Chiến thuật “kim tiền thoát xác”
Theo tin tức độc quyền của báo The Guardian, được đăng ngày 6 tháng 1 vừa qua, các tổ chức tín thác có giá hàng tỷ USD tài sản của tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã được chuyển giao quyền thụ hưởng cho các con trước khi ông bị EU cấm vận.
Ảnh tổng hợp: Guardian Design/Getty/Reuters/Rex/Shutterstock
Theo tập hồ sơ bị rò rỉ, 10 tổ chức tín thác ở nước ngoài được thành lập vì lợi ích của ông Abramovich đã được thiết lập lại từ đầu tháng 2 năm ngoái. Đây là thời điểm 3 tuần trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu.
Thông tin này làm dấy lên nghi vấn liệu các tổ chức tín thác này có phải đã được thay đổi nhằm bảo vệ tài sản khổng lồ của tỷ phú Abramovich trước nguy cơ bị đóng băng hay không? Bởi theo luật pháp Mỹ, nếu một người bị cấm vận trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu 50% trong tổng số tài sản thì số tài sản đó có thể bị thu hồi vô điều kiện.
Tài liệu còn cho biết, chính phủ Canada từng có kế hoạch tịch thu tài sản trị giá 26 triệu USD tại quốc gia này do Granite Capital Holdings, một công ty được cho là thuộc sở hữu của Abramovich nắm giữ. Tuy nhiên, từ tháng 2 năm 2022, công ty này đã không còn nằm trong danh mục tài sản của vị tỷ phú người Nga mà thay thế bằng các con của mình.
Việc sửa đổi đã giúp 7 người con của Abramovich, trong đó đứa nhỏ nhất chỉ mới 9 tuổi, được thụ hưởng khối tài sản trị giá ít nhất là 4 tỷ USD (gần 94 nghìn tỷ đồng). Dù cho tổng giá trị thực có thể cao hơn rất nhiều.
Các con của ông được thụ hưởng khối tài sản “đa dạng” từ cổ phần trong các công ty lớn ở Nga, nhiều bất động sản sang trọng, siêu du thuyền, trực thăng đến cả chuyên cơ riêng. Họ bỗng chốc trở thành tỷ phú sớm hơn dự kiến.
Khối tài sản “nhiều không kể hết”
Trong khối tài sản khổng lồ, phải kể đến dinh thự sang trọng có giá 118,3 triệu USD tại Kensington Palace Gardens. Đây được coi là “khu phố tỷ phú” tại Anh. Hay năm 2009, Abramovich cũng từng chi 90 triệu USD để mua một dinh thự lộng lẫy khác trên hòn đảo Saint Barts, vùng Caribe.
Biệt thự ở Kensington Palace Gardens được cho là thuộc về Roman Abramovich. Ảnh: Hollie Adams/Getty Images
Ông cũng sở hữu 4 căn nhà tại East 75th Street, khu Upper East Side, thành phố New York và một biệt thự lớn tại Antibes, thuộc vùng biển French Riviera, nước Pháp.
Ngoài ra ông còn sở hữu các chuyên cơ đắt đỏ, nổi bật nhất là Boeing 767-33A ER với biệt danh “tên cướp”. Chuyên cơ này từng được ước tính khoảng 66 triệu bảng Anh, tương đương hơn 1,9 nghìn tỷ đồng.
Không gian bên trong chuyên cơ có nhà bếp, quầy bar, phòng làm việc và phòng ngủ 2 giường. Nội thất 100% đều được làm từ kim loại và gỗ quý với màu vàng gold chủ đạo giúp tăng cảm giác xa xỉ. Đặc biệt, chiếc Boeing 767-33A ER này còn được trang bị hệ thống phòng thủ tương tự chiếc Không lực 1 của Tổng thống Mỹ.
Ngoài ra, Abramovich còn mua Eclipse - một siêu du thuyền dài 162,5 mét và cao 9 tầng vào năm 2010. Nó từng chiếm giữ ngôi vị "Du thuyền tư nhân lớn nhất thế giới" đến năm 2013.
