Như vậy, phép màu mà hàng triệu người hy vọng đã không đến với bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), nạn nhân bị rơi vào trụ bê tông rỗng tại công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh 857, xã Phú Lợi). Lực lượng cứu nạn cứu hộ đã thay đổi phương án cứu hộ để đưa thi thể bé trai lên khỏi lòng đất. Chính quyền đang bàn bạc hỗ trợ giúp gia đình chuẩn bị an táng.
Nỗ lực đưa thi thể bé Hạo Nam lên khỏi lòng đất
Trao đổi với báo chí, ông Đoàn Tấn Bửu khẳng định sau khi có sự hội chẩn với các đơn vị chuyên môn và gia đình, có đủ căn cứ xác định bé Hạo Nam đã tử vong. Do đó, phương án đưa thi thể bé từ cọc ống được triển khai. Đây là biện pháp mà các đơn vị phải nỗ lực, vì thi thể bé phải được đưa lên bằng mọi cách sớm nhất để làm tang sự.
"Với các đơn vị, đảm bảo đủ điều kiện để đưa cọc ống lên. Các cơ quan chức năng khẩn trương trưng cầu ý kiến chuyên gia cũng như các đơn vị trong và ngoài nước có kỹ thuật tốt nhất để thực hiện phương án này. Đây là tình huống rất nặng nề, khó khăn mà các đơn vị đã dốc hết sức mình và có sự trợ giúp của các chuyên gia, các đơn vị có thiết bị chuyên dụng, cũng như có kinh nghiệm để sớm kết thúc cứu hộ, đưa cọc ống lên", ông Bửu nói.
Trả lời câu hỏi căn cứ vào đâu để khẳng định bé Nam đã tử vong, ông Bửu cho biết đã có sự phối hợp liên ngành giữa pháp y, y tế và chính quyền địa phương đánh giá hiện trạng tại vị trí bé bị tai nạn rơi vào ống cọc có độ sâu, kéo dài hơn bốn ngày.
"Vì không được cứu hộ trong thời gian dài, ở độ sâu thông khí chấn thương và có đánh giá bằng biện pháp quan sát hiện trường và kết hợp các chuyên môn khác, để tiên lượng xấu ở giai đoạn đầu", ông Bửu nói.
Cũng theo ông Bửu, trước đây ưu tiên là vừa cứu hộ vừa bảo tồn, duy trì nhưng điều kiện duy trì cho bé đã kết thúc, vì có bằng cớ rõ ràng đã tử vong. "Do đó chúng ta có đủ điều kiện thay đổi biện pháp cứu hộ cho phù hợp" - ông nói.
Vì sao việc cứu hộ bị chậm?
Ngày 4-1, ngày cứu hộ thứ 5 kể từ khi xảy ra vụ tai nạn, các cơ quan chức năng đã phong tỏa trong bán kính khoảng 500m hiện trường để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho công tác cứu hộ. Trước đó, từ tối 3-1 đến ngày 4-1, các lực lượng cứu hộ vẫn ưu tiên sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn phá vỡ các kết cấu rắn chắc của đất.
Trả lời câu hỏi lý do nhiều lần "lỡ hẹn" thời gian rút trụ bê tông, ông Bửu cho biết việc xuyên thấu đến 35m đã gặp phải các tầng đất mà xung quanh có nhiều cọc khác nên độ nén đất rất lớn, tầng đất rắn chắc, bám dính mà trong lòng ống hẹp rất khó thực hiện các giải pháp, kỹ thuật. "Dù tham khảo ý kiến chuyên gia nhưng làm tới đâu, đảm bảo an toàn đến đó nên chậm hơn so với dự kiến, cam kết của mình", ông Bửu giải thích.
Liên quan trách nhiệm của đơn vị liên quan, ông Bửu cho biết các đơn vị đang nỗ lực kết thúc sớm công tác cứu nạn cứu hộ, giải quyết khó khăn của gia đình. "Còn trách nhiệm của cơ quan chuyên môn liên quan sự cố công trình này sẽ được cập nhật để có cách giải quyết thế nào là phù hợp theo quy định pháp luật. Sắp tới đây khi công trình tiếp tục thực hiện, địa phương phải làm sao kiểm soát được khâu an toàn công trình", ông Bửu khẳng định.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết trong quá trình thi công công trình trên đường bộ đơn vị thi công phải bố trí báo hiệu, rào chắn tạm thời tại nơi thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Theo luật sư Nhật, trách nhiệm chính thuộc về nhà thầu thi công xây dựng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ vụ việc để xác định trách nhiệm (hình sự, dân sự…) của các bên liên quan.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng trong những năm qua, nhiều tai nạn xảy ra trong các công trường xây dựng, do sự cẩu thả của một số cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý. Vụ việc lần này đã gióng lên một hồi chuông về an toàn trong xây dựng.
