“Quả ngọt” thời khó
Năm 2022, Vietcombank (mã VCB) đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng tối thiểu 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30.675 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được hơn 81% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm 2022, nhưng hiện chưa tiết lộ kết quả cả năm.
Vị trí dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận của Vietcombank từng lung lay khi trong quý I/2022, VPBank (mã VPB) bất ngờ báo lãi đột biến 11.146 tỷ đồng (tăng 2,8 lần cùng kỳ năm trước), vượt qua con số 9.950 tỷ đồng của Vietcombank. Thế nhưng, Vietcombank nhanh chóng lấy lại vị trí số 1 trong 2 quý sau đó. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt gần 25.000 tỷ đồng, cách khá xa so với 3 ngân hàng đứng sau là Techcombank (mã TCB, 20.800 tỷ đồng), VPBank (19.837 tỷ đồng) và MBBank (mã MBB, 18.192 tỷ đồng). Dự kiến kết thúc quý IV/2022, Vietcombank tiếp tục đứng đầu hệ thống về lợi nhuận, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp giữ “ngôi vương”.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank có sự đóng góp lớn từ hoạt động cho vay, vì là một trong những nhà băng được ưu tiên nới room tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 do tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Cuối quý III/2022, dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng 2,7% so với quý liền trước và tăng 17,6% so với hồi đầu năm, cao hơn mức trung bình toàn ngành (khoảng 11,5%).
Vietcombank cũng là một trong số ít ngân hàng cải thiện được biên lãi ròng (NIM) trong 9 tháng đầu năm 2022 lên mức 3,4% nhờ lợi thế chi phí vốn và đẩy mạnh cho vay bán lẻ. Nợ xấu của Vietcombank ở mức 9.003 tỷ đồng, dù tăng 47% so với cuối năm 2021 nhưng chỉ chiếm 0,8% tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng, thấp thứ 2 trong các ngân hàng niêm yết (sau Techcombank với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6%). Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank ở mức 500% - cao nhất hệ thống.
Theo cập nhật mới nhất của ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank, tính cả năm 2022, Ngân hàng đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Tại VietinBank (mã CTG), ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho hay, đến nay, Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Được biết, Đại hội cổ đông thường niên của VietinBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 như: Tổng tài sản tăng 5-10%; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 8-10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng ở mức dưới 1,8%; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15%… Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, VietinBank đạt 15.800 tỷ đồng lợi nhuận trước, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021. NIM tính đến cuối quý III/2022 đạt 2,92% - tiếp tục cải thiện so với cuối quý II/2022; ROE 9 tháng đầu năm 2022 tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 17%.
Thực tế, không phải chờ đến cuối quý IV, một số ngân hàng đã cán đích lợi nhuận cả năm 2022 từ cuối quý III, một phần do chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2022 ở mức vừa phải, phù hợp với tình hình thị trường còn khó khăn.
Đơn cử, LienVietPostBank (mã LPB) đạt hơn 4.800 tỷ đồng lãi trước thuế sau 3 quý đầu năm 2022, tăng 72% so cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế đạt hơn 3.842 tỷ đồng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ngân hàng này đã thông qua kế hoạch lãi trước thuế 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so năm 2021. Như vậy, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm 2022 chỉ trong 9 tháng.
Tương tự, sau 9 tháng đầu năm 2022, Eximbank đạt 3.181 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 229% so với cùng kỳ năm trước, vượt mức 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 được Đại hội cổ đông thường niên giao phó. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.
Lợi nhuận khó bứt phá
Eximbank cũng vừa thông báo Nghị quyết của Hội đồng quản trị về kế hoạch kinh doanh năm 2023 để trình Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, nhà băng này dự kiến kế hoạch lợi nhuận 2023 ở mức 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ đồng. Ban điều hành Eximbank ước tính, tổng tài sản đến cuối năm 2023 ở mức 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng, tăng 14%. Với số dư nợ tín dụng kể trên, Eximbank dự kiến kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 1,6% - giảm so với cuối năm 2022. Huy động vốn ước tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những nhà băng đặt mục tiêu cao, cũng có không ít ngân hàng tỏ ra thận trọng với kế hoạch lợi nhuận 2023 khi thị trường được dự báo còn đối mặt với nhiều thách thức. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank (mã ABB) đánh giá, trong năm 2023, nhiều nước vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là suy thoái kinh tế đã manh nha xuất hiện ở một số thị trường trọng điểm như khu vực châu Âu, Trung Quốc… khiến các đơn hàng mới của doanh nghiệp trong nước sụt giảm. Chưa kể, lãi vay tiếp tục trong xu hướng tăng sẽ kéo chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao hơn. Khó khăn của doanh nghiệp sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động tín dụng nên đòi hỏi ngân hàng phải thận trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Thực tế, bất chấp room tín dụng hạn chế và lãi suất huy động tăng, các ngân hàng vẫn không điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 là do từng bước kiểm soát chi phí, tăng thu ngoài lãi. Ông Trần Minh Bình cho hay, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra, một trong những giải pháp được VietinBank áp dụng là tập trung đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi và kiểm soát chi phí vốn. Trong quý cuối cùng của năm 2022, mặt bằng lãi suất huy động tiền gửi trên thị trường tăng mạnh, song VietinBank vẫn giữ ổn định lãi suất.
Ngoài ra, VietinBank còn là ngân hàng có nguồn thu tích cực từ bảo hiểm. Đầu năm 2022, VietinBank đã ký kết hợp đồng phân phối độc quyền thời hạn 16 năm với Manulife. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, trong 5 năm tới, thu nhập từ kênh bán chéo bảo hiểm này của VietinBank sẽ tăng từ 30-50%.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, trong bối cảnh cạn room tín dụng, khó đẩy mạnh cho vay ra, còn lãi suất huy động tăng dần, ngân hàng rất khó đẩy tăng lợi nhuận. Vì thế, biện pháp tốt nhất là kiểm soát chi phí hoạt động và tăng thu ngoài lãi. Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh sau 3 quý đầu năm 2022, đóng góp đáng kể cho tổng thu nhập hoạt động, có thể kể đến những cái tên như Techcombank, Sacombank, VIB, VPBank... Tuy nhiên, lợi nhuận các ngân hàng này bắt đầu chậm lại trong quý cuối của năm 2022.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra đánh giá, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chậm lại là lãi suất huy động tăng đẩy chi phí huy động vốn cao hơn, khiến biên lãi thuần sụt giảm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng chậm lại do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vì thế, khả năng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 sẽ khó bứt phá.
Thực tế, trong quý III/2022, lợi nhuận trước thuế từ báo cáo tài chính của 17 ngân hàng niêm yết tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 3% so với mức tăng trưởng của quý liền trước chủ yếu do thu nhập ngoài lãi giảm 15,2%. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, ngoài cạn room tín dụng, việc thị trường chứng khoán diễn biến kém khả quan khiến lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán của các ngân hàng gần như bằng không trong quý III/2022, cộng thêm tăng lãi suất huy động tăng quá cao sẽ gây áp lực lớn lên lợi nhuận ngân hàng.
“Trong năm 2023, kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn, một trong số đó là lạm phát cao. Do đó, các ngân hàng trung ương lớn trên giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ còn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát nên áp lực tăng lãi suất trong nước rất lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng sẵn sàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, với nền kinh tế”, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.