Chẳng hiểu sao cái gian bếp cũ kỹ ám đầy mạng nhện, phủ đầy bụi tro lúc nào cũng có lửa, vướng khói và đậm mùi củi lửa của gia đình tôi rất nhiều năm trước chợt hiện về.
Một cái góc bếp như thế cùng với dáng mẹ tất tả lo toan, những ngày cận Tết, đang cùng với chạp ùa vào lòng tôi gợi lên rất nhiều nhớ thương.
Tiết trời cuối đông, lạnh cóng. Và cái gian bếp nhà tôi tối mà sao ấm áp lạ lùng. Mẹ ủ bọc hết cả người tôi bằng cái áo bông bà mang từ ngoài Bắc vào và luôn giấm giúi cho tôi một thứ quà Tết nào đấy, đang còn làm dở trên bếp nhưng đã ăn được. Có khi lại cho tôi vét sạch mấy thứ lụn vụn của mứt gừng, dừa... vừa mới rim xong. Những đêm tháng chạp, cái gian bếp nhỏ hẹp ấy chẳng bao giờ vắng bà, bố và các anh chị. Bà bảo nhờ tị lửa cho ấm người và luôn ngủ gật.
Cạnh đấy là bố, nhẩn nha, với cút rượu trong khi mẹ đảo đều tay trên chảo lạc rang. Và tôi thì chúi mắt vào đôi đũa của mẹ. Lạc để cho bố nhắm rượu và chả cần xin, mẹ cũng cho hàng bao lần những cái "dăm ba hột". Cái nóng của lạc nằm mãi nơi kẽ răng và tuồn thẳng vào người, hôi hổi.
Chạp, thích lắm! Bởi gian bếp nhà luôn sực thơm mùi Tết. Mùi ngòn ngọt của các thứ bánh mứt, chị làm. Mùi hăng hăng của dưa cải chưa đủ độ chua, bà vừa muối. Mùi đậu xanh mẹ đồ trong chõ để gói bánh chưng. Mùi thịt mùi mắm mặn mòi hòa trộn với mùi cay cay, nồng nồng của gia vị cộng thêm mùi béo ngậy của mỡ, cứ xào xào trên lửa. Nghe mới đến là vui tai.
Thịt thà cho bố làm giò thủ đấy mà... Tết, còn những bao ngày mà như thể đã ập òa vào ngôi nhà vá víu tềnh toàng của gia đình tôi. Từ một gian bếp đẫm ngập yêu thương và chật căng những là hương là vị.
Bởi còn đủ hết những người thân. Và thường xuyên có lửa nên gian bếp nhà luôn cho tôi cảm giác an toàn, vui sướng. Vui sướng hàng bao nhiêu cái chạp đã đi qua tuổi ấu thơ mình. Khi đã lớn thêm đã trưởng thành. Đã được đi đến nhiều vùng đất mới.
Tôi đã bao lần bần thần nhớ đến cái góc bếp nhỏ hẹp xấu xí của nhà, mỗi khi gần tới Tết. Và chợt sững sờ khi nhận ra: Chạp ý nghĩa không phải từ những nơi chốn tôi đã được đi qua, từ biết bao con người tôi đã được gặp, mà chạp chỉ ý nghĩa từ chính cái nơi ấy.
Từ một gian bếp luôn vướng mùi khói và đậm mùi củi lửa của nhà. Nhờ cái chỗ hết sức là bé mọn, nhỏ nhoi ấy, chạp bỗng ấm áp rỡ ràng dẫu bên ngoài vẫn mùa đông, ẩm đục và u xám. Cũng như nhờ chạp mà gian bếp nhà đã có được một hình dáng mới những âm sắc mới những hương vị mới.
Có vẻ như nơi ấy đã giữ hộ chạp lại cho chúng tôi. Và, chạp hãy còn luẩn quẩn ở góc bếp của gia đình tôi, cho mãi đến Tết cơ đấy! Luẩn quẩn trong những sợi khói vòng vèo tỏa lan, từ bếp lửa. Luẩn quẩn trong cốc rượu bố nhắm những đêm cuối năm...
Chạp không đi xa thế nên bước chân tôi dẫu có lang bạt đến tận đâu đâu vẫn bị níu kéo quay về cho hồn vía loanh quanh, loanh quanh... nơi một gian bếp.
TTO - Là bếp trưởng, từng quản lý bộ phận thực phẩm và nước uống của nhiều tập đoàn khách sạn lớn, tranh thủ nghỉ dịch COVID-19, anh Trịnh Minh Huy đã biến căn bếp của gia đình thành nhà bếp nấu cơm mỗi ngày cho y bác sĩ tại hai bệnh viện ở TP.HCM.
Xem thêm: mth.82545510180103202-pahc-gnaht-gnouh-mad-peb-naig/nv.ertiout