Sáng 8.1, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 66,45 triệu đồng/lượng và bán ra 67,25 triệu đồng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 450.000 đồng ở chiều mua vào nhưng chỉ tăng 250.000 ở chiều bán ra. Điều này đưa mức chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC từ 1 triệu đồng trong cuối tuần trước giảm xuống còn 800.000 đồng. Riêng vàng nhẫn SJC 4 số 9 cộng thêm 550.000 đồng trong tuần, đưa giá mua lên 53,55 triệu đồng/lượng và bán ra 54,55 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng nhẫn vẫn được duy trì ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng tăng cao trong tuần đầu tiên của năm 2023 Ngọc Thắng |
Giá vàng thế giới chốt tuần đầu tiên của năm mới ở mức 1.866,2 USD/ounce, tăng hơn 40 USD so với cuối năm vừa qua. Quy đổi tương đương, kim loại quý đang có giá 53,2 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), tăng thêm 1 triệu đồng trong tuần qua. Dù vàng miếng SJC tăng chậm hơn thế giới nhưng vẫn cao hơn 14 triệu đồng/lượng.
Kim loại quý đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua do đồng USD suy yếu. Nhiều nhà phân tích cho rằng, một số thông tin kinh tế của Mỹ như báo cáo về lao động, tiền lương cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt. Điều đó sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm dần tốc độ tăng lãi suất. Theo công cụ dự báo lãi suất FedWatch của CME, hiện thị trường bắt đầu định giá với 74,2% khả năng lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp trong tháng 2 tới của Fed. Lãi suất thấp thường đi ngược chiều với giá vàng.
Ông Marc Chandler - Giám đốc điều hành Forex toàn cầu của Bannockburn - phát biểu trên Kitco News rằng mục tiêu tiếp theo mà vàng cần vượt qua là khoảng 1.896,5 USD/ounce - là mức giảm theo ngưỡng kỹ thuật Fibonacci 61,8% từ đỉnh cao gần 2.070 USD/ounce vào tháng 3.2022. Ông không kỳ vọng vào khả năng tăng giá mạnh của kim loại quý nhưng nếu vẫn giữ được trên mức 1.825 - 1.835 USD/ounce thì xu hướng đi lên tiếp tục xảy ra.