Chiều 5-1, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (BQL KCX-KCN) TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước nhìn nhận, dù tình hình thu hút đầu tư năm 2022 đã vượt kế hoạch đề ra nhưng vẫn thấp hơn năm 2021. Điều này cho thấy cơ hội thu hút đầu tư vào TP đang ngày càng khó hơn.
“Tôi kiến nghị BQL cùng hỗ trợ các KCN để tháo gỡ khó khăn này, tôi nghĩ khi nào có đất thì chúng ta mới thu hút đầu tư được”- ông Phương nói.
Ông Giang Ngọc Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước, kiến nghị cần gỡ vướng 80 hecta đất tại KCN Hiệp Phước. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Theo ông Giang Ngọc Phương, báo cáo kế hoạch công tác năm 2023 có nêu TP có khoảng 46 hecta đất cho thuê và thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế KCN Hiệp Phước đang có 80 hecta đất đang cần gỡ vướng. Nếu TP đẩy mạnh việc gỡ vướng thì trong hai năm thì sẽ có 320 hecta đất.
“Muốn thu hút đầu tư trong năm 2023, thì vấn đề lớn nhất là giá đất. Nếu không gỡ vướng quy định giá đất, chúng tôi sẽ không có cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư và nhà đầu tư cũng không dám vào đầu tư vào”- ông Phương nói và kiến nghị cần có giá đất chính thức để đưa quỹ đất vào dùng, tránh sự lãng phí xã hội.
Bàn về vấn đề này, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong hoạt động thu hút đầu tư là thiếu quỹ đất.
Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Theo ông Đức, làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước qua Việt Nam đang diễn ra. Ông Đức ví những nhà đầu tư này như những con đại bàng nhưng TP.HCM hiện tại chỉ có tổ của chim sẻ và không đủ cho đại bàng ở lại.
“TP.HCM có 46 hecta đất cho thuê nhưng nằm rải rác, manh mún chứ không phải một mảnh nguyên 46 hecta, vì vậy chúng ta không thể nào kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào TP”- ông Đức lý giải và cho rằng TP.HCM đang gặp khó khi vừa thừa vừa thiếu đất.
Ông Đức nhận định TP vẫn còn đất, đơn cử KCN Hiệp Phước còn 320 hecta, KCN Tây Bắc Chủ Chi còn hơn 100 hecta,... Tuy nhiên, BQL KCN-KCX đã kiến nghị TP cần ban hành giá đất để các KCN này có thể cho thuê đất và thu hút đầu tư nước ngoài nhưng chưa được.
“Nếu chúng ta không xử lý được điểm nghẽn này thì khó có thể phát triển công nghiệp, không có đất thì không thể đầu tư”- ông Đức nhấn mạnh cho biết sẽ kiên trì đề xuất để tháo gỡ việc này.
Tổng kết hoạt động KCX-KCN năm 2022
Báo cáo tại hội nghị, đại diện BQL KCX-KCN TP cho biết, năm 2022 TP.HCM đã mở cửa đón khách quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm đến nên tình hình thu hút đầu tư của KCX, KCN đã có khởi sắc.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 517 triệu USD, đạt 103,41% kế hoạch (500 triệu USD). Đồng thời, hiệu quả đầu tư có chuyển biến tích cực, suất đầu tư/ha năm 2022 đạt 7,17 triệu USD/ha, tăng 20% so với suất đầu tư bình quân trên 1 ha của KCX, KCN.
“Điều này thể hiện chúng ta đang đi đúng hướng và tiệm cận với mục tiêu phát triển của TP”- Bí thư Đảng ủy KCX-KCN TP Hướng Quốc Hưng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, công tác tư tưởng, giáo dục chính trị tiếp tục được quan tâm thường xuyên; công tác tổ chức cán bộ, quản lý đảng viên được thực hiện tốt; công tác chăm lo cho công nhân, người lao động được quan tâm,...
Song song với mặt được, tình hình hoạt động của KCX, KCN còn gặp nhiều khó khăn do quỹ đất thu hút đầu tư hạn chế, thiếu quỹ đất lớn phục vụ việc thu hút đầu tư, các vướng mắc của KCN vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Ngoài ra, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nơi làm việc còn nhiều khó khăn; ứng dụng thông tin mặc dù có cải thiện nhưng cần phải được đẩy mạnh nhiều hơn;...