"Qua sự việc này chúng ta cần phải có các đợt cao điểm để tuyên truyền, phòng ngừa tai nạn lao động, để có những giải pháp xuất phát từ chủ đầu tư công trình, kỹ sư, công nhân, lẫn người dân ở gần các công trình để không xảy ra các sự việc thương tâm như thế này nữa" - ông Tú nói.
Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm
Theo nhiều người dân địa phương, trong quá trình thi công, đơn vị thi công có giăng dây xung quanh công trường nhưng rất sơ sài. "Do nơi làm cầu nằm sát lộ và cạnh ruộng của người dân nên thỉnh thoảng một vài người đi mần ruộng cũng ra vào công trường được. Nhưng không hiểu sao bảo vệ lại cho đám trẻ lọt vào nơi nguy hiểm như thế" - ông H.N., một người dân địa phương, thắc mắc.
Ông Đoàn Tấn Bửu cũng thừa nhận chủ đầu tư đã nhắc nhở đơn vị thi công phải gắn thiết bị cảnh báo, rào chắn xung quanh công trình này nhưng các em bé lại chui vào công trình dù có giăng dây nên mới xảy ra vụ tai nạn rất hy hữu như vậy. "Đây là rủi ro ngoài ý muốn. Tuy nhiên để xảy ra vụ tai nạn này, trách nhiệm thuộc về thi công", ông Bửu nói.
Xót xa
Vậy là bé Hạo Nam đã không còn sống.
Tối qua, tại hiện trường cứu nạn, khi biết tin này, nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt của hàng trăm người lính thuộc lữ đoàn công binh 25, Quân khu 9 và lực lượng cứu hộ dân sự Đồng Tháp - những người đã nhiều đêm trắng tham gia cứu nạn.
Theo dõi công tác cứu hộ, cứu nạn những ngày qua, ai cũng ghi nhận công sức và những nỗ lực của hàng trăm con người chạy đua với thời gian để tìm bé Hạo Nam. Dư luận cũng chia sẻ đây là sự cố hy hữu, chưa từng có tiền lệ, điều kiện địa hình khu vực cháu Hạo Nam gặp nạn cách trở, bất lợi cho công tác triển khai cứu nạn...
Thế nhưng, cũng từ thực tế công tác cứu nạn các ngày qua lộ ra một số bất cập, không thể không đặt ra câu hỏi do đâu mà công tác cứu hộ kéo dài? Giá như Đồng Tháp chủ động hơn; giá như tỉnh sớm báo cáo xin chi viện của lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, chuyên gia...
Trả lời Tuổi Trẻ chiều 3-1, một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thừa nhận ban đầu địa phương có lúng túng tính toán thực hiện theo phương án tại chỗ giải cứu cháu bé. Sau đó thấy khó khăn nên tỉnh triển khai các biện pháp khác và mới có văn bản gửi Quân khu 9, các bộ, ngành báo cáo xin Trung ương hỗ trợ và mọi việc đã tốt hơn.
Nhìn nhận của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp phần nào được dư luận sẻ chia bởi đây là vụ tai nạn hy hữu, chưa có tiền lệ nhưng cũng đòi hỏi chính quyền Đồng Tháp phải rút ra bài học trong điều hành chỉ huy cứu hộ, cứu nạn. Tiếp đến phải vào cuộc xử lý trách nhiệm với chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình cầu Rọc Sen vì thi công không đảm bảo an toàn (công trình có nhiều hố sâu không rào chắn cảnh báo, hoặc barie cứng quây xung quanh) dẫn đến sự cố chết người.
Rồi đây vấn đề trách nhiệm sẽ được mổ xẻ kỹ càng, song trước tin buồn về bé Hạo Nam lúc này, chúng ta không khỏi xót xa.
HOÀNG TRÍ DŨNG
Nhiều nhà hảo tâm đã tìm về căn nhà của cha mẹ bé Thái Lý Hạo Nam (ngụ ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) để thăm hỏi và tặng quà.
Xem thêm: mth.77005408050103202-ar-yax-gnohk-ad-uam-pehp/nv.ertiout