Ngày 6-1, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi. Dự án này đã được QH cho ý kiến tại hai kỳ họp trước, trong đó tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022), QH đã cân nhắc điều chỉnh thời gian thông qua sang kỳ họp kế tiếp để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đề nghị cân nhắc việc thông qua
Đại biểu (ĐB) QH Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng đến nay vẫn còn tám nhóm vấn đề lớn của dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau. Điều đó cho thấy việc tiếp thu, hoàn thiện dự án luật còn rất khó khăn, nhiều nội dung chưa thống nhất.
Dự luật chưa làm rõ tính tương thích, đồng bộ với các luật khác, trong đó có Luật Giá và Luật Đấu thầu sửa đổi. Vai trò của bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chưa rõ. Ngoài ra, vẫn còn có điều khoản chưa quan tâm bảo vệ người bệnh.
ĐBQH LÊ HOÀNG ANH
Theo ĐB Anh, chỉ có hơn một tháng sau kỳ họp thứ tư để nghiên cứu, tiếp thu, trình tại kỳ họp bất thường để thông qua dự thảo là quá ngắn, trong khi có nhiều vấn đề then chốt, vấn đề khó. Đó là chưa kể hồ sơ dự luật gửi cho ĐBQH nghiên cứu bị chậm, không đủ thời gian để nghiên cứu cả ngàn trang tài liệu. Tiếp đó, nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa có báo cáo đánh giá tác động. Hồ sơ luật chưa làm rõ tính thống nhất, khả thi của văn bản hướng dẫn chi tiết luật.
Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh. Ảnh: QH |
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh đây là “luật có tính chất xương sống của ngành y tế”. Do đó cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, tính phù hợp thực tiễn và tính khả thi của dự thảo luật khi thực hiện. “Đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của dự thảo luật liên quan đến hệ thống tổ chức KCB và phân cấp chuyên môn kỹ thuật Hội đồng Y khoa quốc gia, giá dịch vụ KCB, tài chính trong khám bệnh… cần được tiếp tục nghiên cứu” - ĐB Sang nói.
Bên cạnh đó, nhiều ĐBQH cũng bày tỏ băn khoăn về quy định về tự chủ đối với cơ sở KCB của Nhà nước, giá dịch vụ KCB, quy định người bệnh, đại diện của người bệnh không được tiếp cận, khai thác hồ sơ bệnh án trong quá trình điều trị…
Chỉnh sửa dự thảo luật trên tinh thần cầu thị
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định: “Đây là một dự án luật rất khó bởi vì liên quan tới lĩnh vực chuyên môn sâu, đối tượng rộng, tác động đến vấn đề quý nhất của con người là sức khỏe. Toàn bộ hơn 100 triệu dân, kể cả lúc còn trong bụng mẹ đều ảnh hưởng của luật này”.
Chính vì vậy, ngay sau kỳ họp thứ tư đến nay, dù thời gian không dài nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo đã cơ bản tiếp thu toàn bộ ý kiến của các ĐBQH, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, giới chuyên môn, địa phương để hoàn thiện dự luật. “Trên cơ sở đó, nội dung của dự án luật đã được chỉnh sửa với 12 chương, 121 điều, tăng thêm ba chương và 30 điều so với dự án luật cũ” - bà nói và nhấn mạnh sau 14 năm ra đời, dự luật đã nảy sinh những bất cập cần phải được sửa đổi để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Về giấy phép hành nghề, để giải quyết bất cập của luật cũ, dự luật đã quy định giấy phép hành nghề có giá trị năm năm kể từ ngày cấp. “Đây là một trong những biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề liên quan tới chất lượng cũng như đạo đức người hành nghề. Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói và cho hay việc này đã được giao cho các cơ sở, địa phương thực hiện.
Liên quan đến vấn đề tự chủ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay trước mắt dự thảo luật quy định một số nội dung mang tính chất nguyên tắc, đặc thù đối với ngành y tế. “Về lâu dài chúng tôi rất mong muốn QH, Chính phủ sẽ có luật liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết căn cơ, triệt để các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan tới các đơn vị sự nghiệp công lập” - bà Lan nói.
Chỉnh lý một số nội dung về giá khám chữa bệnh
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH và kế thừa các quy định tại Điều 88 Luật KCB năm 2009, dự kiến sẽ chỉnh lý quy định những nội dung liên quan đến giá KCB như sau:
Luật quy định về các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ; giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ; trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy định, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ KCB do Quỹ BHYT thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán.
Bà ĐÀO HỒNG LAN |
HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ của các cơ sở KCB của tỉnh quản lý nhưng không vượt qua mức giá dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định; cơ sở KCB của Nhà nước được tự quyết định giá KCB theo yêu cầu, cơ sở KCB tư nhân được quyết định giá theo luật hiện hành.
Bà ĐÀO HỒNG LAN, Bộ trưởng Bộ Y tế