Đặt câu hỏi cho các chuyên gia, Kim Nhung - học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (Bình Thuận) - cho biết sau khi tìm hiểu, bạn rất thích ngành bất động sản. "Em thấy ngành này có hoa hồng cao, nhiều người làm nghề có thu nhập rất tốt. Em có nghe những thông tin về ngành bất động sản thời gian gần đây nhưng em vẫn đam mê. Mong thầy cô có thể tư vấn giúp em" - Kim Nhung chia sẻ.
Trả lời học sinh, ThS Nguyễn Thái Châu - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - Marketing - cho biết cách đây đúng 10 năm, cũng tại buổi tư vấn ở Trường THPT Lý Thường Kiệt, ông cũng đã tư vấn cho một bạn yêu thích ngành bất động sản.
Thời gian đó, ngành này còn khá mới mẻ nhưng bạn vẫn quyết theo đuổi. Đến nay, nữ sinh này đã rất thành công trong sự nghiệp, lên tới những vị trí quản lý cao trong ngành bất động sản.
Ông Châu cho rằng câu chuyện trên là một phần trong bức tranh của ngành bất động sản ở các trường đại học, 10 năm ghi nhận sức hút rất lớn. Các trường đại học có đào tạo ngành bất động sản đều có số lượng sinh viên đăng ký đông.
"Năm qua, dù hoạt động "bất động sản" tại Việt Nam có vẻ đang… "bất động" nhưng tình trạng chậm lại của thị trường và các dự án có thể chỉ trong một khoảng thời gian. 4-5 năm - khi các bạn tốt nghiệp, thị trường bất động sản chắc hẳn sẽ sôi động lại", ông Châu nói.
Về mặt đào tạo, ThS Nguyễn Thái Châu cho rằng sinh viên theo ngành sẽ được dạy các kiến thức về định giá, tài chính.
Sinh viên cũng sẽ được trang bị kỹ thuật phân tích, công cụ đầu tư, quản lý dòng tiền… giúp có thể đảm nhận những công việc mang tính chuyên môn cao.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM - cho biết ngành học bất động sản của trường được phát triển từ ngành quản lý đất đai trước đây. Hướng đào tạo sẽ không chỉ thiên về thương mại, giao dịch mà còn về quản lý chung.
Vì vậy theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên không chỉ có thể làm cho các công ty hay sàn giao dịch.
Sinh viên có thể làm trong ngành địa chính và các ngành liên quan đến quản lý sử dụng đất đai và bất động sản trong hệ thống từ trung ương đến địa phương. "Những đơn vị này luôn cần nhân lực, đặc biệt trong giai đoạn 4-5 năm tới", ông Hùng nói.
Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp sở giáo dục và đào tạo hai địa phương trên tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Chia sẻ tại buổi tư vấn sáng 8-1, ông Phan Đoàn Thái - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận - trăn trở về thống kê Bình Thuận là một tỉnh có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trong nhóm ít nhất năm 2022.
Ông nhắn nhủ các học sinh về tìm kiếm con đường học tập phù hợp cho mình ở cả các bậc trung cấp, cao đẳng, đại học để trước hết có thể phát triển chính mình, và sau đó đóng góp lại cho quê hương Bình Thuận.
"Muốn ngước lên cao trước hết phải nhìn được bên dưới. Kết quả tuyển sinh, xét tuyển đại học của các em trong năm nay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực của bản thân trong học kỳ II sắp tới, vì vậy các em hãy học hết mình", ông Thái nói.
Chú ý quy chế tuyển sinh riêng
Về xét tuyển đại học, TS Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý năm 2023, các cơ sở giáo dục đại học sẽ đưa ra quy chế tuyển sinh riêng, dựa vào quy chế chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc thù của từng trường.
Vì vậy, ông Hùng nhắc nhở các thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ quy chế tuyển sinh của trường mình đang mong muốn theo học bên cạnh nghiên cứu đề án tuyển sinh như mọi năm. Thí sinh có thể tìm kiếm những thông tin này trên website nhà trường và những trang báo chính thống như Tuổi Trẻ.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử phạt vi phạm hành chính 78 cơ sở giáo dục đại học do vi phạm trong công tác tuyển sinh năm 2022.