Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP) đang tạm dừng phân xưởng RFCC (Residue Fluid Catalytic Cracking- cracking xúc tác tầng sôi liên tục) để khắc phục sự cố kỹ thuật rò rỉ xúc tác tại khớp nối giãn nở nhiệt áp tái sinh. Ước tính sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 1 của nhà máy này giảm 20-25% so với kế hoạch, tương đương khoảng 125.000 m3.
Đại diện NSRP xác nhận và cho biết "nhà máy đã và đang trong quá trình sửa chữa để phân xưởng RFCC vận hành trở lại trong thời gian sớm nhất".
Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định đang theo dõi sát để xử lý tình hình. "Dự kiến nhà máy này vận hành trở lại vào giữa tháng 1 và sẽ tăng sản xuất để bù sản lượng thiếu hụt từ nay tới Tết Nguyên đán", đại diện Bộ thông tin.
Cuối tháng 1 năm ngoái, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn từng giảm sản lượng tới 25% so với sản xuất bình thường vì thiếu tiền nhập khẩu dầu thô về sản xuất. Nhà máy này sau đó đã được cấp tiền để vận hành trở lại, nhưng thị trường xăng dầu vẫn rơi vào xáo trộn do thiếu hàng.
Tình hình sản xuất của Nghi Sơn ổn định trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, với 100% công suất. Sản lượng xăng dầu cung ứng bình quân mỗi tháng nhà máy này khoảng 600.000 m3.
Để tránh lặp lại tình trạng gián đoạn, thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện khẩn yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo Lọc dầu Nghi Sơn sớm khắc phục sự cố, ổn định sản xuất.
Hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất tăng công suất ở mức tối đa, sử dụng nguồn hàng dự trữ và nguồn hàng khác (nếu có) để bù đắp lượng thiếu hụt cho hợp đồng cung ứng xăng dầu đã ký.
Với các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu họ chủ động tìm kiếm nguồn cung, tăng nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt từ Lọc dầu Nghi Sơn. Việc này nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trước, trong và sau Tết Âm lịch 2023 và hết quý I năm nay. Các thương nhân đầu mối cũng cần thực hiện đúng, đảm bảo tiến độ tổng nguồn xăng dầu đã được phân giao.
Trước việc sản lượng xăng dầu Nghi Sơn giảm trong tháng 1 do sự cố, chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối mua hàng từ nhà máy này cho rằng, nguồn hàng từ nhà máy này phải tới ngày 20/1 mới có thể nhập trở lại nên "nguồn cung sẽ khá căng thẳng từ nay tới Tết, nếu nhà máy không vận hành trở lại bình thường theo kế hoạch dự kiến, và hàng nhập khẩu về chậm".
Với vốn đầu tư 9 tỷ USD, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).
Nhà máy này do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Anh Minh