Chuẩn bị nguồn lực đón khách Trung Quốc
Ngày 8/1 tới đây sẽ đánh dấu kết thúc hơn 1.000 ngày Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn biên giới để chiến đấu với dịch bệnh COVID-19. Theo đó, nước này sẽ dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách quốc tế từ ngày 8/1 để chuyển sang giai đoạn "sống chung với virus". Đây là tin vui đối với ngành du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, việc thiếu vắng khách Trung Quốc đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch Việt Nam. Tuy nhiên điều này sẽ sớm thay đổi và các doanh nghiệp du lịch Việt đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện mở cửa này.
Khách du lịch Trung Quốc tham quan TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
Nhiều doanh nghiệp lữ hành bày tỏ vui mừng khi có thể sắp đón khách Trung Quốc trở lại. Hiện Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội đang hoàn thành khâu chuẩn bị đón những vị khách Trung Quốc ngay từ tháng 1.
"Chúng tôi đang làm việc với các nhà hàng, khách sạn để thông báo cho họ về việc thị trường Trung Quốc sẽ quay trở lại để có sự chuẩn bị về dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận chuyển", bà Lưu Thùy Dung, Phó phòng Kinh doanh Khách lẻ Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội, cho biết.
"Chúng tôi đã nắm bắt thị hiếu mới của khách Trung Quốc cũng như các khách du lịch inbound, đa dạng các sản phẩm, đường bay, đường biển và đường sông để khách lựa chọn", bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Giám đốc Lữ hành Saigon Tourist chi nhánh Hà Nội, cho hay.
Trước dịch, mỗi tuần có 600 chuyến bay kết nối 48 điểm đến tại Trung Quốc với 5 điểm đến tại Việt Nam, theo Cục Hàng không Việt Nam. Đầu tháng 12, nhiều chuyến bay thường lệ Việt Nam - Trung Quốc đã được khôi phục. Nếu đúng kế hoạch, số chuyến bay từ ngày 26/3 sẽ đạt trung bình 60 - 70 chuyến đi và đến mỗi ngày.
"Tạo thị trường là điều quan trọng cho các hãng. Ở đây, thị trường là tháo gỡ nút thắt để khôi phục khách quốc tế đi, đến Việt Nam", ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và phát triển Vietnam Airlines, cho biết.
Báo cáo công bố tháng 12/2022 của Công ty nghiên cứu thị trường du lịch nước ngoài Dragon Trail cho thấy, có 17% khách Trung Quốc sẽ du lịch nước ngoài ngay khi có thể, 21% sẽ lên đường trong vòng 3 - 6 tháng. Ngành du lịch cần bám sát thông tin độ mở cửa thị trường Trung Quốc giúp các doanh nghiệp có những bước đi đúng, khai thác hiệu quả thị trường này.
Giám sát COVID-19 tại cửa khẩu
Theo ước tính, mỗi ngày Trung Quốc vẫn có gần 40 triệu người mắc COVID-19. Việc mở cửa biên giới, khai thông đi lại đồng thời mang theo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó làm sao để an toàn phòng dịch cũng là vấn đề được đặt ra, đặc biệt với các tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc. Vậy công tác chuẩn bị phòng dịch hiện ra sao?
Các cửa khẩu ở Móng cái, Quảng Ninh sẽ dừng xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp Real time PCR.
Còn tại cửa khẩu Bắc Luân I, lực lượng chức năng đã rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, nhân lực sẵn sàng đáp ứng khi hoạt động xuất nhập cảnh hoạt động bình thường trở lại.
Ngành y tế đang phối hợp với các địa phương có cửa khẩu xây dựng các phương án phòng chống dịch phù hợp với thực tiễn.
"Xây dựng các phương án cụ thể để đáp ứng tốc độ khi có tình huống nhiều người nhập cảnh qua biên giới. Đặc biệt sẵn sàng chủ động các phương án khi các ổ dịch trong cộng đồng hoặc dịch bệnh xuất hiện trong địa bàn tỉnh", ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cho hay.
Việc mở cửa trở lại sẽ khiến số người nhập cảnh vào Việt Nam tăng, vì vậy cần có sự giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm biến thể mới.
Hiện vaccine vẫn có hiệu quả với các biến thể của Omicron. Vì vậy, đối với những địa phương có nhiều giao lưu thông thương cần khẩn trương bao phủ những mũi tiêm còn thiếu để đảm bảo nền miễn dịch tốt.
Khách Trung Quốc là nguồn thu đáng kể với du lịch thế giới
Theo nghiên cứu của ngành du lịch, trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc là nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng với khu vực châu Á và thế giới. Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới về mức chi tiêu cho đi du lịch nước ngoài.
Theo số liệu Tổ chức Du lịch thế giới và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế du lịch toàn cầu đã công bố năm 2018, chi tiêu của khách Trung Quốc đi nước ngoài đạt 277 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của khu vực châu Á, con số này chiếm 20% tổng chi tiêu cho du lịch quốc tế của thế giới.
Hành khách đi lại trong sân bay quốc tế ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD/chuyến đi. Với mức chi tiêu này, Trung Quốc nằm trong nhóm đầu các nước nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Australia (3.370 USD/chuyến) và Singapore (2.440 USD/chuyến).
Lượng người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018). Mức tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm.
Thời điểm trước dịch năm 2019, trong số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, có tới khoảng 6 triệu khách Trung Quốc. Chỉ riêng các tỉnh miền Trung, mỗi ngày có thể đón khoảng 50 - 70 chuyến charter (chuyến bay thuê trọn gói theo nhu cầu của du khách) để đưa khách Trung Quốc tới.
Dù tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ, nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy toàn thế giới đã tiệm cận đến ngưỡng COVID-19 được xem là bệnh đặc hữu. Khắc phục nguy cơ, nắm bắt cơ hội, thúc đẩy ngành du lịch phục hồi tại các thị trường trọng điểm là con đường hữu hiệu để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, trong bối cảnh dự báo kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.
VTV.vn - Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, các điểm đến du lịch vô cùng nhộn nhịp. Công suất phòng khách sạn ở các trung tâm du lịch lớn đạt từ 65-85%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7035000070103202-neirt-tahp-ioh-oc-tab-nod-hcil-ud-1-8-ut-auc-om-couq-gnurt/et-hnik/nv.vtv