Báo cáo “Triển vọng kinh tế 2023” của Viện Kinh tế Mastercard chỉ ra rằng, sự hiện diện đa kênh giúp tăng 6% doanh số bán hàng của ngành bán lẻ trong năm 2022. Trong giai đoạn giãn cách, các nhà hàng đã tránh được việc mất đi khoảng 31% doanh thu nhờ áp dụng hình thức hình thức đa kênh. Tương tự, các doanh nghiệp thời trang nhỏ áp dụng bán hàng đa kênh cũng tăng trưởng nhanh hơn 10% so với các thương hiệu chỉ bán hàng trực tuyến và 26% so với các thương hiệu chỉ bán tại cửa hàng…
Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến năm 2022, doanh thu bảo hiểm qua các kênh số hóa còn rất khiêm tốn, với khối phi nhân thọ chỉ chiếm 1% và khối nhân thọ chiếm chưa đến 5% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm, nhưng những bước đi đầu tiên này sẽ mở ra nhiều hướng mới cho các công ty bảo hiểm.
Đối với ngành bảo hiểm, việc hoàn thiện kênh phân phối theo xu hướng đa năng và tích hợp (còn gọi là Omni Channel) tiếp tục là mục tiêu quan trọng. Cụ thể, các công ty bảo hiểm sẽ tạo ra nhiều hình thức kênh phân phối và khách hàng tiếp cận bất kể kênh phân phối nào, trực tiếp hay gián tiếp, số hóa hay truyền thống… cũng đều có một trải nghiệm đồng nhất.
Thực tế, không phải đến nay các doanh nghiệp bảo hiểm mới hướng đến bán hàng đa kênh, mà chiến lược này đã được xem là một bước đi quan trọng từ nhiều năm trước và đại dịch Covid-19 xuất hiện đã chứng minh rõ nét cho sự tất yếu của định hướng phát triển đa kênh.
Hiện nay, cả thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và nhân thọ đều đang phát triển theo định hướng này, nhưng khối phi nhân thọ dường như thuận lợi hơn so với khối nhân thọ. Lý do bởi, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thường là những sản phẩm phức tạp, liên quan đến con người nên cần được tư vấn kỹ lưỡng, có nhiều quy định ràng buộc và khắt khe hơn.
Trong khi đó, sản phẩm phi nhân thọ có mức phí vừa phải, quyền lợi ngắn hơn và dễ dàng thiết kế sản phẩm, phù hợp với đa dạng nhu cầu của khách hàng cũng như của từng kênh phân phối. Chẳng hạn, cùng một dòng sản phẩm lõi là bảo hiểm tai nạn, nhưng các doanh nghiệp phi nhân thọ có thể tùy chỉnh theo yêu cầu của từng kênh bán, có thể chỉ là bảo hiểm cho khách hàng khi di chuyển trên các hãng taxi công nghệ (bảo hiểm bán kèm theo chuyến đi của Grab, Bee…), hoặc có thể điều chỉnh trở thành bảo hiểm chia theo từng kỳ thanh toán để phù hợp với người lao động tự do (bảo hiểm JupviecCare được Bảo hiểm Bưu điện - PTI triển khai với Jupviec.vn), song cũng có thể điều chỉnh để bảo vệ cho những khách hàng cao cấp với quyền lợi lên đến hàng chục tỷ đồng. Chính sự linh hoạt này đã giúp các doanh nghiệp phi nhân thọ dễ dàng kết nối và cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đến các đối tác, đại lý khác nhau…
“Vài năm trước, hành trình số hóa đã thúc đẩy người tiêu dùng trực tuyến và chúng tôi đã sẵn sàng cho các khách hàng muốn tham gia bảo hiểm theo phương thức đa kênh. Dựa trên phản hồi của người tiêu dùng, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phát triển thêm các giải pháp số hóa cho kênh ngân hàng khi nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng”, đại diện một công ty bảo hiểm đang đẩy mạnh triển khai bán hàng đa kênh chia sẻ.