Tờ vé số định mệnh
Trong căn phòng của mái ấm mà mình nương nhờ ở huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, bà Hồng khó nhọc chống hai tay, lê người ra trước cửa phòng. Phần đầu gối chân trái gồ lên do những ngày lao lực sau ca mổ gãy chân khiến bà không đi lại được nữa. Bà ngồi ngó ra ngoài, đôi mắt mờ lúc nào cũng như sắp khóc, và kể lại phận mình từ khi hai chữ trúng số vận vào người.
Thuở nhỏ, bà sinh sống ở Củ Chi, TP.HCM. Lấy chồng ở Bến Tre rồi chồng đi kháng chiến hy sinh, bà làm đủ nghề nuôi con. Khi đã có tuổi, bà chuyển qua bán vé số, đâu ngờ đó là cái nghề cho mình sự may mắn đồng thời cũng đem đến nỗi bất hạnh.
"Bốn đứa con của tôi đều đã có gia đình. Tụi nó cũng khổ nên tôi lên Dầu Tiếng, Bình Dương ở nhờ nhà bà con để bán vé số", bà nhớ lại.
Dường như người bán vé số nào cũng đôi lần mong ước thần may mắn sẽ gọi tên mình. Bà cũng thường để lại vài tờ vé "ế" cầu may. Thời gian cứ trôi cho đến một ngày cách đây 10 năm, như có linh tính, bà dặn đại lý chừa cho mình một "cây" có hai số cuối 17 (lúc đó khoảng 70 tờ).
Đến giờ xổ số. Bà bán cũng gần xong và hết hồn hết vía: trúng một tờ độc đắc 1,5 tỉ đồng và một tờ an ủi 100 triệu đồng, đài Tiền Giang! Bà kể: "Tôi còn được khách chia lộc cho một tờ vé an ủi. Chị này mua xấp vé của tôi rồi trúng sáu tờ đặc biệt và một tờ an ủi".
Tiền tỉ rớt xuống, khỏi phải nói bà mừng đến mức nào. "Tôi điện cho mấy đứa con, nói trời cho má trúng nhiêu đó, má định cho mỗi đứa mấy trăm triệu. Ba đứa kia nói nào giờ không lo gì nhiều cho má nên má cứ giữ. Đứa con thứ ba của tôi cầm tiền đi mua đất dưới TP Đồng Xoài, cất nhà ở", bà nói. Phần mình, bà vẫn đi bán vé số. Một lần bị xe đụng gãy chân, lại thêm cơ thể đau bệnh, bà về ở với vợ chồng người con thứ ba cách đây hơn hai năm. Mong muốn của bà là được gần con cháu khi tuổi già đang ào tới như cơn gió lốc...
Sự đời có ai ngờ. Từ ngày về sống chung, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu bắt đầu nảy sinh. Sự dồn nén kéo dài cho đến một buổi tối tháng 5-2020, buồn vì thái độ lúc chiều của con dâu, bà ấm ức không thể nào ngủ được. Nửa khuya đi vệ sinh, bà nhìn thấy can xăng còn cỡ 1,5 lít của con trai để phía sau nhà.
"Trong cơn quẫn trí, tôi rưới xăng nhưng chưa bật lửa, rồi sực nhớ cháu nội và cháu cố đang ngủ ở phòng kế bên nên tôi la lên", bà nói. Cả nhà thức dậy, rồi người con dâu và cháu gọi công an đến. Sau đó, bà bị khởi tố về tội "giết người".
Nước mắt mẹ già
Thời điểm đó, vụ án máu chảy ruột mềm này khiến những người sống gần nhà con trai bà xôn xao. Lần giở lại hồ sơ, luật sư Vũ Thị Hải Anh, người bào chữa miễn phí cho bà, nói rằng đó là một vụ án đau lòng...
Trong bài bào chữa cho bị cáo, luật sư Hải Anh nêu rằng ở tuổi này "thường người già luôn có ám ảnh - cảm giác cô độc, thấy như mình bị bỏ rơi khi thấy con cháu không quan tâm tới mình; từ đó nảy sinh hành vi, thái độ thiếu cân bằng về cảm xúc, không kiểm soát được hành vi". Bởi lẽ đó, hành vi của bà Hồng "cũng xuất phát một phần lỗi của bị hại, phía bị hại với bổn phận là con cư xử cũng chưa được khéo, chưa quan tâm tới bị cáo".
