiệp cho biết, điểm thuận lợi của mùa kinh doanh Tết năm nay là nhờ vào sự ổn định của thị trường, doanh nghiệp giữ nguyên hoặc tăng mức thưởng Tết cho người lao động nên đã tác động tới tâm lý và hành vi mua sắm của đa số người tiêu dùng.
Doanh nghiệp bình ổn tăng nguồn hàng, giữ giá bán dịp Tết
Bên cạnh các chương trình khuyễn mãi, kích cầu, để giá cả ổn định, hạn chế tình trạng đầu cơ đẩy giá, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cùng với các doanh nghiệp đã rất chủ động triển khai các giải pháp.
Như tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thậm chí còn chuẩn bị hàng hoá vượt số lượng đăng ký để sẵn sàng cung ứng cho thị trường nếu có biến động.
Tại mỗi điểm bán hàng hoá, hàng bình ổn luôn có vị trí quan trọng, trung tâm và dễ nhìn nhất để người tiêu dùng dễ mua sắm. Lượng hàng chiếm từ 25 - 43% nhu cầu thị trường; giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10%.
Đăng ký cung ứng cho thị trường khoảng 1 triệu - 1,5 triệu trứng mỗi ngày trong cao điểm Tết Nguyên đán, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng chủ động ký hợp đồng tăng số lượng thu mua trứng từ các trang trại chăn nuôi để đủ khả năng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng 30 - 50% trong tháng Chạp.
"Đối với doanh nghiệp bình ổn giá, việc thiếu hàng là việc tuyệt đối không được phép. Vì vậy, chúng tôi luôn chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, không lo thiếu. Giá cả bình ổn, không tăng trước và sau Tết", ông Trương Trí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết.
Doanh nghiệp bình ổn sẽ tăng nguồn hàng, giữ giá bán dịp Tết. Ảnh minh họa.
Tăng nguồn cung hàng bình ổn, nhiều đơn vị cũng lên phương án tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động, triển khai chương trình khuyến mãi sâu 30% - 50% vào những ngày giáp Tết.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Súc sản kỹ nghệ Việt Nam nói: "Thực phẩm tươi sống tăng 33% so với năm trước, thực phẩm chế biến tăng khoảng 8% so với năm trước. Chúng tôi cũng chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng và người lao động để cuối năm có điều kiện mua sắm".
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp bình ổn đã chuẩn bị nguồn vốn khoảng 22.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hoá. Sản lượng hàng tăng từ 15 - 20%.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay hàng hoá tương đối dồi dào. Việc kiểm soát giá và giữ giá theo giá bình ổn trước và trong Tết vẫn đang được thực hiện. Các doanh nghiệp bình ổn không được tăng giá trong giai đoạn trước, trong và sau Tết".
Bên cạnh đó, hàng loạt hoạt động xúc tiến tiêu dùng, hội chợ giảm giá, kết nối cung cầu, tôn vinh hàng Việt… đang đồng loạt diễn ra để kéo sức mua. Ngoài sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương, đặc sản các vùng miền cũng quy tụ về để phục vụ người dân.
Năm vừa qua, ngành bán lẻ Việt Nam chịu nhiều tác động từ kinh tế thế giới. Các giải pháp bình ổn giá đã phát huy tác dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng vừa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cuối năm và được vay vốn lãi suất ưu đãi. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp bán lẻ có nhiều điều kiện bứt tốc ngay những ngày đầu năm và triển vọng bứt phá trong năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96415315050103202-gnod-ios-mas-aum-aum-oav-el-nab-hnagn/et-hnik/nv.vtv