Tháng 9-2022, báo Straits Times đưa tin Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp Singapore nhờ ba yếu tố: lực lượng lao động dồi dào, chi phí lao động rẻ và thị trường lớn.
Không chỉ với start-up Singapore, Việt Nam đang trở thành điểm đến phổ biến của lực lượng lao động nước ngoài trình độ cao trong nhiều lĩnh vực.
Đáp cánh bay xuống TP.HCM lần đầu tiên vào năm 2008, ông Ryan Galloway - giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam, một start-up của Singapore chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn nhanh - gần như choáng ngợp bởi quá nhiều thứ mùi khác nhau của một TP nhiệt đới.
Trong cảm nhận của ông, Việt Nam những năm 2000 rất giống hình ảnh của Mỹ những năm 1980 - thời điểm kinh tế bắt đầu phát triển và mọi người đổ sức làm việc để mưu cầu cuộc sống khá giả hơn cho gia đình.
"Tất cả mọi người dường như đang hợp tác với nhau và làm việc chăm chỉ để cho con cái một cuộc sống tốt đẹp hơn" - ông kể và cho biết điều đó khiến ông nhớ tới mẹ mình, người đã nỗ lực hết sức để trao cho bốn người con cơ hội vào đời tốt hơn.
Cảm giác thân thuộc "khác thường" đó đã trở thành cơ sở để ông tiếp tục gắn bó với Việt Nam cho đến nay. Và cũng chính tinh thần vươn lên của người Việt Nam đã truyền cảm hứng cho ông tham gia công ty khởi nghiệp đầu tiên của mình tại chính đất nước này - iCare Benefits.
iCare Benefits cho phép người lao động được mua hàng trả dần sáu tháng không lãi suất. Với vai trò giám đốc chiến lược, ông Galloway đã giúp iCare Benefits thúc đẩy doanh số bán hàng, phát triển sản phẩm và phát triển doanh nghiệp, chứng kiến doanh thu tăng từ 0 đến 65 triệu USD trên sáu quốc gia, 1.400 khách hàng doanh nghiệp trong 24 tháng.
Dù vậy thị trường của cả Hong Kong và Singapore đều nhỏ và cạnh tranh cao.
Sự hấp dẫn của một thị trường sôi động và đang trên đà phát triển của Việt Nam cũng là điều đã khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp cho ông Greg Ohan - tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập The Sentry.
Vị doanh nhân người Úc này từng làm việc và lãnh đạo các công ty đầu tư, trong đó có cả hãng đầu tư nước ngoài Warburg Pincus tại Việt Nam. Trong quá trình làm việc, ông và đồng sự của mình đã nhận ra xu hướng phát triển của cộng đồng khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.
Ông Greg Ohan (giữa) và bà Thùy Hoàng (trái), hai nhà đồng sáng lập của The Sentry, chơi bi lắc cùng ông Ryan Galloway, giám đốc điều hành của Funding Societies tại Việt Nam Ảnh: The Sentry
Cả hai hiểu rằng trong khi các start-up xuất hiện ngày càng nhiều, những công ty mới này có lượng vốn khiêm tốn và nhu cầu không gian ban đầu rất ít bởi không có nhiều nhân viên. Những đặc điểm này đã đẩy nhu cầu đối với các văn phòng linh hoạt, hiệu quả về chi phí và công năng lên cao.
Do đó, cả hai đã quyết định tạo ra The Sentry, một start-up trong lĩnh vực bất động sản văn phòng, với phương châm "from founders for founders - do chủ start-up làm cho chủ start-up".
"Nếu bạn đến Thung lũng Silicon, tại đó có một con đường mang tên Sandhill ở Palo Alto. Đó là nơi tập trung tất cả các công ty công nghệ. Đó là một con phố nơi mọi người đều ở bên cạnh nhau. Vì vậy những gì chúng tôi đã cố gắng làm là tạo ra cộng đồng Thung lũng Silicon tại The Sentry", ông Ohan nói.
Giữa tháng 9-2022, ông Vương Thụy Kiệt - phó thủ tướng kiêm bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore - đã có chuyến thăm TP.HCM. Một trong những điểm ông ghé thăm là văn phòng Block71 Sài Gòn.
Văn phòng này là hợp tác chiến lược giữa Tổng công ty Becamex IDC và NUS Enterprise (thuộc Đại học Quốc gia Singapore - NUS).
Không chỉ là một văn phòng thông thường, Block71 thực tế được biết đến là hệ sinh thái khởi nghiệp đông đúc nhất thế giới với khoảng 1.000 công ty khởi nghiệp, vườn ươm, nhà đầu tư, cơ quan chính phủ và trải rộng khắp châu Á và Mỹ.
Sau 12 năm gắn bó với Việt Nam, chính ông Ohan cũng nuôi giấc mộng tạo ra một nơi như vậy cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam.
Cùng với người cộng sự của mình, ông Ohan đã tạo ra một không gian bốn tầng của The Sentry bên trong tòa nhà Sonatus, tọa lạc trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, để hiện thực hóa "hệ sinh thái khởi nghiệp" mà ông mơ ước.
"Chúng tôi cung cấp không gian này giống như một trung tâm ươm tạo. Chúng tôi không có các công ty bảo hiểm, bán hàng hay tuyển dụng. Mọi công ty ở đây đều là công nghệ, IT hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm... bởi chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái", ông Ohan chia sẻ.
Cũng theo ông, rất nhiều start-up công nghệ muốn Việt Nam trở thành cơ sở thứ hai cho các dịch vụ công nghệ của họ. "Thông thường họ sẽ đến Ấn Độ hay Philippines, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam", ông chỉ ra.