Eclipse. Ảnh: Valéry Hache/AFP/Getty Images
Du thuyền có sân đỗ trực thăng, gara ô tô, nhiều hồ bơi, rạp chiếu phim, phòng gym, spa, phòng massage, hội thảo, salon tóc và một tàu ngầm size nhỏ có thể lặn sâu 50 mét. Eclipse có giá khoảng 340 triệu euro với sức chứa 30 khách và 70 thuyền viên.
Tỷ phú hàng đầu nước Nga còn có bộ sưu tập các danh họa nổi tiếng của Pablo Picasso, Lucian Freud, và Francis Bacon với giá trị “liên thành”.
Các chuyên gia cho rằng việc thiết lập lại các tổ chức tín thác có thể làm phức tạp hóa những nỗ lực áp các lệnh cấm vận nhằm vào vị tỷ phú này. Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng tài sản còn đặt ra câu hỏi liệu các con của Abramovich có nên bị cấm vận tương tự cha hay không? Tuy nhiên trên thực tế, gia đình của hầu hết các nhà tài phiệt Nga đều tránh được những hạn chế cấm vận này.
Theo thông tin sơ bộ, hồ sơ rò rỉ là do một đơn vị cung cấp dịch vụ quốc tế có trụ sở tại cộng hòa Síp bị hack dữ liệu. Công ty này phụ trách quản lý các quỹ tín thác của tỷ phú Roman Abramovich.
Vậy Roman Abramovich là ai mà có bộ óc phi phàm và tài sản khủng như vậy?
Roman Abramovich sinh năm 1966. Ông là tỷ phú dầu mỏ người Nga gốc Do Thái và là ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea.
Ông có tuổi thơ khốn khó, mất mẹ từ khi mới 18 tháng tuổi và mất cha năm 4 tuổi. Chính bởi vậy Abramovich luôn quý trọng tiền bạc và có ý thức tiết kiệm từ rất sớm.
Học đại học khi mới 16 tuổi nhưng ông đã bị gọi nhập ngũ dù chưa kịp tốt nghiệp Học viện Công nghiệp Ukhta. Sau khi xuất ngũ, Abramovich làm công nhân cho một nhà máy, sau đó làm thợ cơ khí của tập đoàn Mossepetsmontazh.
Năm 1980, Abramovich bắt đầu khởi nghiệp bằng công ty đồ chơi bằng nhựa. Vài năm trôi qua, doanh nhân người Nga nghĩ rằng mình cần làm ăn lớn hơn. Giai đoạn những năm 1992-1995, bằng đầu óc nhạy bén, ông đã lập những công ty bán hàng tiêu dùng trung gian và kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Sau đó, ông đã để ý tới dầu mỏ và mở 5 công ty dầu vào những năm 1990.
Năm 1995, Abramovich và Boris Berezovsky - một doanh nhân có tiếng, người điều hành hãng sản xuất ôtô Lada đã hợp tác mua cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Sibneft với giá 100 triệu USD. Họ đã trở thành cổ đông chính. Sau này vào năm 2005, Abramovich đã bán lại 73% cổ phần tại Sibneft cho tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom với giá 13 tỷ USD.
Từ năm 2003 trở đi, Abramovich đã rất nổi tiếng. Ông còn mua cả đội bóng Chelsea - một câu lạc bộ khá yếu vào thời điểm đó với giá 233 triệu USD. Nhưng con mắt của một thiên tài chưa bao giờ là sai. Giờ đây, Chelsea là đội bóng có giá trị thứ 6 thế giới và được Forbes định giá lên tới 2,6 tỷ USD (2019).
Roman Abramovich và con gái Sofia xem câu lạc bộ bóng đá Chelsea thi đấu tại Stamford Bridge ở London năm 2017. Ảnh: Facundo Arrizabalaga/EPA
Truyền thông Nga đã cho biết tỷ phú Abramovich đóng góp rất nhiều cho các tổ chức từ thiện. Ông đã ủng hộ hàng triệu USD để xây dựng trường học, bệnh viện và tài trợ hàng tỷ USD khác dành cho phúc lợi xã hội và cơ sở hạ tầng tại một số thành phố của Nga.
Tổng hợp