"Tết năm nay công ty đã thông báo sớm rằng sẽ thưởng ít, bằng 80% so với năm ngoái. Do lĩnh vực công ty liên quan bất động sản, tình hình khó khăn chung, tôi cũng không quá bất ngờ.
Hơi buồn một chút nhưng nghĩ một cách lạc quan dù sao mình còn có công việc và chút tiền thưởng ăn Tết", Mỹ Phượng (25 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ về chuyện mua sắm Tết năm nay.
Thưởng Tết giảm, sắm Tết bớt khoản chi
Những năm trước, Phượng ước tính mình chi tiêu Tết tổng cộng 5-7 triệu đồng, gồm tiền mua quần áo mới, mua bánh mứt cho gia đình, bảo dưỡng xe máy, "tân trang" tóc tai, lì xì cho người thân… Cô đề ra số tiền cụ thể cho mỗi khoản chi, như mua quần áo 500.000 - 800.000 đồng, bảo dưỡng xe 500.000 đồng, lì xì người thân 2 triệu đồng…
Năm nay, Phượng và gia đình sẽ giảm bớt tiền mua đồ ăn những ngày Tết, thay vào đó sẽ dồn vào chuyến du lịch Đà Lạt của cả nhà. Phượng nói thêm: "Tôi thấy chi phí vui chơi ở thành phố dịp Tết thường tăng 2-3 lần so với ngày thường mà dịch vụ cũng không có gì mới mẻ. Do đó, dịp Tết tôi cũng không đi chơi ở khu vực trung tâm".
Tương tự, Lê Thị Duyên (20 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết năm ngoái do dịch bệnh nên cô không về quê ăn Tết mà ở lại TP.HCM.
Cô sinh viên này cho biết: "Mấy năm trước về quê, tôi có đi chơi nên sẽ mua này mua nọ. Năm nay ở lại thành phố, Tết không ra ngoài nhiều nên tôi giảm hẳn việc mua sắm. Ngày Tết tôi chú trọng khâu ăn uống và thường mua đồ ăn ngon".
Năm nay, Duyên dự định sẽ không mua quần áo, để tiền ra quán cà phê yên tĩnh để học bài thi. "Nếu mua quần áo, tôi sẽ chọn những kiểu có thể mặc ngày thường và mặc đi học được luôn. Và như năm trước, tôi sẽ mua giấy nhún, mua vật liệu làm hoa gửi về cho mẹ chưng Tết", cô chia sẻ.
Buồn vì không về Tết được, Duyên cho biết: "Năm nay mẹ tôi ở quê công việc cũng bấp bênh. Tôi không về phụ giúp mẹ được, cũng buồn dữ lắm. Để mẹ khỏi tốn kém, tôi cũng sẽ không nói mẹ gửi đồ như nem, tré… cho tôi dịp Tết".
Săn sale, lên danh sách những thứ cần sắm Tết
Bí quyết mua đồ tiết kiệm khi sắm Tết của Duyên và nhiều bạn trẻ là… săn sale. "Tôi bỏ sẵn món đồ muốn mua vô giỏ hàng online, rồi chờ những ngày sale đậm như 1-1, 2-2, ngày thứ sáu cuối tháng. Sinh viên như tôi thường dùng cách này", Duyên nói.
Năm hết Tết đến, nhiều món đồ dùng như mỹ phẩm thường sẽ "rủ nhau" hết một lần. Do đó, dịp Tết thì son môi, kem chống nắng… cũng là món nằm trong danh sách cần mua của Duyên.
Còn đối với Phượng, mẹo mua sắm Tết của cô là lên danh sách những thứ thật sự cần và chỉ mua theo danh sách này. Phượng chia sẻ không nhất thiết phải suy nghĩ Tết là phải mâm cao cỗ đầy, mà chỉ nên mua lượng thức ăn vừa phải, phù hợp nhu cầu ăn uống hằng ngày.