Nhà đồng sáng lập của The Sentry cho biết ngay tại hệ sinh thái của ông cũng có rất nhiều start-up đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Singapore, Úc, Argentina và Hàn Quốc.
Đặc biệt, ông chỉ ra rằng Hàn Quốc - một nhà đầu tư lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại truyền thống - nay đã quan tâm đến những lĩnh vực mới như start-up ở Việt Nam.
Đồng tình với ông Ohan, ông Galloway cũng đánh giá Việt Nam là một thị trường tiềm năng. Vào Việt Nam năm 2019, ông cho biết Funding Societies đã xác định Việt Nam là thị trường chiến lược.
Cũng theo vị giám đốc này, Funding Societies tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ chi nhánh con nào ở Thái Lan, Singapore, Indonesia hay Malaysia.
Dù đều đã đạt được những thành công nhất định, cả ông Ohan và ông Galloway đều cho rằng việc tiếp cận thị trường Việt Nam đối với người nước ngoài còn một số khó khăn.
"Tôi nghĩ nhiều người muốn đến Việt Nam nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Việt Nam là một thị trường rất lớn nhưng thực sự còn mới. Vì vậy khi có đầu mối liên lạc, bạn có thể tiếp cận thị trường dễ dàng.
Nhưng tôi nghĩ đó cũng là khó khăn. Bước đầu tiên mọi người muốn đến Việt Nam nhưng việc tìm kiếm thông tin và đầu mối trao đổi cũng như hiểu việc họ phải làm gì còn khó khăn", ông Ohan nói.
"Tôi nghĩ đây không phải là lỗi của Việt Nam. Tôi nghĩ sức hút của Singapore nằm ở hệ thống thông luật (common law) và rất nhiều nhóm đầu tư mạo hiểm lớn đến từ những khu vực áp dụng hệ thống này", ông Galloway cho biết.
Theo ông Galloway, các nhà đầu tư có thói quen tìm đến những nơi có hệ thống quy định quen thuộc. Và dù Việt Nam có một số ưu thế so với Singapore, ông thừa nhận "các nhà đầu tư khá bầy đàn".
"Họ là một tập thể. Không ai thực sự muốn bỏ qua rủi ro để làm điều gì đó khác với những người khác", ông nêu thực tế.
Dù vậy, ông Ohan lạc quan rằng Chính phủ Việt Nam vẫn đủ khả năng để tạo ra một môi trường hấp dẫn cho start-up.
"Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thật tuyệt vời trong việc thu hút đầu tư. Ở cấp độ toàn cầu, Chính phủ đang làm những điều tuyệt vời để biến Việt Nam thành một điểm đến. Song start-up là một lĩnh vực mới.
Tôi nghĩ Chính phủ đang thực hiện các bước rất tích cực, nhưng có lẽ những gì chúng ta có thể làm nhiều hơn là cung cấp các hệ sinh thái khởi nghiệp và cố vấn cho cộng đồng này. Nhưng mọi thứ đều cần thời gian", ông Ohan chia sẻ.
Trả lời Tuổi Trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham) cho biết họ đã ghi nhận sự gia tăng số lượng các công ty khởi nghiệp của Úc gia nhập thị trường Việt Nam trong năm 2022. Các công ty này chủ yếu là những công ty đã phát triển các ý tưởng của họ trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Úc và tiến đến thị trường Việt Nam.
AusCham đã nhận được khoản tài trợ trị giá 1 triệu AUD (khoảng 670.000 USD) từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc để thành lập Trung tâm Công nghiệp Úc (AusHub) tại Việt Nam nhằm hỗ trợ hiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Úc (EEES) trong ba năm tới. Công nghệ và khởi nghiệp là một trong những trọng tâm chính của kế hoạch này.
Được ký kết vào năm 2022, EEES đưa ra định hướng rõ ràng và các lộ trình để cả hai nước tăng gấp đôi thương mại và đầu tư song phương trong 10 năm tới. Theo AusCham, sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp muốn tìm cơ hội tại Việt Nam như thế này là chưa từng có trước đây.
Hiệp hội này cho rằng Việt Nam là một điểm đến hợp lý cho các công ty Úc ở châu Á cũng như cho nỗ lực của Úc trong việc khởi động hoặc xây dựng các công ty khởi nghiệp của họ.
Trong khi đó, Singapore cũng hỗ trợ các start-up tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua chương trình Liên minh Đổi mới toàn cầu (GIA, thành lập năm 2017).
Các chương trình của GIA giúp người tham gia tìm hiểu về hệ sinh thái ở các thị trường nước ngoài và kết nối họ với các nhà đầu tư, công ty khởi nghiệp, tập đoàn hoặc tổ chức đang tìm kiếm đối tác đồng hành.
Theo báo Straits Times, các lĩnh vực của Việt Nam mà các công ty đầu tư mạo hiểm đang xem xét bao gồm công nghệ y tế, chế biến thực phẩm và công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Những người tham gia được tham dự các hội thảo, nhận được sự cố vấn trực tiếp với các chuyên gia trong ngành, có cơ hội kết nối và hỗ trợ một chuyến đi thực tế để gặp gỡ với các đối tác tiềm năng ở nước ngoài.
"Đã có ba công ty khởi nghiệp thiết lập thành công sự có mặt của họ tại Việt Nam, trong khi hơn 10 công ty khác đang thảo luận với các đối tác tiềm năng của Việt Nam về khả năng hợp tác trong các dự án thông qua chương trình hỗ trợ này" - giám đốc GIA, ông Jonathan Lim, cho biết.
Xem thêm: mth.60941218021103202-uad-mihc-hnal-tad-man-teiv/nv.ertiout