Trước khi phiên tòa diễn ra, chị Hải Anh cũng gặp gỡ phía bị hại phân tích thiệt hơn để con bà xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình. Kết cục là mức án ba năm tù nhưng bà được hoãn thi hành án. Trước đó, trong quá trình điều tra bà được tại ngoại và tá túc ở túp lều trong vườn nhà hàng xóm. Bà kể: "Lúc đó chân tôi sưng vù nhưng vẫn cố đi bán vé số. Tôi lấy miếng cây lót dưới mông rồi lết đi". Thấy tình cảnh bà, một sư cô kết nối cho bà nương nhờ một mái ấm. Và chính người chủ mái ấm đã làm đơn cho bà được hoãn thi hành án.
Những năm tháng ấy biết nói sao cho vừa. Phiên tòa giữa một bên là người mẹ già, một bên là vợ chồng người con khiến những người chứng kiến ít nhiều xót xa. Ngoài nỗi cám cảnh, họ còn xót xa bởi "giữa bị cáo và bị hại có phát sinh mâu thuẫn về số tiền trúng vé số vào năm 2012" (trích bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước). Bản án đưa ra có sự khoan hồng so với khung hình phạt, nhưng những gì người mẹ ấy nhận lãnh thật quá sức chịu đựng...
Mong hết bệnh để lại đi bán vé số
Từ TP Đồng Xoài, chúng tôi ngược lên huyện Phú Riềng tìm gặp bà Hồng lần nữa. Con đường xuyên những rẫy cao su, rẫy điều hun hút.
Bà vẫn ngồi còm cõi nhìn ra bên ngoài như chờ đợi một điều gì đó. Trên đầu giường, bà treo cái giỏ bán vé số đã theo mình mười mấy năm nay. Trong ngăn kéo là cuốn sổ ghi chép những người nợ tiền vé số hồi trước. "Để làm kỷ niệm vậy thôi, chứ biết đâu mà đòi", bà nói. Ngăn bên cạnh là những vỉ thuốc nhức mỏi, đau đầu mà bà trữ cho tuổi già cô quạnh.
Gương mặt người mẹ thoáng vui khi nhớ về những ngày chưa trúng số. Lúc đó, bà bán mỗi ngày chừng 200 tờ. Bà kể những năm đó con bà "cũng có hiếu", thường chở bà đi khám bệnh, lo lắng cho bà. Trúng số xong, "mát tay" nên có những ngày bà bán cả ngàn tờ. "Từng có người mua của tôi mà trúng độc đắc, trúng giải nhất... Tôi cũng từng trúng hai vé giải nhất được 60 triệu đồng, lấy tiền này mua thuốc chữa bệnh", bà nhớ lại.
Dứt khỏi dòng suy nghĩ về những ngày tươi đẹp, giọng bà nghèn nghẹn: "Nếu cho tôi được chọn lại giữa trúng số rồi đau bệnh, tù tội với lại không trúng số mà khỏe mạnh, gia đình yên ấm, thì tôi sẽ chọn không trúng". Nhưng thời gian không thể nào quay ngược.
Mẹ nào mà chẳng thương con. Lặng đi một lúc, bà nói mình nhớ con, nhớ cháu, hành động năm nào chỉ là trong cơn phẫn uất, cuồng trí. Từ khóe mắt già nua rỉ ra đôi dòng nước như sương. Xoa xoa đầu gối, giờ bà chỉ mong có chút tiền đi mổ cho những cơn "đau dữ lắm" không hành hạ nữa.
"Có khi mổ xong mà đi lại được, tôi sẽ đi bán vé số tiếp. Ngồi một chỗ cũng buồn...", bà trải lòng về chút mong mỏi tuổi già đơn côi.
Vợ chồng cơ hàn trúng độc đắc 6 tờ vé số, ôm cục tiền to mà không ngủ được vì mừng. Họ lao vào đầu tư nhà đất, tiền lại sinh tiền. Nhưng rồi sự tan vỡ, khổ đau ập xuống đến mức người chồng phải thốt lên: "Giá như đừng trúng số thì tôi còn vợ, còn con".
Sống nhờ tình thương
Bà Hồng sống được đến ngày hôm nay cũng nhờ tình thương của những người ở mái ấm. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ công an xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, thi thoảng cũng lui tới thăm nom bà. Anh cho biết ngoài nhiệm vụ quản lý trên địa bàn, anh còn thương cảnh bà bệnh tật. Về phần bà, bà nói rằng anh Hùng lúc thì cho bà mấy gói cháo, lúc lại cho bà chút tiền thuốc men.
Chưa đầy nửa năm, hai tấm vé số mang giải đặc biệt và hai tờ giải an ủi tìm ra chủ nhân là cùng một người. Với nhiều người, đó là điều nằm mơ cũng không dám nghĩ, song một cậu bé mới 15 tuổi đã có được may mắn nhân đôi ấy.