Những chiếc xe Tesla cao cấp có cài đặt chế độ siêu tốc gọi là "Ludicrous Mode". Chế độ này sử dụng động cơ điện mô-men xoắn cao để đạt được khả năng tăng tốc cực nhanh. Năm qua, Bloomberg ví cổ phiếu Tesla cũng có chế độ siêu tốc này, nhưng theo chiều ngược lại.
Từ khoảng 1.200 tỷ USD vào đầu năm 2022, vốn hóa của Tesla đã giảm hơn 70%, xuống còn 340 tỷ USD. Dù vậy, đây vẫn là hãng ôtô có giá trị nhất thế giới, gần bằng Ford, General Motors, Stellantis và Toyota cộng lại.
Nhưng nói một cách khác, quy mô mà Tesla đã "bốc hơi" trong năm qua cũng bằng gấp đôi tổng giá trị 4 công ty này. Và Elon Musk cũng là người nắm giữ kỷ lục về mất nhiều tài sản nhất.
Nguyên nhân rõ nhất bởi cổ phiếu Tesla có tốc độ tăng trưởng và tính đầu cơ cao trong một thị trường đã thúc đẩy các công ty như vậy vào năm 2020 và 2021, tức giai đoạn chứng khoán bùng nổ thời dịch. Nhưng đến 2022, nó bị bán tháo khi lãi suất tăng và thị trường chung đi xuống.
Thậm chí, so với các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng từng tăng nóng thì mức độ lao dốc của cổ phiếu Tesla vẫn rõ nét hơn nhiều. Vào năm 2022, nó có hiệu suất kém nhất trong Chỉ số NYSE FANG+ (thước đo 10 công ty công nghệ lớn).
Cụ thể, chỉ số này đã giảm khoảng 40% năm qua, vẫn ít hơn nhiều so với mức giảm của Tesla. Cổ phiếu này phần lớn được giao dịch ngang bằng với các cổ phiếu công nghệ lớn khác vào năm ngoái cho đến tháng 9/2012, rồi sau đó giảm mạnh hơn. Ba tháng qua, cổ phiếu Tesla đã giảm 59%, so với mức giảm 6,7% của FANG+ và mức tăng 6,7% của S&P 500.
Mark Stoeckle, CEO Adams Funds, công ty nắm giữ cổ phiếu Tesla, cho rằng Musk đã khiến nhà đầu tư nào lo lắng khi cổ phiếu được định giá quá cao còn ông thì tìm nhiều lý do để biện minh cho việc bán ra của mình, bất chấp công ty dần đối mặt những thách thức mới.
Đầu tiên là những cuộc phiêu lưu với Twitter. Vào tháng 11/2021, Musk thực hiện một cuộc thăm dò trên Twitter để hỏi liệu anh ấy có nên bán 10% cổ phần của mình trong Tesla hay không. Những người được hỏi nói có. Trong vòng hai tháng sau, Musk đã bán 16 tỷ USD cổ phiếu Tesla. Mọi thứ leo thang nhanh chóng vào năm 2022, sau khi ông tuyên bố ý định mua lại Twitter.
Dù từng cố gắng thoát khỏi thương vụ nhưng cuối cùng Musk cũng chốt mua. Các nhà đầu tư Tesla tiếp tục lo lắng về việc Musk cần phải bán thêm cổ phần hãng xe điện để trả tiền mua Twitter. Ngoài ra, với mối bận tâm cho mạng xã hội này, họ lo Musk mất tập trung với Tesla.
Kể từ cuối 2011 đến nay, Musk đã bán gần 40 tỷ USD cổ phiếu Tesla. Và mặc dù gần đây ông cho biết không có kế hoạch sớm bán thêm, nhưng thị trường hầu như luôn không thích ý tưởng bán cổ phiếu nội bộ của công ty.
Trong khi đó, Musk đã khuấy động vô số tranh cãi xã hội và chính trị kể từ khi tiếp quản Twitter, với những dòng tweet chế giễu của riêng mình và những thay đổi đột ngột với chính sách kiểm duyệt.
Cuộc hỗn loạn trên Twitter có ý nghĩa quan trọng vì tính cách của Musk liên hệ mật thiết với Tesla. Catherine Faddis, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Fernwood Investment Management cho rằng điều đó gây nhiều thiệt hại cho thương hiệu hãng xe và những nội dung đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Elon Musk trong một thời gian.
Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư của Tesla tập trung nhiều hơn vào việc kinh doanh xe điện và đặt rất nhiều kỳ vọng vào nó. Xét cho cùng, đây là cổ phiếu đã tăng hơn 1.100% trong năm 2020 và 2021. Trong khi kỳ vọng doanh thu của GM hoặc Ford sẽ tăng với tốc độ từ thấp đến trung bình một chữ số trong 5 năm tới, thì con số này với Tesla là 25% mỗi năm.
Nhưng kỳ vọng đó đã bắt đầu rạn nứt, sau khi việc giao xe không đáp ứng mong muốn các nhà phân tích trong ba quý liên tiếp. Lần bỏ lỡ mới nhất được báo cáo vào ngày 2/1, khiến cổ phiếu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Tesla vẫn đạt mức tăng 40% khi lập kỷ lục giao hàng hàng quý, nhưng với nhiều người, đó là một sự thất vọng tương đối. Nó báo trước một thực tế mới cho ngành công nghiệp xe điện cũng như cho Tesla.
Các nhà kinh tế đang cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu có thể xảy ra vào năm 2023. Trong khi đó, lạm phát cao trong năm qua và chi phí tài chính cho một chiếc ôtô tăng cao đang khiến người tiêu dùng trì hoãn kế hoạch mua những phương tiện đắt tiền và ôtô điện, thường có giá cao hơn xe xăng.
Tesla hiếm khi giảm giá, nhưng gần đây đã có chương trình ưu đãi cuối năm 7.500 USD tại Mỹ. Ở Trung Quốc, họ cũng phải giảm giá và giảm sản xuất. "Giả định cơ bản của chúng tôi là tăng trưởng hàng năm của Tesla (mặc dù vẫn ấn tượng về tổng thể) có khả năng giảm mỗi năm kể từ đây trở đi", Ryan Brinkman, nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co., nhận định.
Suy thoái kinh tế là một nguyên nhân, nhưng Brinkman cũng chỉ ra mối đe dọa ngày càng tăng từ cạnh tranh. Các nhà sản xuất ôtô truyền thống có thể đã đến muộn trong cuộc chơi, nhưng họ đang lên kế hoạch tung ra hàng loạt mẫu xe điện vài năm tới. Báo cáo từ S&P Global Mobility cho rằng thị phần của Tesla dự kiến sẽ giảm xuống dưới 20% vào năm 2025, từ mức 79% vào năm 2020.
Những người đầu cơ giá lên có thể chỉ ra thị trường xe điện vẫn phát triển đủ nhanh để Tesla bán được nhiều xe hơn, ngay cả khi thị phần giảm xuống. Với nhiều khách hàng tiềm năng nhưng chưa chuyển sang xe điện, Tesla là vẫn là lựa chọn. "Ước tính doanh số vẫn ổn định, tỷ suất lợi nhuận đang được cải thiện và thu nhập đang tăng lên", Brian Mulberry, Giám đốc danh mục đầu tư khách hàng tại Quản lý đầu tư Zacks, nhận định.
Nhưng trong lịch sử, cổ phiếu Tesla rất nhạy cảm với tâm lý thị trường. Trong số các cổ phiếu lớn liên quan đến công nghệ, nó giống với Meta nhất - đã giảm 64% vào năm ngoái. Cả hai công ty đều phải đối mặt với các vấn đề cụ thể và đối diện với tâm trạng hoài nghi gay gắt của các nhà đầu tư.
Ông Stoeckle của Adams Funds cho biết cổ phiếu Tesla vẫn không hề rẻ, ngay cả ở mức giá hiện tại. Nó vẫn là ván cược của những người lạc quan. Theo ông, rất nhiều cổ phiếu đã được định vị lại vào 2022 và nó xứng đáng như vậy. Nhưng với Tesla, việc đánh giá không đơn giản. "Có đủ câu hỏi về hoạt động của Tesla - nhu cầu của Trung Quốc, giảm giá, khả năng cạnh tranh - khiến khó có thể tuyên bố mức định giá hiện tại là chính xác", ông nói.
Phiên An (theo Bloomberg)