Đối với hoa kiểng chưng Tết, Phượng "bật mí" bạn trẻ có thể chọn mua những loại cây hoa ngắn ngày và mua vừa đủ. Còn nếu muốn chưng các loại cây lớn như mai, chúng ta có thể thuê để giảm chi phí, không tốn tiền bảo dưỡng về sau.
"Riêng chuyện mua sắm quần áo và làm đẹp, làm tóc…, tôi thường làm trước một tháng để không bị giá cao và cảnh chờ đợi đông đúc. Tôi cũng tránh mua nhiều bánh mứt vì sẽ không ăn hết", Phượng nói. Cô cũng cho rằng nên mua bánh mứt ở các siêu thị theo giá niêm yết sẽ hợp lý hơn.
Có thể cắt giảm 20-30% mua sắm Tết
Tùy mức thu nhập và có "trọng trách" sắm Tết cho gia đình hay không, bạn trẻ sẽ có mức chi tiêu dịp Tết khác nhau. Nhưng theo thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Trường đại học Văn Lang (TP.HCM), với tình hình hiện nay, năm 2023 được dự đoán sẽ còn nhiều khó khăn. Do đó các bạn trẻ mới ra trường hoặc đang đi học nên tiết giảm chi tiêu tầm 20-30% so với những năm trước.
"Như vậy, các bạn sẽ có thể tự điều tiết tốt hơn trong sinh hoạt phí sau Tết, tránh rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau", anh Tú nói.
Thực tế, anh Tú cho rằng việc cắt giảm chi tiêu nói thì dễ nhưng "thực hành" khá khó khăn, nhất là trong những dịp mà tâm lý tiêu xài được kích thích mạnh như lễ Tết. Do đó, các biện pháp "cổ điển" như lên kế hoạch cụ thể, từ đó giảm một số vật dụng không cần thiết, hoặc giảm tiệc tùng linh đình tốn kém… khi sắm Tết là những việc rất cần làm.
"Nếu có nhận thưởng Tết, chúng ta cũng nên cân nhắc kỹ trước khi mua sắm trang thiết bị điện tử, điện thoại… Các món này làm vơi hầu bao khá nhanh", anh chia sẻ.
Mặt khác, những người quảng giao tất nhiên tốn kém khá nhiều cho giao tiếp, nhất là dịp Tết thường có những cuộc hẹn, thăm nom...
Anh Tú nói: "Trong lúc kinh tế khó khăn, mọi người có thể thông cảm cho nhau khi giảm chi tiêu trong từng bữa ăn, quà cáp. Dù sao thì người Việt cũng luôn có truyền thống cần kiệm, tôi tin rằng Tết Quý Mão 2023 sẽ không quá căng thẳng với mọi nhà…".
Tận dụng đồ cũ, tự làm món Tết
Anh Trí Minh (27 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ rằng năm nay công ty anh cũng thưởng Tết ít hơn. Gia đình anh thường có thói quen tận dụng lại những món đồ còn tốt của năm ngoái để trang trí Tết, như bình cắm hoa, khay đựng bánh mứt, chậu hoa giấy…
Nhà cửa chỉ cần dọn dẹp sạch sẽ, giặt màn cửa, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, mua hoa chưng trước nhà và hoa chưng bàn thờ… là được.
"Nhà tôi cũng thường tự làm các món dưa muối, củ kiệu. Bánh tét thì họ hàng gói biếu. Năm nay chúng tôi sẽ mua bánh mứt, nước ngọt, bia… ít lại vì năm ngoái dùng không hết, mứt bị hư rất phí", anh nói.
Đơn hàng Tết tăng mạnh, các doanh nghiệp chuyển phát đang phải chạy đua đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Lượng shipper cũng làm việc không ngơi nghỉ khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Xem thêm: mth.24430339050103202-oas-ar-tet-mas-ert-nab-om-uhn-gnohk-gnouht/nv.ertiout