Đây là live show kỷ niệm 55 năm theo nghiệp hát của ông thầy sáng lập ra đoàn cải lương Đồng ấu Bạch Long và dìu dắt biết bao nhiêu học trò trở thành ngôi sao như Quế Trân, Trinh Trinh, Tú Sương, Vũ Luân, Lê Thanh Thảo, Bình Tinh...
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Bạch Long - người nghệ sĩ mấy chục năm trời vẫn lặng lẽ với công việc đào tạo những nghệ sĩ cải lương trẻ.
Ấm lòng người thầy
* Chủ đề của live show khiến người ta tò mò. 55 năm theo nghiệp hát, anh đã "khổ" như thế nào mà vẫn "cười"?
- Đây là tên chủ đề mà tôi tự đặt. Ở đây xin giải thích một chút về chữ "khổ". "Khổ" không có nghĩa là than vãn mà tôi muốn nói về sự khổ luyện.
Tôi muốn nhắc học trò của mình khi đã bước vào con đường nghệ thuật, muốn trở thành nghệ sĩ thì phải chăm chú rèn nghề, phải khổ luyện thật nghiêm túc về giọng ca lẫn các kỹ năng khác như diễn xuất, vũ đạo...
Không có nghệ sĩ nào tự nhiên giỏi liền. Từ năng khiếu sẵn có, anh phải dùi mài và học hỏi ngày đêm từ người đi trước, từ nỗ lực bản thân mới hoàn thiện từ từ và chinh phục khán giả. Và khi anh đã trở thành nghệ sĩ giỏi, có tên tuổi rồi thì những thành quả mình gặt hái từ đó vô số kể.
Được khán giả yêu thương, được nhiều người biết đến. Có những ngôi sao nhận show quảng cáo, chỉ một show trong nước bằng lương cả năm của một công nhân. Vậy làm nghệ sĩ sướng quá chớ đâu có khổ!
Tôi cũng dặn học trò nếu mình may mắn đương thời kiếm được nhiều tiền thì cố gắng tiết kiệm dành dụm cho mai sau vì ai cũng chỉ có một thời. Các em hãy nhìn có những nghệ sĩ ngày xưa rất nổi tiếng nhưng do cờ bạc, ăn chơi hoang phí mà cuối đời sống rất cực khổ.
* Hơi tế nhị một chút, hiện tại anh vẫn sống rất nghèo, vẫn ở nhà thuê, liệu có gì mâu thuẫn với những gì anh nói với học trò?
- Tôi đâu có cờ bạc, chơi bời. Hồi đó tôi làm Đồng ấu Bạch Long có một thời rất rầm rộ. Rồi sau đó cải lương đi xuống, tôi cứ đổ tiền vô cầm cự, riết rồi nghèo luôn. Nhưng tôi không ân hận về điều đó.
Giờ nhìn các học trò trưởng thành, có em là NSƯT, NSND, trở thành ngôi sao cải lương tôi hạnh phúc lắm. Bởi mình đã làm những điều không vô nghĩa. Bao nhiêu năm các em vẫn nhớ về thầy, điều đó khiến tôi thấy ấm lòng.
Có lẽ đây là live show chót của Bạch Long
* 55 năm, anh lấy cột mốc từ khi nào?
- Đó là năm tôi 10 tuổi, khởi đầu với đoàn hát gia đình Khánh Hồng - Minh Tơ, tôi đánh trống trong ban nhạc. Rồi có bữa đang dọn dẹp bàn hóa trang, cậu Minh Tơ (ba của NSND Thanh Tòng) kêu tôi lại làm mặt rồi biểu tôi đóng vai Ngô Tùng Quân, lớp Ngô Tùng Quân từ trong cây tùng nhảy ra.
Cậu dặn: "Con cười haha rồi nói câu "Ta thọ khí âm dương trong cây tùng này"...". Ra sân khấu, luýnh quýnh sao tui lại nói: "Ta thọ khí diêm vương trong cây tùng này...". Vậy là khán giả được một phen cười bể bụng.
Mà cuộc đời đi hát của tui hay gặp sự cố lắm, chắc vì vậy mà sau này tui đóng hài ăn (cười). Như trong một tuồng tui đóng vai con quạ, có cảnh bay cùng anh Năm (Thanh Tòng).
Hậu đài bữa đó móc lộn dây kéo vô lưng quần tui, hô bay cái khán giả cười muốn bung rạp. Anh Năm đang bay nhìn ngang chỉ thấy... cái quần bay theo mình, còn thằng em nằm bẹp dưới đất!
* Cả một quãng đời tuổi thơ anh chỉ đóng kép con, sau đó là quân sĩ, nhưng bằng cách nào anh đã chinh phục khán giả với những vai tướng?
- Tui hạn chế về sắc vóc nên sao được đóng kép đẹp. Vậy là tui học võ, đi theo cậu Minh Tơ và anh Thanh Tòng chăm chỉ học. Bữa nào không có vai tui cũng lên sân khấu tập. Tôi luyện vũ đạo cho đẹp, diễn cho hay.
Và tui quyết tâm phải lấy ưu thế khác để người ta lướt qua khuyết điểm... lùn của mình. Từ trường hợp của mình, tôi nhận thấy người nghệ sĩ có nhiều "vũ khí" khác để chinh phục khán giả, và đừng bao giờ mặc cảm về hạn chế ngoại hình vì có nhiều cách để chúng ta vượt qua.
* Nghe nói ngay những ngày cuối live show đã có sự cố khiến anh phờ phạc cả người?
- Live show diễn ra vào những ngày cuối năm nên các học trò của tôi cũng bận túi bụi, thời gian tập luyện vì vậy khá căng thẳng. Nhưng các em cháu vẫn thương và sát cánh bên ông thầy. Đình Toàn - người em thân thiết - làm tổng đạo diễn hỗ trợ tôi rất nhiều, ông bầu Huỳnh
Anh Tuấn hỗ trợ kinh phí tổ chức và bán vé. Giờ cuối trục trặc khi một học trò bận việc đột xuất. Tôi luôn mong muốn học trò mình đạt được những thành quả tốt nên tôi thông cảm.
Nhưng bản thân mình cũng thấy tuổi đã lớn, sức khỏe không còn như ngày xưa, sự cố khiến mình thật sự lúng túng và mệt mỏi, lo đủ thứ, lo chương trình không đảm bảo, lo khán giả trách đã quảng cáo có tên nghệ sĩ này lại không thấy... Vì vậy, có lẽ live show này cũng là live show chót của tôi.
Liveshow của Bạch Long
Live show "Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười" kéo dài khoảng 2 tiếng với sự tham gia phần lớn là học trò của nghệ sĩ Bạch Long như Tú Sương, Trinh Trinh, Vũ Luân, Lê Thanh Thảo, Tâm Tâm, Chấn Cường, Xuân Trúc, Kim Nhuận Phát, Bạch Tú My, Bạch Liên, Bạch Luân... và nghệ sĩ khách mời Kim Tử Long.
Chương trình gồm các ca cảnh và trích đoạn cải lương tuồng cổ như Tiết Giao đoạt ngọc, Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, Long Lân Quy Phụng, Người thầy, Hương sắc cải lương...
Nghệ sĩ Bạch Long có dịp chia sẻ với khán giả về những kỷ niệm, về hành trình theo đuổi nghệ thuật đầy chông gai của mình với một tinh thần lạc quan, tươi trẻ trong số mở đầu 'Đời nghệ sĩ' năm 2023.
Xem thêm: mth.96844600170103202-ohk-oc-uad-uhc-gnous-is-ehgn-mal-gnol-hcab-is-ehgn/nv.ertiout