Một phụ nữ ở Anh đang được tiêm mũi nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 Pfizer-BioNTech tại một trung tâm tiêm chủng ở London, Anh - Ảnh: CNBC
Thông tin này được Chính phủ Anh thông báo hôm 6-1. Theo đó, họ sẽ hợp tác với BioNTech trong thỏa thuận thử nghiệm vắc xin trị ung thư cũng như một số bệnh khác.
Bệnh nhân ung thư ở nước Anh sẽ tiếp cận các cuộc thử nghiệm lâm sàng với liệu pháp mRNA cá nhân hóa. Loại vắc xin này dự kiến được dùng cho các bệnh nhân ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối. Mục tiêu của phương pháp này là nhắm vào cả tế bào ung thư đang hoạt động lẫn ngăn việc tái phát.
Được biết, Công ty BioNTech sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại lãnh thổ Anh, trong đó có một phòng thí nghiệm ở Cambridge và một trụ sở chính ở London, đồng thời cung cấp 10.000 liệu pháp điều trị cho các bệnh nhân từ tháng 9-2023 cho đến cuối thập kỷ này.
Hãng dược BioNTech cũng là nơi đã phát triển một trong những loại vắc xin ngừa COVID-19 được sử dụng rộng rãi trên thế giới bên cạnh vắc xin của Công ty Pfizer (Mỹ).
Ông Ugur Sahin, giám đốc điều hành BioNTech, nhận định rằng họ đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19, đồng thời hy vọng quá trình hợp tác với Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) cũng như các học giả, các cơ quan quản lý và cả những công ty tư nhân trong việc phát triển các loại thuốc đặc trị mà họ đang sử dụng sẽ được diễn ra tốt đẹp.
"Mục tiêu của chúng tôi là đẩy nhanh quá trình phát triển các phương pháp trị liệu miễn dịch và các vắc xin bằng cách sử dụng những công nghệ mà chúng tôi đã nghiên cứu phát triển trong 20 năm qua", CEO BioNTech nói.
Ông Ugur Sahin cũng cho biết lần hợp tác này sẽ bao gồm việc phát triển những loại vắc xin ung thư và cả những bệnh truyền nhiễm, vốn gây ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, ông Peter Johnson, giám đốc lâm sàng quốc gia về bệnh ung thư của Anh, cho biết công nghệ mRNA sẽ giúp con người thay đổi cách tiếp cận với một số bệnh lý hiện nay.
Cũng như BioNTech, hãng dược Mỹ Moderna và Merck cũng đang được thử nghiệm các loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA khác.
Ông Tim Bierley - một nhà vận động thuộc tổ chức Global Justice Now có trụ sở tại Anh - cho biết, các công ty dược phẩm lớn đã tạo ra một chuyển biến lớn về việc điều chỉnh giá các loại thuốc mới dù chi phí sản xuất đóng một vai trò lớn trong việc phân phối thuốc ra thị trường.
Theo ông Tim, Chính phủ Anh cần phải thúc đẩy BioNTech trong việc định giá lại các loại vắc xin trị bệnh để tất cả mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận được.
Ngoài ra, bà Mohga Kamal-Yanni, đồng lãnh đạo Liên minh Vắc xin cho mọi người (People's Vaccines Alliance), một khuôn khổ hợp tác gồm nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế về y tế, kinh tế và các nhà hoạt động, cũng bày tỏ rằng các tin tức về việc thử nghiệm vắc xin trị ung thư là một tín hiệu tốt, nhưng giá cả phải được điều chỉnh cho hợp lý với tất cả mọi người, nhất là những bệnh nhân đến từ các quốc gia đang phát triển.
Phát ngôn viên của Chính phủ Anh cũng xác nhận với Đài CNBC rằng các nghiên cứu còn đang ở giai đoạn quá sớm để có thể đưa ra các thảo luận về giá cả và việc phân phối, và cũng nhấn mạnh sự thành công trong việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19 miễn phí cho mọi người.
Liên minh châu Âu đã đề nghị cung cấp vắc xin COVID-19 miễn phí để giúp Trung Quốc ngăn chặn đợt bùng phát dịch hiện nay.
Xem thêm: mth.93994614170103202-yan-man-gnort-uht-gnu-irt-nix-cav-meihgn-uht-uad-tab-hcetnoib/nv.ertiout